Phía sau những đứa trẻ bán hàng rong ở Sa Pa

04/06/2019 09:16 AM | Xã hội

Tại Sa Pa, nơi có đông du khách đến thăm quan, nhiều em nhỏ trong độ tuổi từ 7 - 13 được 'điều động' vào đội quân bán hàng, chèo kéo khách du lịch.

Lâu nay tình trạng các bé gái trong độ tuổi từ 7 - 13 tuổi bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch đã trở thành vấn đề nan giải ở Sa Pa (Lào Cai).

Những bé gái này đều là người dân tộc thiểu số đến từ các xã Lao Chải, Tả Phìn, Trung Chải, Tả Van… theo bố mẹ, anh chị hoặc nhóm bạn xuống thị trấn bán hàng.

8 giờ 30 tối, chúng tôi có mặt tại khu vực nhà thờ đá ở Sa Pa. Vợ chồng Giàng Thị Mú dẫn theo 4 đứa con, ra sức mời chào một số du khách nước ngoài.

Phía sau những đứa trẻ bán hàng rong ở Sa Pa - Ảnh 1.

Mẹ con Giàng Thị Mú bán hàng cho khách Tây


Theo quan sát, vợ chồng Mú đứng một góc, ôm túi đồ lớn. Bên trong chứa bưu thiếp, đồ lưu niệm như túi, ví thổ cẩm và một số trang sức vòng tay, vòng cổ…

3 đứa con lớn của Mú khoảng 5 - 7 tuổi làm 'chim mồi', nói vài câu tiếng Anh bồi bằng chất giọng lơ lớ, cầm tấm bưu thiếp giơ trước mặt nữ du khách. Khi nữ du khách có tín hiệu muốn mua đồ, một đứa con của Mú chạy lại kéo bố mẹ đến giới thiệu sản phẩm.

Mú kể, cô lấy chồng từ năm 17 tuổi. Hiện giờ con gái lớn 7 tuổi, đứa thứ 4 vẫn còn ẵm ngửa.

Ban ngày vợ chồng cô ở nhà làm nương, rẫy, 6 giờ chiều lại bồng bế con xuống đây kiếm thêm. Thu nhập tùy ngày, hôm nào may mắn thì kiếm được vài trăm nhưng có ngày ít hơn.

Người mẹ 4 con cho biết thêm, từ ngày học được vài câu tiếng Anh giao tiếp, cô bán được nhiều hàng hơn. Vì thế Mú dạy lại cho con, để chúng mời khách.

Phía sau những đứa trẻ bán hàng rong ở Sa Pa - Ảnh 2.

Cô bé 7 tuổi ngồi bán hàng rong gần nhà thờ Sa Pa đến 10 giờ đêm


Anh Lý Láo San (SN 1984), nhà ở xã Tả Van, hành nghề xe ôm dưới thị trấn Sa Pa được 8 năm chia sẻ, xã anh cũng nhiều trẻ xuống bán hàng như vậy.

Anh lấy vợ sớm, lần lượt sinh 5 đứa con. Trước đây các con anh từng xuống thị trấn Sa Pa bán hàng nhưng sau thấy con sao nhãng việc học nên anh bắt ở nhà.

‘Đời mình vất vả rồi, không được học hành đầy đủ nên cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây. Tôi bảo vợ khổ một chút, lấy tiền lo cho lũ trẻ đi học. Ban ngày tôi chạy xe ôm, tối tôi dựng sạp thuê ở chợ đêm, hết chợ lại ra dỡ sạp xuống cho chủ. Vợ bán hàng rong gần nhà thờ. Hai vợ chồng thuê phòng trọ nhỏ gần chợ, tiện đi lại’, Lý Láo San nói.

Theo anh Nông Văn Luân - cán bộ văn hóa xã Lao Chải (Sa Pa, Lào Cai), hiện nay số hộ nghèo ở xã Lao Chải vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn nhưng đông con, không chịu kế hoạch hóa. Bởi vậy, bố mẹ các em không quan tâm, chăm sóc con cái được đầy đủ.

