[Phim hay] Fury: Sự khốc liệt trên chiến trường sinh tử

08/11/2014 09:06 AM | Giải trí

Fury khắc họa một cách sắc nét những trải nghiệm tâm lý thời chiến bởi diễn xuất kỳ cựu của các ngôi sao như Brad Pitt và Logan Leman.

Thông tin phim:

Tên phim: Fury (Tạm dịch: Cuồng nộ)

Đạo diễn: David Ayer

Diễn viên chính: Brad Pitt, Shia LaBeouf, Logan Lerman, Michael Peña, Jon Bernthal

Nội dung chính:

Bước sang thiên niên kỷ mới, Hollywood lại một lần nữa quay về khai thác đề tài Chiến tranh thế giới thứ hai với Fury. Bộ phim giống như một gáo nước lạnh dội vào suy nghĩ lạc quan của thế hệ trẻ sinh ra trong hòa bình và giàu sang. Họ - những thanh niên Mỹ hiện đại – sẽ được dịp chứng kiến những gian khổ thời chiến mà cha ông họ từng nếm trải. 

Có không ít nhà làm phim từng nói về đề tài Chiến tranh thế giới thứ hai và “thế hệ vĩ đại” tham gia cuộc chiến đó. Tuy nhiên, dù chiến tranh được miêu tả tàn khốc như thế nào thì ít nhiều vẫn còn một chút lãng mạn.

Thế rồi sự kiện 11/9 xảy ra, ngay tại thời điểm bước ngoặt của thiên niên kỷ mới. Người Mỹ có quá nhiều thứ phải lo nên chẳng còn thời gian tìm hiểu cặn kẽ những gì cha ông đã trải qua. Thời điểm đó, chiến tranh không phải thứ gì xa xôi mà gần kề ngay trước mắt. Vì vậy những bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ hai dần đi vào dĩ vãng.

Đến tận cuối năm nay, vấn đề này mới lại gây sốt khi Fury – một bộ phim không giống bất cứ tác phẩm cùng đề tài nào trước đây  –  được công chiếu.

Fury là bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ hai đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự kiện 11/9, chiến tranh Iraq và Afghanistan, được nhìn nhận theo quan điểm thế kỷ 21. 

Phim lấy bối cảnh tháng 4/1945 tại Đức, chỉ vài tuần trước khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Một trong những điều đầu tiên người xem nhận ra là sinh mạng con người có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào trên chiến trường, dù chiến tranh sắp kết thúc đi chăng nữa. 

Sự khốc liệt trên chiến trường được thể hiện ngay từ những thước phim đầu tiên khi chiếc xe tăng tiến vào, trên đó có bốn người đàn ông bụi bặm cùng một xác chết. Tất cả đều kiệt quệ, thô lỗ và hung tợn. Chiến tranh không khiến họ tốt đẹp lên mà chỉ làm họ trở nên tồi tệ.

Khi trung sĩ Don “Wardaddy” Collier (Brad Pitt) cùng các đồng đội lái xe tăng mở đường tiến vào sào huyệt quân địch, khung cảnh xung quanh không khỏi khiến người xem rùng mình: Chú bò non trơ trọi bị lạc đàn, chiếc xe ủi đang dồn các thi thể vào một nấm mồ khổng lồ. Mỗi khung cảnh chỉ được đạo diễn kiêm biên kịch David Ayer  lướt qua vài giây chứ không nấn ná lâu. Những người lính trên xe cũng chỉ liếc nhìn mà chẳng thèm bận tâm. Trong chiến tranh, đó đã là chuyện quá đỗi bình thường.

Fury khắc họa một cách sắc nét những trải nghiệm tâm lý thời chiến. Khi người được điều đến thế chỗ cho pháo thủ đã hy sinh của nhóm lính do trung sĩ Don chỉ huy lại là một cậu bé xanh xao mới ngoài hai mươi tuổi, không có chút kinh nghiệm thực chiến nào, thì những người lính tỏ ra chán ngán. Một phần do họ nhận thấy mối nguy khi chỉ được một tay lính mới bọc sườn.

Nhưng nguyên nhân chính và thú vị nhất là họ không thể chịu nổi tính ngây thơ của cậu. Điều đó thôi thúc họ đối xử khắc nghiệt với cậu, không phải để cậu cứng rắn lên mà vì cái niềm tin non nớt về ý nghĩa cuộc sống khiến họ bực mình.

Đạo diễn Ayer từng gây tiếng vang lớn khi viết kịch bản cho Training Day, vì vậy Fury có nét gì đó tương đồng với bộ phim này. Cốt truyện phần lớn được nhìn dưới con mắt của tay lính mới Norman Ellison (Logan Lerman) khi bị ném vào nguy hiểm dưới sự giám hộ của người chỉ huy kỳ cựu Don.

Bài tập đầu tiên cậu phải làm là lấy xô và vào cọ rửa bên trong xe tăng. Trong khi dọn, cậu tìm thấy da mặt và nhãn cầu của một kẻ nào đó bị vứt lại. Giống như Training Day, Fury diễn ra trong một khoảng thời gian được cô đọng. Tại đó, những trải nghiệm cả một đời người được nhồi nhét chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Năm nào cũng có những phim đem đến một vài cảnh quay ấn tượng đến nỗi chúng trở thành một phần trong tâm trí. Fury cũng có một cảnh như vậy. Đó là khi Don và người lính trẻ bước vào ngôi nhà có hai phụ nữ Đức (Anamaria Marinca, Alicia von Rittberg) sinh sống. Cảnh quay thể hiện tài dàn dựng của đạo diễn Ayer cùng khả năng diễn xuất điêu luyện của Brad Pitt. Hãy xem phim và tự cảm nhận cảnh quay giá trị này theo cách của riêng bạn.

Nửa tiếng cuối phim, Fury xây dựng những tình tiết thường thấy trong phim chiến tranh, dù hậu quả tinh thần mà chiến tranh gây ra ít được đề cập hơn. Trái lại, những thước phim về sự tàn khốc trên chiến trường thì luôn rõ ràng, sắc nét khiến bạn không dễ dàng quên được.

>> [Phim hay] Mamma mia!: Giai điệu đầy màu sắc của cuộc sống

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM