Những điều khoản này nhằm tăng thu cho quỹ bảo hiểm xã hội khi nguy cơ vỡ quỹ đang được cảnh báo là sẽ xảy ra trong thời gian gần.
Bắt buộc
Theo bà Trần Thuý Nga, vụ trưởng vụ Bảo hiểm xã hội (bộ Lao động – thương binh và xã hội), có thêm nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được đưa vào dự thảo. Cụ thể, chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương cũng bắt buộc phải tham gia. Ở bảo hiểm xã hội tự nguyện, thay vì khống chế tuổi tối đa được tham gia như trước đây thì dự thảo bỏ đi tuổi trần được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ngoài ra, hiện nay luật không quy định bắt buộc phải tham gia với những doanh nghiệp có sử dụng thường xuyên dưới mười lao động thì ở dự thảo luật, những doanh nghiệp này cũng dự kiến trở thành đối tượng của bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Doanh nghiệp nợ, chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội sẽ khiến cho người lao động bị “mất trắng” quyền lợi khi thất nghiệp và hưu trí. Ảnh: Thanh Hảo |
Ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội thừa nhận vẫn còn một lực lượng lớn người lao động nằm ngoài độ phủ của chế độ bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, đó là khoảng 80% lực lượng lao động, 30% số người thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bảo hiểm xã hội tự nguyện dù có tăng số người tham gia nhưng thực tế chỉ chiếm 0,02% số lao động thuộc diện này.
Bà Nga cho rằng với những quy định mới này, bảo hiểm xã hội sẽ được mở rộng hơn, vươn tới nhiều tầng lớp dân cư hơn. “Hiện nay bảo hiểm xã hội mới chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động trong khi nhu cầu được bảo hiểm việc làm và có lương hưu của người lao động là rất lớn”, bà Nga nói.
Việc mở rộng thêm số người tham gia cũng sẽ góp phần tăng thu cho quỹ hưu trí khi mà nguy cơ mất cân đối của quỹ này đã được tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo là đến năm 2023 thu trong năm chỉ đủ chi trong năm và đến năm 2029 thì quỹ hưu trí hoàn toàn cạn kiệt và mất khả năng chi trả.
Tăng thu
Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động cho rằng bên cạnh các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc cần thiết là phải đưa ra các chế tài mạnh mẽ để các đối tượng cũ tuân thủ đóng đầy đủ. Đưa ra dẫn chứng, ông Chính cho rằng hiện nay cơ quan quản lý cũng không biết chính xác số lao động thuộc diện tham gia bắt buộc là bao nhiêu. “Điều tra của bộ Lao động – thương binh và xã hội năm 2012 về số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 95% số lao động thuộc diện bắt buộc phải tham gia, nhưng thực tế điều tra của tổng liên đoàn thì tỷ lệ này chỉ đạt 67 – 70%”, ông Chính cho biết.
Việc nợ, chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội khiến cho hàng trăm ngàn lao động bị “mất trắng” quyền lợi. Tính đến cuối năm 2011 số tiền nợ đọng này là 6.400 tỉ đồng và tiếp tục tăng lên 7.000 tỉ đồng trong năm 2012. |
Như vậy theo ông Chính, hiện còn khoảng 7 triệu lao động thuộc diện bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng không tham gia và cần phải tập trung vào những nhóm lao động này. Bên cạnh đó, việc nợ, chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội khiến cho hàng trăm ngàn lao động bị “mất trắng” quyền lợi. Tính đến cuối năm 2011 số tiền nợ đọng này là 6.400 tỉ đồng và tiếp tục tăng lên 7.000 tỉ đồng trong năm 2012.
Một kiến nghị khác được ông Chính và nhiều đại biểu góp ý là dự thảo luật bảo hiểm xã hội nên sửa đổi quy định về mức lương làm căn cứ đóng. Thay vì mức lương để đóng bảo hiểm xã hội là lương tối thiểu nhân với hệ số như hiện tại, nên quy định lương đóng là lương theo công việc hoặc chức danh có kèm phụ cấp và các khoản bổ sung khác như quy định tại điều 90 của bộ luật Lao động. Quy định như vậy để tránh tình trạng tới khi về hưu thu nhập của người lao động bị giảm nghiêm trọng vì họ đóng và hưởng theo mức lương tối thiểu khiến lương hưu chỉ đủ sống lay lắt qua ngày.
Theo Tây Giang
thuyntt