Doanh nhân ở đâu trong dự thảo Hiến pháp?

19/03/2013 14:34 PM | Pháp luật

Tại “Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” sáng 19/3 tại Hà Nội, nhiều ý kiến băn khoăn về việc dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên bản gốc, không đề cập vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới.

Nhằm xây dựng báo cáo của cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có hiệu quả, chất lượng, sáng 19/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã tổ chức “Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”. 

Hội thảo đã bàn về nhiều vấn đề nhưng đặc biệt nóng lên bởi những đóng góp của các khách mời về việc bản Hiến pháp sửa đổi nên có những điều khoản  bổ sung, thay đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp hơn nữa.

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, trong bản hiến pháp năm 1992 cũng như bản dự thảo lần này, cụm từ doanh nhân không xuất hiện, nhưng trong điều kiện hiện nay cần phải được cân nhắc đề xuất. Ông Lộc nhấn mạnh “Tôi nghĩ, việc đề cập đến cụm từ doanh nhân và vai trò của doanh nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới là rất cần thiết".

Chủ tịch VCCI cũng đặt câu hỏi “Liệu trong hiến pháp này có hình thức nào khẳng định việc kinh doanh là sự nghiêp của nhân dân. Chừng nào ta phát động được tất cả nhân dân làm kinh doanh thì đất nước mới giàu mạnh được. Vậy, ta có nên đề cập đến vai trò của kinh tế tư nhân, cụ thể là nhân dân làm kinh doanh trong hiến pháp lần này không ?”

Đồng tình với Chủ tịch VCCI, ông Lê Duy Bình - Economica Vietnam cũng băn khoăn về việc trong Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, cụm từ doanh nhân không được đề cập. 

Ông Bình dẫn ra Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Theo ông cách viết này đã khiến cộng đồng doanh nhân cảm thấy mình vẫn còn bị phân biệt đối xử, và vai trò cũng như đóng góp của họ chưa được đánh giá tương xứng. 

Ông Bình dẫn ra các con số : Hiện nay, cả nước đã có trên 600.000 DN với hơn 2 triệu doanh nhân ngày đêm lao động căng thẳng vất vả để tạo ra việc làm cho nhiều lao động, tạo ra của cải bản thân, làm giàu cho xã hội, nếu không nhắc tới họ không công bằng. Ông Bình đề xuất Nhà nước nên cân nhắc cách thể hiện nội dung này nhằm loại bỏ sự thể hiện còn mang tính phân biệt đối xử.

Đồng tình với điều này, ông Vũ Quốc Tuấn - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng kiến nghị nội dung và câu từ của Điều 2 Dự thảo không nên dài dòng như thế, mà chỉ cần quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc  về nhân dân” là đủ. 

Vấn đề Quyền và Nghĩa vụ của doanh nhân trong Hiếp pháp cũng được ông Vũ Quốc Tuấn đề cập.
Theo ông Tuấn, Hiến pháp sửa đổi cần có những quy định thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân nhằm xây dựng tầng lớp doanh nhân có tâm có tầm, đủ năng lực điều hành doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, vươn ra hội nhập cùng thế giới.

Ông Tuấn cũng cho rằng, để khắc phục sự lạm quyền có thể xảy ra của các cơ quan nhà nước, bên cạnh các quy định về kiểm soát, hạn chế quyền lực đã ghi trong Hiến pháp, cần có thêm quy định Nhà nước khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động nhằm nâng cao trình độ, năng lực, trợ giúp doanh nhân trong quản lý, điều hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, doanh nhân cần được bảo vệ bằng các tổ chức xã hội dân sự.

Hồng Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM