Phái nữ tỏa sáng tại SharkTank mùa 5
Chương trình SharkTank mùa 5 đã chính thức khép lại, một cách vô tình, những thương vụ khiến khán giả ấn tượng tích cực nhất đều đến từ các nữ Founder.
Đó là câu chuyện người phụ nữ Mường dành cả thanh xuân sản xuất thịt chua; câu chuyện bỏ phố về quê với một trái tim đầy yêu thương của cô gái người Quảng Nam hay câu chuyện say mê nến thơm của 2 chị em gái còn đang đi học. Điểm chung giữa họ đó là bản lĩnh, sự tự tin và tình yêu lớn dành cho công việc đang làm.
Câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ dân tộc Mường, dành cả thanh xuân cho thịt chua
Nữ doanh nhân người Mường - Nguyễn Thị Thu Hoa - Giám đốc, người sáng lập của thương hiệu thịt chua Trường Foods đến Shark Tank kêu gọi 15 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Khởi nghiệp năm 18 tuổi, khi ấy Thu Hoa không có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng với sự bền bỉ, kiên trì và mong muốn lan tỏa đặc sản địa phương tới mọi miền Tổ Quốc, chị đã tìm tòi học hỏi và tạo ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng.
Thu Hoa chia sẻ, lúc được mẹ chồng bàn giao làm theo kiểu truyền thống, thịt ngon nhất chỉ để được 10-15 ngày. Còn hiện tại thịt chua Trường Foods bảo quản được 2 tháng mà không hề sử dụng phụ gia hay chất bảo quản. Để ra được công thức này, startup cho biết đã đổ không ít thịt xuống biển, cũng như "cả tuổi thanh xuân của em dành rất nhiều tâm huyết với sản phẩm thịt chua này" - Thu Hoa bộc bạch.
Ngoài việc phát triển chất lượng sản phẩm, Thu Hoa cũng thể hiện sự thông minh và bản lĩnh của mình trong việc phát triển bán hàng. Theo chị chia sẻ, hiện tại doanh nghiệp của chị đã có gần 5.000 điểm bán, chiếm 40% thị phần thịt chua tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty từ năm 2015 - 2022 trung bình là 30%/năm. Năm 2021 doanh thu của công ty đã đạt 52 tỷ/năm, đến năm 2025 doanh thu sẽ đạt 420 tỷ và tham vọng trở thành thịt chua số 1 tại Việt Nam.
Ấn tượng với bản lĩnh và sự thông minh của nữ startup, Shark Bình đã lần đầu trong chương trình rút Golden Ticket để giành lợi thế đàm phán với startup mặc dù ngành thực phẩm chưa bao giờ là thế mạnh hay mối quan tâm của vị cá mập này.
Cuộc đàm phán về tỷ lệ sở hữu cổ phần sau đó diễn ra gay cấn, xứng đáng là cuộc "giằng xé" quyết liệt trong bể cá mập.
Cuối cùng, bằng sự tự tin và mạnh mẽ, người phụ nữ Mường đã khiến "cá mập" phải nhượng bộ, đồng ý với con số 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần cùng sự đồng hành của Shark Hùng Anh và Shark Bình.
Câu chuyện khởi nghiệp xúc động của "cựu nhà báo" bỏ phố về quê làm gạo lứt rẫy
Chị Võ Thị Minh Nga, người sáng lập thương hiệu gạo lứt rẫy Bh nông, không chỉ khiến các Shark trầm trồ vì sản phẩm ngon mà còn đem lại nhiểu cảm xúc với câu chuyện bỏ phố về quê khởi nghiệp của mình.
"Em là người trẻ đã từng bỏ quê ra đi, vì quê quá là nghèo và hầu như không có cơ hội nào cho người trẻ. Em đã ra thành phố học tập và làm trong ngành báo chí 10 năm. Sau 10 năm thì em cảm thấy là tại sao mọi người lại bỏ hết quê hương đi, thì em quyết định bỏ hết mọi cơ hội ở thành phố để về lại quê hương của mình, dù lúc đó chỉ có 2 bàn tay trắng và tài sản chỉ có 1 chảo rang".
