Phát ngôn nổi bật trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Một số bộ thấy việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng to để bộ làm"
Trong lần đầu tiên ông Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, tổng cộng đã có 46 đại biểu đăng ký câu hỏi với vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Dũng nhiều lần được Chủ tịch Quốc hội "nhắc câu hỏi" và bị truy nhiều lần về vấn đề đầu tư công.
Sáng nay (15/6)`, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời phần chất vấn còn dang dở từ cuối giờ chiều qua.
Một số chủ đề “nóng” của nền kinh tế được các đại biểu mang ra thảo luận. Như đại biểu Trần Văn Lâm đoàn Bắc Giang đặt vấn đề định giá trị đất trong cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Bộ trưởng Dũng thừa nhận thực trạng khi cổ phần hóa thì giá trị đất đang xác định là đất thuê của Nhà nước sẽ không tính vào giá trị doanh nghiệp. Cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất xong thì giá trị địa tô tăng lên nhưng lợi ích thuộc về doanh nghiệp, không phải Nhà nước.
Để thay đổi điều này, Bộ trưởng nói các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ quỹ đất, sử dụng đất, nếu không có nhu cầu sử dụng phải trả lại Nhà nước.
Có thắc mắc đặt ra về một số công trình hiện nay đầu tư lớn cho hạ tầng, khiến giá trị đất hai bên đường và giá trị đất cả khu tăng lên rất nhiều, nhưng Nhà nước lại không được hưởng lợi.
Bộ trưởng đã đưa ra giải pháp khắc phục là giải tỏa thêm diện tích hai bên mặt đường, hoặc Nhà nước đứng ra làm cả quy hoạch và đầu tư hạ tầng. “Cần làm quy hoạch, thiết kế, hạ tầng giao thông, đô thị, sau đó mới đấu giá”- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Giờ chất vấn buổi sáng trôi qua được một nửa, Quốc hội tạm nghỉ. Trên sóng truyền hình quốc gia, vị đại biểu quen mặt là ông Trần Hoàng Ngân đoàn Thành phố Hồ Chí nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Bộ trưởng đã nắm sát vấn đề, nắm được yêu cầu chất vấn của đại biểu, nhưng chỉ trả lời khoảng 70% mong đợi của đại biểu. Thực tế, lĩnh vực mà Bộ nắm là quá rộng”.
Trở lại sau giờ nghỉ, Bộ trưởng đã giải đáp thắc mắc của đại biểu Trần Đình Gia đoàn Hà Tĩnh về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý. Bộ trưởng cho biết, vướng mắc chủ yếu do Luật Đầu tư công là bộ luật mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt.
“Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề. Nhiều dự án còn tồn tại những điểm chưa tốt, còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị” – Ông Dũng nói.
Phiên chất vấn diễn ra chậm với nhiều lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải nhắc lại câu hỏi của đại biểu cho vị Bộ trưởng. Đứng lên trước Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã hỏi Bộ trưởng về vấn đề thu hút FDI vào nông nghiệp.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói việc này trong 30 năm qua đã hết sức khó khăn. Nguyên nhân là do đặc thù tích tụ đất đai Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún, khó làm được quy mô lớn. “Muốn thu hút FDI vào nông nghiệp, phải mở rộng hạn điền” – Vị Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh
Trong một diễn biến tranh luận khác, đại biểu Nguyễn Thái Học đoàn Phú Yên đề nghị Bộ trưởng giải thích về trách nhiệm của Bộ đã để xẩy ra tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công vẫn tồn tại.
Thừa nhận còn tình trạng này, Bộ trưởng phân trần nó đã diễn ra trong quá trình dài, từ lâu rồi, chứ không phải mới đây và hiện nay. “Chúng ta đã có nhiều chính sách, biện pháp khắc phục, trong đó có luật đầu tư công, tuy nhiên, việc khắc phục vẫn còn hạn chế. Hiện nguồn vốn bố trí cho đầu tư công vẫn dàn trải, dẫn đến lãng phí”.
Ở những thời gian cuối cùng của phiên chất vấn, các đại biểu và Bộ trưởng đã tranh luận về nội dung phân bổ vốn đầu tư công cũng như các vướng mắc tồn tại trong luật đầu tư công.
“Không có chuyện xin cho trong phân bổ vốn” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh khi có đại biểu thắc mắc về việc liệu có tồn tại cơ chế xin cho trong phân bổ vốn.
Vị Tư lệnh ngành cũng nhắc lại quá trình phân giao, phân bổ vốn: Bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao vốn, và Bộ Kế hoạch có nhiệm vụ thông báo.
"Trách nhiệm Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thuộc về việc phân bổ" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tham gia ở gần cuối phiên chất vấn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu thực tế "chúng ta có tiền mà không tiêu hết được". Phó Thủ tướng dẫn số liệu giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 có cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng phải thẳng thắn mà nói là còn chậm và không phân bổ hết dự toán.
Phân tích về nguyên nhân của việc không tiêu hết tiền, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng bên cạnh những hạn chế của luật đầu tư công thì việc phân cấp và ủy quyền cũng chưa được làm hợp lý.
"Vẫn còn tình trạng thích ôm việc ở các bộ ngành, thấy việc gì cũng quan trọng nên chưa tin tưởng để phân cấp cho cấp dưới và địa phương. Công tác phối hợp giữa các bộ ngành, giữa các địa phương còn yếu kém, không thể chối cãi được. Nhiều cán bộ nhũng nhiễu chưa được lãnh đạo ngành, địa phương xử lý nghiêm" - ông Huệ thẳng thắn.