Phải biến nguồn vốn trong dân thành “nồi cơm Thạch Sanh” cho ngân sách
Các ĐBQH cho rằng cần biến nguồn lực trong nhân dân thành "gà đẻ trứng vàng" trên sàn chứng khoán, "nồi cơm Thạch Sanh" cho ngân sách...
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được thông qua với đa số các đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành.
Trong quá trình thảo luận về Luật này đã có nhiều đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó hầu hết đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra cho rằng việc sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành là cần thiết, góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng, phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhất là cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế; khắc phục những tồn tại, khó khăn của Luật Chứng khoán hiện hành, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Cần huy động nguồn lực trong nhân dân để biến thành "gà đẻ trứng vàng" trên sàn chứng khoán. (Ảnh minh hoạ: KT)
“Nồi cơm Thạch Sanh” cho ngân sách
Theo đánh giá của đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, do đó cần bảo vệ và tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, tiến tới hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ông Nhường nhấn mạnh tới sự cần thiết phải bảo vệ nhà đầu tư để tạo niềm tin nhằm huy động tiền nhàn rỗi của người dân tham gia vào thị trường chứng khoán. “Hiện nay đất nước đang cần một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước như đường cao tốc Bắc - Nam, các sân bay, đường sắt cao tốc, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các chương trình chống biến đổi khí hậu...”, đại biểu Nhường nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường
Đề xuất giải pháp huy động nguồn lực, tài sản của nhân dân thông qua thị trường chứng khoán, nhất là nguồn lực như đất đai, nhà xưởng và tài sản của người dân, nhất là tại nơi triển khai dự án, ông Lê Công Nhường cho rằng, cần có cơ chế để chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào công ty đầu tư nhà nước Việt Nam trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được đảm bảo an toàn và sinh lời.
“Mô hình này giống như công ty đầu tư nhà nước của Singapore Temasek Holdings. Công ty này có tổng lợi tức cổ đông kể từ lúc thành lập từ năm 1074 đến nay là 15% hàng năm. Đây thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhà nước Singapore”, ông Nhường dẫn chứng.
Theo đại biểu Lê Công Nhường, nhiệm vụ công ty đầu tư nhà nước này là sử dụng vốn, đồng tiền của nhà nước và người dân một cách thông thái và phải biến nguồn vốn này thành “nồi cơm Thạch Sanh” cho ngân sách nhà nước, cũng như lợi tức cho người dân.
Song, ông Nhường cũng lưu ý, để huy động được nguồn lực của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đòi hỏi Chính phủ phải minh bạch, liêm chính và hành động vì phát triển đất nước. Để được người dân “chọn mặt gửi vàng” trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi công ty đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo tài sản của người dân tham gia vào công ty quy đổi ra trái phiếu, cổ phiếu được an toàn và sinh lời.
Cổ phiếu “rác”, cổ phiếu “trà đá” và chuyện thao túng thị trường
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) - Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội, thẳng thắn chỉ rõ 2 hiện tượng phổ biến trên thị trường chứng khoán hiện nay là chuyện cổ phiếu “trà đá” và chuyện thao túng thị trường.
Hiện tượng thứ nhất mà ông Thường chỉ ra là, hiện nay rất nhiều mã chứng khoán mất thanh khoản, giá cả nhiều năm không vượt nổi mệnh giá, gọi là cổ phiếu peny, cổ phiếu “rác” hay là cổ phiếu “trà đá” vì giá tương đương với cốc trà đá vài nghìn đồng, trên sàn TP HCM có cả trăm cổ phiếu đang niêm yết có giá dưới mệnh giá nguyên do là kết quả kinh doanh bết bát cộng thêm việc liên tục phát hành cổ phiếu khiến nhà đầu tư mất niềm tin, nhưng đây lại là những mã chứng khoán yêu thích của các đội lái, khi giá có thể tăng trần hoặc sàn liên tục mà không rõ lý do.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường
Trên sàn Hà Nội và sàn UpCOM số lượng cổ phiếu loại này còn lớn gấp nhiều lần với trên dưới 500 cổ phiếu, cổ phiếu loại này nhà đầu tư mua bao nhiêu cũng không có quyền lợi gì, cổ tức hàng năm chia cũng toàn là giấy, chỉ chủ doanh nghiệp quan tâm đến lướt sóng, tạo sóng với những dự án “bánh vẽ”, ông Thường cho hay.
Ngoài ra, còn có hàng trăm cổ phiếu không có giao dịch, đây chính là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có thanh khoản thấp so với số lượng cổ phiếu niêm yết. Do đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị cần cải tổ thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự, siết lại các quy định, tiêu chuẩn niêm yết, quyết liệt loại bỏ các cổ phiếu không đủ tiêu chí khỏi sân chơi, không để ảnh hưởng đến thị trường, giảm rủi ro, mang lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Vấn đề thứ hai mà ông Thường đề cập là chuyện thao túng giá chứng khoán. “Sàn upcom là sàn không có tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ, cổ phiếu đủ điều kiện đại chúng thì đăng ký lên sàn giao dịch. Khác với sàn upcom, sàn niêm yết là sàn có tiêu chuẩn để doanh nghiệp niêm yết lên sàn, hồ sơ doanh nghiệp phải qua tư vấn công ty chứng khoán, kiểm toán của công ty kiểm toán, phê duyệt niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán; nhiều khâu giám sát, thẩm định như vậy nhưng sàn niêm yết có rất nhiều cổ phiếu rác. Luật Chứng khoán sửa đổi lần này phải chặn được hiện tượng trên”, ông Thường nêu ý kiến.
Trong số hàng trăm doanh nghiệp đó, có doanh nghiệp vì kinh doanh khó khăn, lụi tàn khi lên sàn, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, song ông lưu ý đến những doanh nghiệp lên sàn để trục lợi. “Kịch bản là doanh nghiệp tăng vốn khủng trước khi lên sàn sau đó tán cổ phiếu cho đủ 100 cổ đông, đủ điều kiện đại chúng, thực hiện một số kỹ thuật làm đẹp báo cáo tài chính rồi thuê tư vấn làm thủ tục lên sàn, lúc chào sàn cổ phiếu giao dịch sôi động với mức giá cao, nhưng một thời gian sau đội lái biến mất thì thanh khoản rơi dần, đà rơi của giá cổ phiếu và thanh khoản là mất mát tiền bạc của hàng ngàn nhà đầu tư”, ông Thường chỉ rõ.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị bổ sung trách nhiệm của tư vấn kiểm toán xét duyệt hồ sơ lên sàn. Thông lệ quốc tế, tổ chức tư vấn phát hành và bảo lãnh phát hành có trách nhiệm lớn trong chào bán, phát hành chứng khoán, đặc biệt là nội dung, tính chính xác, trung thực của bản cáo bạch và phải thực hiện soát xét đặc biệt bản cáo bạch này.