Sản phẩm Minh Nga mang tới Shark Tank là các sản phẩm làm từ gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số được gieo trồng trên nương rẫy theo cách truyền thống và không dùng các chất hoá học. Trước khi đưa vào canh tác, hạt giống cũng được ủ nảy mầm để tăng thêm giá trị dinh dưỡng. Hiện tại, Bh nông đang có 3 dòng sản phẩm là trà gạo lứt, bột gạo lứt và bánh gạo lứt.
Theo Minh Nga, doanh thu của Bh nông trong năm 2021 là 10 tỷ đồng với biên lợi nhuận 30% (chưa tính đến các chi phí truyền thông, marketing). Dự kiến trong năm 2022 và 2023 doanh thu có thể đạt mốc 15 tỷ đồng và 30 tỷ đồng lần lượt.
Về cơ sở vật chất, Bh nông có một nhà máy sản xuất rộng 600 m2 với 1 tỷ máy móc. Kênh phân phối hiện tại của Bh nông là B2B thông qua hệ thống hơn 200 nhà phân phối trên cả nước.
Với tham vọng muốn tăng doanh thu lên gấp đôi và xuất khẩu sản phẩm khi có được sự đồng hành từ các Shark, Minh Nga đến chương trình kêu gọi đầu tư 3 tỷ đổi lấy 10% cổ phần Bh nông.
Cuối cùng, Minh Nga chọn "bắt tay" với Shark Hùng Anh, vị cá mập đồng hương với con số 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Hai nữ sinh GenZ khởi nghiệp với nến thơm Jaros Candle
Phát sóng trong tập cuối của chương trình Shark Tank mùa 5, câu chuyện khởi nghiệp của hai chị em nữ sinh Nguyễn Hoàn Triệu Vy (21 tuổi) và Nguyễn Hoàn Lê Vy (17 tuổi) với sản phẩm nến thơm không khỏi khiến nhiều người cảm phục.
Ở lứa tuổi đa số các bạn cùng trang lứa đang lo học hành, Triệu Vy và Lê Vy đã điều hành một hoạt động kinh doanh có doanh số lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.
Các bạn tự làm từ khâu tìm nguyên liệu đến sản xuất, bao bì đến thiết kế, marketing cho Jaros Candle. Theo phần trình bày của Lê Vy từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Jaros Candle ghi nhận doanh thu 250 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2022, con số này là 600 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, doanh số bán lẻ và gia công theo yêu cầu vào khoảng 500 sản phẩm.
Hiện Jaros Candle đã có nhiều khách hàng lớn tiềm năng muốn đặt đơn hàng lớn để xuất khẩu nước ngoài. Lê Vy chia sẻ, dù nến thơm không còn mới ở quốc tế nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Đặc biệt, sau đại dịch Covid, người Việt Nam có nhu cầu lớn hơn về các sản phẩm giúp thư giãn cơ thể, tâm trí, trong đó có nến thơm.
Mục đích của 2 chị em khi đến chương trình là mong muốn mở rộng, nâng cấp sản phẩm sản xuất nến với mức kêu gọi đầu tư 200 triệu cho 20% cổ phần.
Trình bày lưu loát, rành mạch, đầy tự tin bằng cả tiếng Anh và có số liệu thực tế đủ thuyết phục về hoạt động kinh doanh, 2 chị em Vy nhận được nhiều lời khen của các shark.
Shark Hùng Anh nói "Tụi em lên đây động viên tinh thần cho rất nhiều bạn trẻ ở nhiều nơi trên cả nước chúng ta để tấm gương khởi nghiệp".
Sau đó, Shark Liên và Shark Hùng Anh đã thể hiện sự yêu mến với 2 Startup trẻ tuổi bằng 2 tấm Golden Ticket trị giá 200 triệu đồng (tổng).
Shark Liên muốn Shark Erik và Shark Hùng Anh đồng hành với bà giúp Jaros Candle thực hiện giấc mơ đem nến thơm của chính tay các em làm ra để xuất khẩu.
"Thực ra các con mới bắt đầu và còn nhỏ, áp lực cho các con quá nhiều về tài chính cũng rất mệt. Thế cho nên để cho công bằng và có trách nhiệm, tôi đề xuất 200 triệu đồng cho 30%. Trong đó có tôi, Shark Hùng Anh và Shark Erik cùng tham gia".
Đề nghị này của Shark Liên nhanh chóng được hai nhà sáng lập Jaros Candle đồng ý, qua đó khép lại thành công thương vụ đầu tiên của tập cuối.