Phía sau những dòng Tweet của Tổng thống Trump và cơ hội cho Việt Nam
Việt Nam đã trở thành tâm điểm nhờ vào việc được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến trên Twitter khi công kích Trung Quốc: "Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời bỏ Trung Quốc tìm đến Việt Nam".
Tổng thống Trump đã liên tiếp thể hiện quan điểm của mình qua Twitter nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang. Ông Trump cho rằng Trung Quốc mới là bên chịu thiệt trong vấn đề này.
Đặc biệt, ông Trump cảnh báo về một cuộc "đào tẩu" của các nhà đầu tư đang hiện diện tại Trung Quốc mà điểm đến mới có thể là Việt Nam.
"Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam hay các nước châu Á khác. Đó là lý do Trung Quốc rất muốn đạt được thoả thuận", ông viết.
Việc nhắc đến "Việt Nam" trên dòng tweet của Tổng thống Trump, bên cạnh việc quảng cáo miễn phí một cách hiệu quả cho Việt Nam – như nhận định của một số doanh nhân, một mặt khẳng định về một xu hướng dịch chuyển đầu tư ngày một rõ nét.
"Việt Nam có khá nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại trong bối cảnh cuộc chiến tranh thuơng mại Mỹ - Trung", TS. Trần Toàn Thắng Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KHĐT nói với Trí Thức Trẻ.
Theo ông, việc thuế quan tăng cao từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hoá lần này sẽ đẩy nhanh hơn tác tác động tích cực lẫn tiêu cực mà Trung Quốc dù đã dự đoán trước đó nhưng chưa có biểu hiện rõ ràng.
"Với đợt tăng thuế này, tác động tiêu cực tới Trung Quốc sẽ rõ ràng hơn. Cơ hội cho Việt Nam, vì vậy cũng rõ ràng hơn", ông Thắng nói.
Thứ nhất là vấn đề dịch chuyển dòng đầu tư, vốn được phân tích khá nhiều, trong đó có đầu tư từ FDI tại Trung quốc và FDI của Trung Quốc.
Dòng đầu tư FDI vào Việt đã chứng minh xu thế này đang hiện hữu. Trong 4 tháng đầu năm, FDI tại Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới. Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh vốn đạt tới 7,45 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số liệu khác là góp vốn, mua cổ phần trong 4 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ, tăng hơn 3 lần so với 4 tháng đầu năm 2018. Tổng vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 210% so với năm trước, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào các dự án mới nhiều hơn gấp bốn lần (+470%).
Thứ hai, theo ông Thắng, tuỳ vào từng ngành cụ thể, mức thuế quan 25% có thể có tác dụng ngăn chặn dòng thương mại từ Trung Quốc sang Mỹ (có thể với một số ngành thì chưa phải là quá cao và chưa có tác dụng ngăn chặn hoàn toàn thương mại). Tuy nhiên, lỗ hổng thị trường của cả Mỹ và Trung Quốc xuất hiện làm tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong danh mục của 250 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế, có rất nhiều hàng tiêu dùng cuối cùng vì vậy đương nhiên cơ hội là khá lớn, ông nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý hai yếu tố. "Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam sẽ tăng nhanh, có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát xuất khẩu từ Việt Nam, và Việt Nam càng dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới các DN xuât khẩu", ông nói.
Yếu tố thứ hai, theo ông, là công suất xuất khẩu không thể tăng nhanh và việc tăng xuất khẩu chỉ là hệ quả của chuyển hướng thương mại từ các thị trường khác, lợi ích không thay đổi nhiều.
Như vậy, cơ hội cho Việt Nam là có, trong những căng thẳng về thương mại không ngừng leo thang này. Tuy nhiên, các câu hỏi được đặt ra là Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng?