Tại sao Việt Nam sẽ không trở thành Trung Quốc 2.0?
"Công xưởng Trung Quốc" phát triển rất nhanh, thu được rất nhiều tiền từ thế giới, nhưng cái giá phải trả cũng khủng khiếp không kém.
FDI vào Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019 đã tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 2015 đến nay. Một nguyên nhân là nhờ chiến tranh thương mại đã khiến các công ty e dè việc đầu tư vào Trung Quốc, trong khi Việt Nam cung cấp môi trường ổn định hơn, giá rẻ hơn và quan trọng là không bị Mỹ áp thuế. Nhiều tờ báo đã mô tả rằng, Việt Nam sẽ trở thành một "Trung Quốc mới" của thế giới.
Không thể phủ nhận rằng Việt Nam có thể sẽ tiếp tục phát triển mạnh vì thu hút được một phần lớn chuỗi sản xuất giá trị cao của Foxconn, Lenovo, Samsung hay LG, nhưng dù sao quy mô sản xuất của Việt Nam vẫn còn nhỏ so với Trung Quốc. Nhu cầu về công nhân lành nghề cũng sẽ vượt xa nguồn cung lao động nếu các công ty chuyển đến Việt Nam quá nhanh.
Dù sao, những vấn đề này cũng sẽ không ngăn được sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam. Là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cơ sở hạ tầng sẽ sớm được cải thiện và chất lượng lực lượng lao động cũng đang dần tăng lên. Giá bất động sản cao có thể khiến một số nhà đầu tư quay lưng, những ngành ít có khả năng bị ảnh hưởng nhất sẽ là những ngành có giá trị cao hơn mà Việt Nam rất muốn thu hút, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Song, quy mô kinh tế của Việt Nam, đơn giản là sẽ không bao giờ có thể lấp đầy dấu chân khổng lồ của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có 95 triệu dân, trong khi riêng Quảng Đông - nơi sinh của các đặc khu kinh tế Trung Quốc đã là 110 triệu dân. Foxconn có cơ sở sản xuất lớn tại Quảng Đông, trong khi hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Huawei và ZTE cũng có trụ sở tại đây. Tỉnh này, với khả năng tiếp cận dễ dàng đến Hồng Kông và các cảng ven biển, là nền tảng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.
Mặt khác, đi theo con đường của Trung Quốc không phải là sự lựa chọn sáng suốt nhất cho Việt Nam.
Bên cạnh những hạn chế, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế thương mại so với Trung Quốc. Hiện tại, các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và 10 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Canada và Úc đã khiến Việt Nam phát triển thuận lợi hơn rất nhiều.
Liên minh châu Âu cũng đang trong giai đoạn cuối cùng để phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Và, mặc dù Việt Nam đã thặng dư 39,5 tỷ USD thương mại trong năm 2018 với Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến nay vẫn chưa gây chiến thương mại với Việt Nam - như đã làm với Trung Quốc.
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc
Trung Quốc từ 30 năm qua trở thành công xưởng của thế giới. Hàng hóa Trung Quốc hiện diện khắp nơi với giá cực rẻ. Trung Quốc phát triển rất nhanh, thu được rất nhiều tiền từ thế giới. Nhưng cái giá phải trả của Trung Quốc đối với sự phát triển cũng khủng khiếp không kém: cả môi trường không khí, đất và nước đều ô nhiễm quá nặng. Các con sông Trường Giang, Hoàng Hà, Mê Kong đã bị khai thác triệt để, nhiều đoạn là sông chết. Rất nhiều người giàu Trung Quốc đã phải bỏ xứ ra đi
Nếu Việt Nam tiếp tục quỹ đạo đi lên để trở thành một nền kinh tế phát triển, điểm khởi đầu có thể là hấp thụ dòng đầu tư từ Trung Quốc. Việt Nam đã làm tròn vai là một điểm đến thay thế xứng đáng cho một số công ty lớn nhất thế giới trong năm vừa qua. Nhưng Việt Nam không nên chỉ là một (trong số nhiều) công xưởng của thế giới. Như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã minh chứng trong nửa sau của thế kỷ 20, có nhiều cách khác để phát triển nếu Việt Nam nắm bắt được thời cơ, mà trong giai đoạn này chính là đột phá công nghệ.