Phản ứng hoàn toàn khác biệt về dịch Covid-19 của Bill Gates và Elon Musk: Một có khả năng gây nguy hiểm, một có thể cứu được hàng triệu người
Hai bộ óc thông minh, nhưng một phản ứng có khả năng gây nguy hiểm còn một phản ứng lại có thể cứu được hàng triệu con người.
Dịch Covid-19 đang lan rộng trên khắp thế giới. Tính đến nay, nó đã lây nhiễm hơn 129.500 người tại ít nhất 97 quốc gia và khiến hơn 4.700 người tử vong. Tại thời điểm này, vẫn khó có thể dự đoán đầy đủ các tác động của chủng virus mới này. Liệu những nỗ lực ngăn chặn căn bệnh có thành công hay không?
Cả CEO của Tesla, Elon Musk và nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates gần đây đã đưa ra những suy nghĩ của họ về Covid-19, và chúng gần như trái ngược nhau.
Vào ngày thứ Sáu, Musk đã viết trên Twitter rằng: "Hoảng loạn vì virus Corona thật là ngu ngốc"
Trái với ý kiến của Elon Musk, Bill Gates đã đưa ra phản hồi của mình bằng một bài viết có chủ đề là "Làm sao để đối phó với COVID-19". Bill Gates cho biết: "Một vài tuần trước, COVID-19 phát triển như một mầm bệnh. Tôi hi vọng nó không quá tệ nhưng hãy chấp nhận thực tại trước khi chúng ta có thể biết thêm điều gì khác."
Bạn có thể thấy rõ 2 ý kiến trái chiều nhau nếu được đặt cạnh nhau.
Elon Musk: Hoảng loạn vì Corona thật là ngu ngốc
Bill Gates: Tôi hi vọng nó không quá tệ nhưng hãy chấp nhận thực tại trước khi chúng ta có thể biết thêm điều gì khác.
Musk và Gates là những người sở hữu bộ não thiên tài. Nhưng có vẻ phản ứng của một người có thể sẽ đem lại sự nguy hiểm thì ngược lại phản ứng kia mang lại cảm giác an toàn có thể cứu sống hàng triệu người. Đó chính là sự khác nhau của trí tuệ cảm xúc.
Phải làm gì với trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc là khả năng xác định, thấu hiểu và quản lý cảm xúc cả ở bản thân và người khác. Khả năng này rất quan trọng để phát triển trong cuộc sống hàng ngày, nó có thể cứu cánh khi đối mặt với tình huống gây hoảng loạn như trường hợp virus Corona vì nó cho phép bạn giữ cảm xúc trong tầm kiểm soát để bạn có thể đưa ra quyết định hợp lý.
Trong trường hợp này, câu trả lời của Musk và Gates rất quan trọng vì chúng được nói bởi hai người có sức ảnh hưởng lớn và mỗi phát ngôn của họ có thể ảnh hưởng đến cách hàng triệu người khác phản ứng với COVID-19.
Thực ra phản ứng của Elon Musk là không sai. Mặc dù Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nói rõ rằng: "Hoàn cảnh hiện tại cho thấy có khả năng virus này sẽ gây ra đại dịch", các chuyên gia cũng khuyên rằng một trong những điều tốt nhất mà công chúng có thể làm là cố gắng duy trì điềm tĩnh.
Vấn đề với dòng tweet của Elon Musk là xem nhẹ tính nghiêm trọng của tình huống. Điều đó cũng làm nản chí đối với một số chuyên gia y tế và nhà khoa học. Và trong khi Musk cố gắng giải thích lý do của mình thông qua một tweet tiếp theo, thì thực tế là rất ít người nhìn thấy lời giải thích đó - trái ngược với gần hai triệu phản ứng (1,6 triệu lượt thích và hơn 334.000 lượt tweet) của dòng tweet đơn giản kia.
Bill Gates mặt khác đã đưa ra một lời giải thích chi tiết và nhiều sắc thái hơn cho lập luận của mình. Ông đã nói về những nguy hiểm do Covid-19 gây ra, và tại sao ông tin rằng tình hình hiện tại là một "trường hợp cực kì quan trọng" về cách thế giới cần giải quyết đồng thời cải thiện cách thức đối phó với dịch bệnh nói chung. Kiểu phản ứng này không chỉ cho thấy khả năng cân bằng cảm xúc và suy nghĩ hợp lý, mà nó còn truyền cảm hứng cho những người khác làm điều tương tự. Nhưng Bill Gates không đơn giản chỉ nói suông mà còn thể hiện bằng chính hành động của mình.
Vậy Bill Gates chiến đấu với virus Corona như thế nào?
Tháng trước, Quỹ Bill & Melinda Gates đã đóng góp lên tới 100 triệu USD cho nỗ lực toàn cầu để ứng phó với Covid-19, và chỉ tuần trước, tổ chức này đã tuyên bố sẽ đóng góp thêm 5 triệu USD để hỗ trợ các cơ quan y tế công cộng ở khu vực Seattle để chiến đấu với virus Corona.
Một dự án khác được tài trợ bởi quỹ của Bill Gates đặc biệt đáng chú ý, đó là cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà cho những người tin rằng họ đang bị nhiễm virus.
Theo Thời báo Seattle, những người sợ rằng họ có thể bị nhiễm bệnh có thể sử dụng bông ngoáy mũi để lấy mẫu, sau đó họ có thể gửi để phân tích. Kết quả sẽ có trong một đến hai ngày và sẽ được gửi đến các quan chức y tế địa phương, chính họ sau đó sẽ thông báo kết quả cho những bệnh nhân đã thử nghiệm.
Ngoài ra, những người bị nhiễm sẽ có thể cung cấp thông tin qua các biểu mẫu trực tuyến về lịch trình của họ và sự tiếp xúc với người khác. Điều này sẽ giúp các quan chức y tế dễ dàng xác định vị trí của những người khác có thể cần được kiểm tra hoặc cách ly, cũng như theo dõi sự lây lan của virus và xác định các điểm nóng có thể xảy ra.
Theo Scott Dowell, lãnh đạo phản ứng virus Corona tại Quỹ Bill & Melinda Gates, mục tiêu cuối cùng là có thể xử lý hàng ngàn ca xét nghiệm mỗi ngày,
"Mặc dù có rất nhiều việc phải giải quyết, nhưng điều này có tiềm năng to lớn để xoay chuyển tình trạng dịch bệnh", ông Dowell cho biết thêm.
Hiện tại, các nhà tuyển dụng đang vật lộn để tìm ra chiến lược đối phó với các tác động tiềm tàng của virus Corona. Ví dụ, nếu một nhân viên bị ốm, liệu người quản lý có nên khuyến khích họ ở nhà, ngay cả sau khi họ cảm thấy tốt hơn, để tránh rủi ro cho người khác? Nếu làm việc ở nhà không phải là một lựa chọn thì sao?
Nhưng nếu một người có thể được chẩn đoán xác nhận trong vòng hai ngày, thậm chí không cần rời khỏi nhà, các ông chủ có thể tự tin hơn khi phát triển các biện pháp bảo vệ. Ngoài ra, cho phép bệnh nhân thử nghiệm tại nhà giúp giảm nhu cầu đến bệnh viện hoặc phòng khám, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác và có khả năng giúp ngăn chặn dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bài học cho các nhà quản trị doanh nghiệp
Lần tới khi bạn phải đối mặt với một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm tới, hãy hạn chế việc hạ thấp cảm xúc của họ. Thay vào đó, hãy sử dụng trí tuệ xúc cảm để làm việc trên sự hiểu biết và liên quan đến những cảm xúc của người khác
Nếu làm được như vậy, bạn sẽ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và thậm chí có thể góp phần tìm ra giải pháp.