Dương Tự Trọng được giảm án còn 16 năm tù giam

23/05/2014 15:10 PM | Pháp luật

Chiều nay (23/5), HĐXX phiên phúc thẩm Dương Tự Trọng và các đồng phạm trong vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” sẽ tuyên án.

Trước đó, trong ngày 22/5, phiên tòa đã diễn ra với phần xét hỏi, thẩm vấn và tranh luận ai là kẻ chủ mưu... Cuối ngày, các bị cáo cũng đã được nói lời sau cùng.

12h55: Các bị cáo đã được dẫn giải vào phòng xử, chờ HĐXX làm việc.

13h35: HĐXX đọc tóm tắt nội dung vụ án cùng các mức án mà HĐXX sơ thẩm đã tuyên.

VKS thấy rằng việc quy kết các bị cáo theo khoản 3 là đúng người đúng tội đúng pháp luật.

Án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trọng. Đây là mức án cao đối với loại tội này.

Tại phiên sơ thẩm các bị cáo đã thành khẩn khai báo nên có cơ sở giảm nhẹ tội cho bị cáo.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn có vai trò móc nối các mắt xích lại với nhau để đưa Dũng trốn ra nước ngoài. Sơn còn chuẩn bị phương tiện để các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.

Sơn và Trọng là quan hệ cấp trên cấp dưới, vì nể mà làm, có cơ sở để giảm nhẹ cho bị cáo.

Dũng "bắc kạn" và Đồng Xuân Phong tiếp tục phạm tội thể hiện khó cải tạo, án sơ thẩm xử phạt Phong và Dũng mức án sơ thẩm là hơi cao, có cơ sở giảm án, để hai bị cáo mức án bằng nhau.

Bị cáo Ánh đã tham gia gần như xuyên suốt toàn bộ quá trình đưa Dũng đi trốn. Án sơ thẩm phạt 6 năm tù là có phần hơi nặng. Có cơ sở giảm tội cho bị cáo này.

Đối với bị cáo Tuấn, đã tham gia công đoạn đầu tiên đưa Dũng trốn đi nước ngoài. Việc Tuấn biết Dũng đi nước ngoài được chứng minh qua các chứng cứ. Tuấn là giám đốc kinh doanh trong lĩnh vực vận tải thủy, cộng với là chỗ thân thiết nên việc Dũng gây thất thoát ở Vinalines, báo chí đã đăng tải, nhiều người biết, Tuấn không thể không biết.

Tuấn cũng đã nói chuyện với Trọng ở Phố Nối Hưng Yên, nhưng Tuấn vẫn đến nhà chị Nhung đón Dũng đi.

Thắng đi cùng Tuấn cũng có lời khai khẳng định Tuấn biết việc đưa Dũng đi trốn. Mặt khác, việc đưa Dũng đi trốn thực hiện với nhiều hành động bất thường, Tuấn cũng đã thừa nhận lúc đưa Dũng từ Hà Nội đi Quảng Ninh là bất bình thường.

Nhưng vì Trọng đã nhờ là bị cáo giúp, thể hiện bị cáo sẵn sàng tiếp nhận ý chí của Trọng để phạm tội.

Việc đưa Dũng từ Hà Nội đi Quảng Ninh nằm trong kế hoạch đưa Dũng ra nước ngoài trốn. Việc định tội bị cáo Tuấn ở bản án sơ thẩm là không sai.

Đề nghị chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ tội của các bị cáo để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo này. Bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Tuấn.

Xét ý kiến của các luật sư nêu ra, việc áp dụng hậu quả để quy kết các bị cáo phạm tội theo khoản 3 là không đúng. HĐXX thấy rằng, bị cáo Trọng và các bị cáo khác đưa Dũng đi nước ngoài nhằm trốn tránh pháp luật. Trên thực tế, vụ án Dũng gây ra đã được xác định, thiệt hại do Dũng và đồng bọn gây ra đã được đánh giá và xác định. Tòa phúc thẩm cũng đã tuyên Dũng mức án tử hình.

Tòa sơ thẩm kết tội các bị cáo theo khoản 3 là có căn cứ pháp luật. HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận ý kiến của các luật sư và các bị cáo.

Xét thấy hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, có bị cáo từng là cán bộ công an, là lãnh đạo nhưng lại câu kết với đối tượng có nhân thân xấu để đưa Dũng trốn đi nước ngoài.

Với tính chất vụ án có bàn bạc, có tổ chức bằng những thủ đoạn phân công từng bị cáo thực hiện từng công đoạn, sử dụng điện thoại, sim rác, các bị cáo đã đưa trót lọt Dũng trốn ra nước ngoài.

Do yêu cầu của công cuốc đấu tranh phòng chống tội phạm, để có sự nghiêm minh cần xử nghiêm các bị cáo.

- Đối với kháng cáo xin giảm tội của bị cáo Trọng: Bị cáo Trọng đóng vai trò chủ mưu, giao cho các bị cáo khác đưa Dũng đi trốn, đồng thời phân công đưa Dũng đi trốn trót lọt ra nước ngoài.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, có cơ sở giảm nhẹ tội cho Trọng vì tại phiên phúc thẩm bị cáo đã thành khẩn khai báo.

- Đối với kháng cáo của Vũ Tiến Sơn: Khi quyết định hình phạt, tòa sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để phạt bị cáo 13 năm tù là chính đáng nên cấp phúc thẩm không xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Sơn.

- Đối với bị cáo Đồng Xuân Phong: Vai trò của bị cáo trong việc đưa Dũng trốn đi nước ngoài là rất tích cực. HĐXX thấy rằng, bị cáo được sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng, nhưng bị cáo bất chấp, coi thường pháp luật, đã bị truy nã trốn ra nước ngoài, cần xử nghiêm. Mức án 7 năm tù là chính đáng, không xem xét kháng cáo giảm nhẹ tội cho Phong.

- Đối với bị cáo Trần Văn Dũng: là người có nhân thân xấu, từng bị phạt tù về tội buôn lậu, tàng trữ trái phép chất ma túy, nay lại tiếp tục phạm tội nên cần xử nghiêm.

Bị cáo thành khẩn khai báo nên cấp sơ thẩm tuyên mức án 8 năm tù là chính đáng, không xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo.

- Đối với bị cáo Nguyễn Trọng Ánh: Tại phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo xuất trình nhiều huân huy chương của người thân, bị cáo cũng được giấy khen của Giám đốc Công an Hải Phòng nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, với vai trò tính chất phạm tội, mức án 6 năm tù mà cấp sơ thẩm tuyên phạt là không nặng nên không có căn cứ giảm nhẹ tội cho bị cáo.

Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Minh Tuấn: Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo Thắng xác nhận Tuấn có biết việc đưa Dũng đi trốn nằm trong kế hoạch. Không có cơ sở xét kháng cáo kêu oan cho bị cáo.

HĐXX thấy có căn cứ chấp nhận ý kiến của VKS giảm hình phạt cho bị cáo Trọng. Các bị cáo khác mà VKS đề nghị giảm nhẹ tội HĐXX thấy không có cơ sở.

Áp dụng khoản 3, điều 275, BLHS xử phạt Dương Tự Trọng: 16 năm tù.

Vũ Tiến Sơn: 13 năm tù; Đồng Xuân Phong: 7 năm tù; Trần Văn Dũng: 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh: 6 năm tù; Phạm Minh Tuấn: 5 năm tù.

Như vậy, Tòa chỉ chấp nhận kháng cáo, giảm án cho bị cáo Dương Tự Trọng, mức phạt tù đối với các bị cáo khác là giữ nguyên.

>> [Trực tiếp] Xét xử phúc thẩm: Dương Tự Trọng thừa nhận chỉ đạo thuộc cấp giúp Dương Chí Dũng 

Theo Tuyết Nhung

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM