Phát hiện kỷ lục: 3 vật thể ngoài hành tinh sắp nuốt nhau
Ở nơi cách Trái Đất 5.000 năm ánh sáng, 3 vật thể đang bị mắc kẹt vào nhau và chuẩn bị biến thành dạng "quái vật vũ trụ" đáng sợ.
Nhóm nghiên cứu do nhà vật lý thiên văn Veselin Kostov từ Trung tâm bay không gian Goddard của NASA dẫn đầu đã xác định được TIC 290061484, một hệ thống phức tạp bao gồm phần trung tâm là 3 vật thể sáng đang nằm gọn trong một vòng hẹp chỉ bằng quỹ đạo Sao Thủy.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal, cụm vật thể trên là 3 ngôi sao liên kết hấp dẫn với nhau, được phát hiện từ dữ liệu của kính viễn vọng TESS của NASA.
Khoảng cách quá gần giữa chúng - với 2 ngôi sao trong số đó gần như dính chặt nhau - đã tạo nên một kỷ lục mới.
Hai ngôi sao gần như dính liền có khối lượng gấp 6,85 và 6,11 lần khối lượng Mặt Trời, với chu kỳ quỹ đạo chỉ 1,8 ngày.
Ngôi sao thứ ba có khối lượng gấp 7,9 lần Mặt Trời và quay quanh cặp sao trung tâm với chu kỳ 24,5 ngày.
Điều này đã phá vỡ dễ dàng kỷ lục trước đó về 3 ngôi sao quay quanh nhau với chu kỳ quỹ đạo 33 ngày.
Đó chưa phải là tất cả. Bộ ba này dường như có một người bạn khác, mà các nhà khoa học suy đoán là ngôi sao thứ tư, đang quay quanh chúng ở khoảng cách xa hơn nhiều.
Ước tính ngôi sao thứ tư này có khối lượng khoảng 6,01 lần khối lượng Mặt Trời, quay quanh bộ ba đáng sợ nói trên trên với chu kỳ quỹ đạo lên tới 3.200 ngày.
Trong đó, bộ 3 sao "mắc kẹt" vào nhau đang trên đường tiến đến một vụ va chạm chắc chắn. Sự kiện này sẽ khiến chúng cùng phát nổ thành một siêu tân tinh.
Cuối cùng, những gì còn sót lại của cả ba sẽ tạo thành một trong những dạng vật thể đáng sợ nhất vũ trụ là sao neutron trong khoảng 20 triệu năm tới.
Phần lớn các sao neutron khác là tàn tích của những ngôi sao khổng lồ đã sụp đổ một lần. Vì vậy một sao neutron được tạo nên bởi 3 ngôi sao khác nhau sẽ là một vật thể rất hiếm.
Đó sẽ là một sao neutron đáng sợ, bởi mỗi ngôi sao trong bộ 3 vật thể dính nhau nói trên đều rất lớn.