Phản ứng của các bên sau khi Chính phủ Syria sụp đổ nhanh chóng
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau chiến dịch tấn công chớp nhoáng của liên minh nổi dậy khiến cả thế giới bất ngờ. Một số quốc gia đã đưa ra phản ứng đầu tiên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
"Tổng thống (Joe) Biden và nhóm của ông đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện bất thường ở Syria và liên tục liên lạc với các đối tác trong khu vực", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump viết trong bài đăng trên mạng xã hội X:
"Assad đã ra đi. Ông ta đã chạy trốn khỏi đất nước của mình. Các bên bảo vệ ông ta… không còn hứng thú bảo vệ ông ta nữa". Ông cho rằng Nga đang bận rộn với Ukraine và còn Iran phải đối phó với Israel.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Trung Đông Daniel Shapiro cho biết trong tuyên bố đưa ra hôm nay, rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện ở miền Đông Syria và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của Nhà nước Hồi giáo.
Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) - cánh chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn, vừa ra tuyên bố về sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad , gọi đây là "khoảnh khắc lịch sử đánh dấu sự kết thúc của chế độ chuyên chế".
"Thành tựu to lớn này là kết quả của quyết tâm tiến về phía trước hướng tới tự do, phẩm giá và bình đẳng, bất chấp nhiều năm đàn áp và tàn bạo", SDC cho biết. Họ nói thêm, "Máu của những người tử vì đạo, nỗi đau khổ của những người bị giam giữ và cuộc đấu tranh của những người di tản đã mở ra con đường thẳng tới tự do".
SDC cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới "một nhà nước dân chủ, đa nguyên đảm bảo bình đẳng và công lý", nhấn mạnh nhu cầu đối thoại để xây dựng "một Syria mới bao gồm tất cả công dân, bất kể dân tộc hay tôn giáo".
Ngoại trưởng Ý
Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani viết trong bài đăng trên mạng xã hội X: "Tôi đang theo dõi với sự lo ngại về diễn biến tình hình ở Syria. Tôi liên tục liên lạc với đại sứ quán của chúng tôi tại Damascus và với văn phòng thủ tướng. Tôi đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp lúc 10h30 tại Bộ Ngoại giao".
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc
Ngày 8/12, ông Geir Otto Pedersen - Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, đưa ra một tuyên bố gọi đây là một thời khắc quan trọng.
"Hôm nay đánh dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử Syria - quốc gia đã phải chịu đựng gần 14 năm đau khổ không ngừng và mất mát không thể kể xiết. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria một lần nữa bày tỏ sự đoàn kết với tất cả những người đã chịu gánh nặng của sự chết chóc, hủy diệt, giam giữ và những vi phạm nhân quyền. Chương đen tối này đã để lại những vết sẹo sâu sắc, nhưng hôm nay chúng ta mong đợi với hy vọng thận trọng về một chương mới mở ra, một chương của hòa bình, hòa giải, phẩm giá và hòa nhập cho tất cả người dân Syria”.
Đại sứ quán Nga tại Syria cho biết nhân viên của họ "vẫn ổn" sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ và phiến quân chiếm giữ thủ đô Damascus, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin
"Chúng tôi ổn", một nhân viên đại sứ quán Nga nói với hãng thông tấn TASS , nhưng không cho biết các nhà ngoại giao đang ở đâu. Đại sứ quán Nga đã đăng tuyên bố kêu gọi công dân của họ rời khỏi Syria.
Quân đội Israel hôm nay ra tuyên bố cho biết: "Theo đánh giá tình hình, các vùng nông nghiệp Merom Golan-Ein Zivan và Buq'ata-Khirbet Ein Hura trở thành khu vực quân sự đóng cửa kể từ hôm nay. Nông dân sẽ được phép vào địa điểm cụ thể trong vài giờ, dựa trên nhu cầu quân sự và phối hợp đầy đủ với IDF (Lực lượng phòng vệ Israel). IDF nhấn mạnh rằng việc ra vào những khu vực này mà không có sự phối hợp là hoàn toàn bị cấm".
Cao nguyên Golan nằm giáp với Syria.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chính phủ Trung Quốc đã và đang hỗ trợ công dân của rời khỏi Syria. Phát ngôn viên nói thêm rằng Syria nên đảm bảo an toàn cho các tổ chức và nhân viên Trung Quốc và cho biết đại sứ quán Trung Quốc tại Syria vẫn tiếp tục hoạt động.