Những 'quả đấm thép': Gặp người muốn 'cho không' Việt Nam 10 tỉ USD!

10/08/2014 10:59 AM | Pháp luật

Với chiêu muốn “viện trợ nhân đạo” cho Việt Nam 10 tỉ USD/năm, ông Paul Lê Hùng - Việt kiều Mỹ - được một số địa phương và doanh nghiệp đón chào và ký “hợp đồng ghi nhớ” với ông ta.

“Bánh vẽ”

Theo hồ sơ, tháng 8.2013, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang có văn bản đề đạt ý kiến với lãnh đạo tỉnh xin đầu tư dự án đường 878 và 871B bằng nguồn vốn không tính lãi và không hoàn vốn. Theo đó, ông Lê Văn Đăng - Giám đốc Cty CP đầu tư xây dựng và phát triển Đồng Tháp Mười (trụ sở tại Tiền Giang) - xin được đầu tư làm 2 con đường này dựa vào nguồn tài trợ của “tập đoàn quỹ tài trợ nhân đạo Diamond Access Inc. và UMG Foundation” (Tập đoàn DAI), với mức đầu tư cho cả nước là 10 tỉ USD/năm. 

Riêng Tiền Giang được “tài trợ” 4.200 tỉ đồng không hoàn lại để làm đường. Điều kiện để tiếp nhận vốn của tập đoàn này là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp một bảo lãnh có giá trị 10 tỉ USD mà Tập đoàn DAI là người thụ hưởng.

Thấy điều rất không bình thường này, tôi đã thu thập tài liệu và phát hiện nhiều điều mờ ám của khoản viện trợ 10 tỉ USD xuất phát từ ông Paul Lê Hùng - người tự xưng là đại diện Châu Á của Tập đoàn DAI. 

Trong thư ngỏ do ông Hùng ký gửi nhiều nơi nêu rằng, vì mục đích nhân đạo, đã cung cấp nguồn vốn tương tự cho hơn 20 quốc gia trên thế giới và các tiểu bang ở Mỹ và “Hiện tập đoàn này muốn tài trợ trực tiếp vào các dự án an sinh xã hội như giao thông, cảng biển, phi trường, trường học, xóa đói giảm nghèo... Nếu được chấp thuận, nguồn vốn này sẽ được chuyển về Việt Nam trong vòng 30 ngày, mỗi năm 10 tỉ USD... (!?).”

... và những điều khó hiểu

Qua các kênh thông tin và qua chính ông Paul Lê Hùng, tôi được biết đã có nhiều tổ chức, cá nhân bị ông Hùng “xỏ mũi”. Cụ thể, trong tháng 10.2013, ông Hùng đã ký biên bản ghi nhớ với Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng Trần Anh Việt và Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Sóc Trăng Mai Phước Hưng để “đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai II và Mạc Đĩnh Chi - Trần Đề”. 

Tương tự, ông Hùng ký biên bản ghi nhớ với ông Nguyễn Khắc Lâm - Chủ tịch UBND thị xã Sông Công (Thái Nguyên) - để đầu tư hàng loạt công trình an sinh xã hội tại địa phương này như đường giao thông, đường cao tốc, trường học, bệnh viện... Chính vì những “biên bản ghi nhớ” này nên có khá nhiều doanh nghiệp đã “đeo bám” theo dự án nhằm xin làm đơn vị thi công công trình. 

Nhiều người trong số này, năng lực rất kém, vẫn được ông Hùng “ưu ái” cho làm “đối tác”. Kết quả là, hầu hết họ đều rơi vào cảnh tán gia bại sản do vung tiền ra bôi trơn nhằm chạy dự án.

Sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ, Lao Động đăng tải loạt bài, khởi đầu là bài “Tiền Giang từ chối “gói viện trợ 10 tỉ USD”’ (ngày 25.11.2013). Bài báo nêu việc ông Paul Lê Hùng muốn “cho không” Tiền Giang một số tiền rất lớn nhưng lãnh đạo địa phương đã có văn bản từ chối vì “không phù hợp”. 

Để có bài kết cho loạt bài này, phóng viên tiếp cận trực tiếp với ông Paul Lê Hùng và ông ta đã thừa nhận “một đồng cũng không có”, vì vậy, gói “viện trợ” này luôn ở thì... tương lai.

Nhiều tờ báo khác cùng tham gia “lật tẩy” Paul Lê Hùng. Kết quả, không có thêm nạn nhân bị Paul Lê Hùng cho ăn “bánh vẽ”. Tuy nhiên, những hậu quả nặng nề do “gói viện trợ” này mang đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Trong vụ việc này, điều ngạc nhiên là những điều ông Hùng nói, bất kỳ ai có chút hiểu biết cũng không thể tin được, nhưng không hiểu bằng cách nào mà một số cơ quan nhà nước có thể ngồi ký “hợp đồng ghi nhớ” với ông Paul Lê Hùng.

>> Ông chủ Khaisilk và những quyết định rất Khải

Theo Hữu Danh

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM