Tội phạm Đông Á - Thái Bình Dương kiếm được nhiều tiền nhất từ hàng giả
Ma túy, gỗ và động thực vật hoang dã, hàng giả và buôn người tiếp tục là những lĩnh vực hấp dẫn các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Nội dung nổi bật:
Các nhóm tội phạm tại Đông Á- Thái Bình Dương kiếm được hơn 24 tỉ USD từ buôn bán hàng giả, 17 tỉ USD từ gỗ phi pháp, 16 tỉ USD từ heroin,...
---------------------------------------------
Đó là một trong những kết quả nghiên cứu trong báo cáo do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) công bố ngày 14-8 tại Hà Nội. Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) - cho biết điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế ở VN.
Theo báo cáo, các nhóm tội phạm tại Đông Á - Thái Bình Dương kiếm được nhiều tiền nhất từ buôn bán hàng giả (hơn 24 tỉ USD), gỗ phi pháp (17 tỉ USD), heroin (hơn 16 tỉ USD), methamphetamine (15 tỉ USD), thuốc giả (5 tỉ USD) và rác thải điện tử (3,75 tỉ USD).
VN có mặt trong hầu hết các loại hình tội phạm trên, ví dụ các sản phẩm gỗ bất hợp pháp phần lớn có nguồn gốc từ Đông Nam Á (Indonesia và Malaysia) rồi được trực tiếp chuyển tới các nước tiêu dùng hoặc được sơ chế ở Trung Quốc và VN trước khi xuất khẩu. VN cùng Thái Lan và Indonesia là các trung tâm lớn sau Trung Quốc cho việc chứa rác thải điện tử của khu vực: có khoảng 10 triệu tấn rác thải điện tử được buôn lậu vào khu vực mỗi năm, trong đó vào Trung Quốc khoảng 8 triệu tấn. VN cũng là một trong những nơi sản xuất thuốc giả được báo cáo chỉ ra, ngoài hai nguồn lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc - điểm xuất phát của 60% lượng thuốc giả bị thu giữ trên toàn thế giới trong thời gian 2009-2010.
Đáng chú ý, UNODC ước tính số người VN di cư bất hợp pháp ở EU bị phát hiện ngang với một nửa số người Trung Quốc bị phát hiện (tương đương 18.000 người/năm và có thể mang lại 300 triệu USD/năm cho các đường dây vận chuyển lậu).
Cũng tại buổi công bố, trung tướng Đỗ Kim Tuyến xác nhận hiện nay có tình trạng sừng tê giác được buôn lậu vào VN. “Trước hết là cho tiêu thụ trong nước và có thông tin là cả đưa đi nước ngoài, trong đó có Trung Quốc”, ông Tuyến nói.
* Cùng ngày 14-8, Bộ Kế hoạch - đầu tư VN và UNODC đã ký văn kiện “Chương trình quốc gia” giai đoạn 2012-2017 với tổng ngân sách 14,4 triệu USD, trong đó ngân sách VN đã được đảm bảo khoảng 2 triệu USD, còn lại là khoản cần vận động.
Theo H.Giang - M.Quang
Theo Tuổi trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!