Làm gì nếu không được thanh toán lương và sổ BHXH sau khi chấm dứt hợp đồng lao động?

06/04/2013 10:52 AM | Pháp luật

Câu hỏi:

Tôi nghỉ việc khi hết hạn hợp đồng lao động tại Ngân hàng S. Trong thời gian làm việc và trước khi nghỉ việc tôi đã bàn giao đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của cán bộ nhân sự. Khi tôi nghỉ việc thì Ngân hàng S không thanh toán lương tháng cuối, trợ cấp thôi việc và trả sổ BHXH cho tôi. 

Tôi liên lạc thì cán bộ nhân sự tại Hội sở trốn tránh, đùn đẩy, kéo dài thời gian giải quyết và yêu cầu kí cam kết với những điều kiện hết sức vô lí nhằm không thực hiện việc thanh toán lương tháng cuối, trợ cấp thôi việc và trả sổ BHXH. 

Cam kết này trong thời gian trước khi nghỉ việc Ngân hàng S không cung cấp cho tôi. Như vậy Ngân hàng S có vi phạm Luật lao động không? Tôi có thể khởi kiện Ngân hàng S nếu ngân hàng này vẫn không thực hiện thanh toán lương tháng cuối, trợ cấp thôi việc và trả sổ BHXH cho tôi hay không? Chân thành cảm ơn!

Tạ Nguyễn Anh Duy. Mail: duy.tna0310@yahoo.com.vn

Luật sư BASICO xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Lao động năm 1994: Khi chấm dứt Hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động (như lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc (nếu có),… ) và trả sổ BHXH cho người lao động trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày chấm dứt Hợp đồng lao động.

Trong trường hợp này, nếu bạn đã bàn giao đầy đủ các công việc với đại diện người sử dụng lao động, thực hiện các nghĩa vụ tài chính (nếu có),… người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện việc thanh toán lương tháng cuối, trợ cấp thôi việc và trả sổ BHXH cho bạn. Việc người sử dụng lao động yêu cầu bạn ký cam kết với những điều kiện nằm ngoài nội dung Hợp đồng lao động và các quy định của pháp luật liên quan là vi phạm quy định của pháp luật lao động. 

Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể thực hiện các thủ tục khởi kiện người sử dụng lao động tới Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi Người sử dụng lao động có Trụ sở chính (theo quy định tại Khoản 1 các Điều 31, Điều 33, Điều 35 Bộ luật tố dụng dân sự năm 2004) trong thời hạn 2 năm kể từ ngày người lao động biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004).

Tuy nhiên, trước khi thực hiện thủ tục khởi kiện đối với người sử dụng lao động, người lao động có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi lao động của người sử dụng lao động quy định tại Nghị định 04/2005/NĐ-CP ngày 11-01-2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về khiếu nại, tố cáo lao động.

Luật sư BASICO

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM