Dùng PG ngoại 'xinh tươi' để tiếp thị rượu: 'Lách' luật khéo!
Kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp tung đủ chiêu trò quảng cáo, từ bảng biển quảng cáo đến đội ngũ nhân viên tiếp thị (gọi tắt là PG), chương trình khuyến mại, giảm giá... để thu hút sự chú ý của người dân.
Hình thức càng “độc đáo” sẽ càng gây ấn tượng, tạo sự thành công trong quảng cáo.
Đang nhâm nhi cốc bia, chúng tôi “tròn xoe mắt” trước sự xuất hiện của bốn PG nữ người nước ngoài với các chai rượu “ngoại” trên tay. Vòng qua các bàn, những PG mời mọi người trong quán dùng thử sản phẩm rượu “ngoại”.
Theo lời giới thiệu, đó là sản phẩm rượu Vodka liên doanh với Nga, có tên gọi là Vodka “cá sấu”, nồng độ rượu là 30 độ. “Xin chào! Mời các anh dùng thử rượu và đánh giá thử chất lượng”, cô gái quản lý nhóm PG (người Việt Nam) nói với chúng tôi. Các nữ PG rót rượu mời cùng với những câu chào “bập bẹ” bằng tiếng Việt nhằm tạo ấn tượng.
Người quản lý cho biết, đây là chương trình “giờ vàng giảm giá” của sản phẩm rượu Vodka “cá sấu” được tổ chức thông qua một Công ty truyền thông. Theo đó, trong vòng 15 phút “chạy” chương trình, giá bán của sản phẩm chỉ có 55.000 đồng/chai, so với giá trước đây là 120.000 đồng/chai. Như vậy, khách hàng sẽ được giảm giá khoảng 55%. Chương trình đã thu hút được khá nhiều khách hàng trong quán, hàng chục chai rượu đã được bán. Quả là một phương thức tiếp thị bán hàng hiệu quả...!
Hiệu quả là vậy nhưng hoạt động này lại là hành vi vi phạm pháp luật. Trong Luật Thương mại năm 2005 và Điều 6, mục 1, chương 2 của Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, có quy định: “Mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”. Như vậy, sản phẩm rượu Vodka “cá sấu” này đã “ưu đãi” quá mức cần thiết, tạo ra sự cạnh tranh kém lành mạnh trong thương mại.
Theo luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, với kiểu bán hàng “tốc chiến tốc thắng” như thế này thì cơ quan chức năng khó có thể phát hiện được vi phạm, nhất là khi các sản phẩm được bán ngay trong quán bia. Bởi chẳng ai quan tâm đến việc lấy hoặc giữ lại hóa đơn, không có bằng chứng để đối chiếu nếu xử phạt.
Hơn nữa, chương trình diễn ra rất ngắn (chỉ trong vòng có 15 phút), cơ quan chức năng nếu biết tin và đến xử lý thì cũng chẳng xử phạt được ai vì người bán đã ra về chỉ còn lại khách hàng với chai rượu. Đây có thể coi là một kiểu “lách” quy định của Doanh nghiệp trong các hoạt động khuyến mại, giảm giá.
Mặt khác, việc quảng cáo sản phẩm rượu Vodka này cũng đã vi phạm Điều 7.3 Chương I của Luật Quảng cáo số 06/2012/QH13 về các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, cụ thể: “Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên”. “Hoạt động quảng cáo và tiếp thị rượu kiểu này hoàn toàn trái các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng nên xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đó để tăng tính thực thi của luật pháp”, luật sư Tú trao đổi thêm.
Kể từ ngày 1-1-2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất và kinh doanh rượu đã chính thức có hiệu lực. Nghị định này được Chính phủ đưa ra nhằm hạn chế những tác hại tiêu cực từ rượu trong đời sống xã hội như: Tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, gây tổn hại cho vùng não, viêm loét dạ dày, viêm gan, xơ gan, ung thư gan,...
Nhưng sau hơn 5 tháng triển khai, tình hình vẫn chưa có nhiều khả quan, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia vẫn chưa có xu hướng giảm. Có lẽ, một trong những nguyên nhân của việc gia tăng này là sự “thiếu hụt” một số chính sách cũng như việc thực hiện chính sách chưa thực sự quyết liệt.
Theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế, hậu quả từ rượu, bia mang lại bệnh tật cho 4,4% người dân tại nước ta, trong đó 30% sẽ bị gan nhiễm mỡ, có nguy cơ mắc viêm gan nặng và tử vong. Trong 10 năm trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp rượu, bia thì độ tuổi bắt đầu uống rượu, bia cũng đang ngày một trẻ hóa.
Nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thì tốc độ tiêu thụ rượu, bia sẽ ngày một gia tăng và độ tuổi bắt đầu uống rượu sẽ được trẻ hóa. Tương lai, sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Thực tế, những trường hợp quảng cáo kiểu này đối với các sản phẩm rượu có độ cồn trên 30 độ vẫn diễn ra khá phổ biến tại các nhà hàng, quán bia,... Nó diễn ra thường xuyên và công khai trên khắp các tuyến phố nhưng dường như không một cơ quan chức năng nào quan tâm và có biện pháp xử lý. Có lẽ, những quy định liên quan đến rượu, bia mới chỉ nằm trên “giấy” chứ chưa được các cơ quan chức năng áp dụng vào thực tế (?).
Theo M.Tuấn
Theo Pháp luật & xã hội
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!