Phía sau những đứa trẻ bán hàng rong ở Sa Pa - Ảnh 3.

Anh Nông Văn Luân - cán bộ văn hóa xã Lao Chải



Về vấn đề các em nhỏ ra Sa Pa bán hàng rong, vị cán bộ xã cho hay, phần lớn các em xuống thị trấn bán hàng vào cuối tuần hoặc các buổi tối, vì còn đi học.

Thế nhưng việc tiếp cận với đồng tiền từ sớm, kiếm được dễ dàng khiến nhiều em bỏ bê cả việc học, lao vào mưu sinh. Có em muốn học nhưng gia cảnh nghèo túng, bị bố mẹ bắt nghỉ, ép đi bán hàng.

'Các em bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Bố mẹ bắt con lao động sớm, họ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành và hệ lụy của tình trạng tảo hôn. Các đôi nam nữ kết hôn khi chưa đủ tuổi, sinh nhiều con, không có việc làm buộc họ phải đẩy con xuống thị trấn kiếm tiền, trang trải cuộc sống', anh Luân kể.

Phía sau những đứa trẻ bán hàng rong ở Sa Pa - Ảnh 4.

Không chỉ ở Sa Pa mà ngay xã Lao Chải - nơi có đông du khách đến thăm quan, những em nhỏ như thế này cũng được 'điều động' vào đội quân bán hàng.



Bên cạnh bán hàng rong, có em học lỏm được chút tiếng Anh nên kiêm luôn cả công việc hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài.

Một số cô gái trong xã đến tuổi trưởng thành, được du khách nước ngoài cảm mến đã kết hôn và xuất ngoại. Phút chốc cuộc đời họ rẽ sang trang mới, hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Nhiều cô gái yêu người nước ngoài nhưng hai người chỉ chung sống, hẹn hò một thời gian ngắn ngủi, chàng trai về nước, cuộc tình tan theo mây khói.

‘Các em xuống bán hàng dưới Sa Pa phần lớn là do bố mẹ chở đi. Trường hợp thôn gần thị trấn thì các em tự đi bộ, bố mẹ không quản lý, mặc con muốn đi đâu cũng được, miễn là mang tiền về.

Nhiều bố mẹ đưa con xuống bán hàng còn nhằm mục đích lợi dụng lòng thương hại của khách du lịch’, anh Luân nhấn mạnh.

Vị cán bộ xã thông tin thêm, trước thực trạng này, UBND huyện Sa Pa và các xã đều đưa ra giải pháp và đang thực hiện tuyên truyền, vận động bà con đưa trẻ em trở về nhà đi học; đề ra các chương trình hỗ trợ giúp bà con qua các dự án phát triển kinh tế, đào tạo nghề... Tuy vậy, để giải quyết dứt điểm vấn đề cũng cần có thời gian.

Ông Đào Đức Phong - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch Sa Pa cũng khẳng định, tình trạng trẻ em bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch đặc biệt là khách du lịch nước ngoài xảy ra ở Sa Pa nhiều năm nay.

Ông cho biết, chính quyền địa phương đã tuyên tuyền, vận động từ cơ sở chấm dứt việc để trẻ em đi bán hàng rong. Tình trạng này thuyên giảm được một thời gian. Tuy nhiên, sau đó lại bùng phát trở lại.

Theo ông Phong, việc để các em ở tuổi ăn tuổi học đi bán hàng rong không chỉ vi phạm quyền trẻ em mà còn gây hình ảnh không đẹp trong mắt du khách quốc tế.

Phía sau những đứa trẻ bán hàng rong ở Sa Pa - Ảnh 5.

Một em nhỏ tranh thủ học bài trước giờ ra thị trấn bán hàng


Theo Diệu Bình - Ngọc Trang

Cùng chuyên mục
XEM