Phải 170 năm nữa nữ giới mới được nhận mức lương ngang với nam giới

17/01/2017 09:34 AM | Xã hội

Đây là một trong những nhận định của Oxfam trong hội nghị thường niên của lãnh đạo các chính phủ và DN tại Davos, Thụy Sỹ.

Báo cáo của Oxfam nhấn mạnh, khoảng cách giữa giàu và nghèo trên thế giới đang ở mức ngày càng lớn, thậm chí lớn hơn nhiều so với mọi người tưởng tượng.

Trong đó, 1% những người giàu có nhất sở hữu nhiều tài sản hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Cụ thể 8 người đàn ông trên thế giới đang kiểm soát hầu như toàn bộ tài sản của cả thế giới (tổng tài sản trị giá 426 tỷ USD), bằng với tài sản của 3,6 tỷ người nghèo nhất trên thế giới gộp lại là Bill Gates, Warren Buffett, Carlos Slim, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Amancio Ortega, Larry Ellison và Michael Bloomberg.

Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam International, cho rằng, việc chỉ một số người sở hữu khối tài sản quá lớn là điều không thể chấp nhận được, trong khi cứ 10 người thì có 1 người đang sống với dưới 2USD/ngày.

Bất bình đẳng đang khiến hàng tỉ người bị mắc kẹt trong nghèo đói, gây chia rẽ xã hội và đe dọa nền dân chủ. Trên khắp thế giới, nhiều người đang bị bỏ lại phía sau.

Mức lương của người lao động giậm chân tại chỗ, trong khi các ông chủ DN bỏ túi hàng tỷ USD tiền lãi; dịch vụ y tế cho người dân bị cắt giảm, trong khi DN và giới siêu giàu trốn thuế; tiếng nói của cộng đồng bị bỏ qua, trong khi chính phủ vào hùa với các DN lớn và giới quyền lực giàu có.

Báo cáo của Oxfam cũng chỉ ra các nền kinh tế méo mó đang bơm thêm tài sản cho giới quyền lực và giàu có, đồng thời bỏ qua lợi ích của những người nghèo nhất trong xã hội, mà chủ yếu là phụ nữ.

Những người giàu nhất đang tích lũy tài sản với tốc độ đáng kinh ngạc, đến mức có thể sẽ xuất hiện nhà nghìn tỉ phú trong 25 năm tới.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cứ 10 người thì có tới 7 người đang sống tại quốc gia có sự gia tăng bất bình đẳng trong 30 năm qua. Từ năm 1988 đến 2011, thu nhập của 10% người nghèo nhất tăng 65 USD một năm, trong khi thu nhập của 1% người giàu nhất tăng trung bình 11.800 USD/năm, gấp 182 lần.

Trong khi đó, bất bình đẳng giới cũng là một vấn đề đáng nói.

Là những người thường xuyên làm việc ở những lĩnh vực có mức lương thấp, phụ nữ thường đối mặt với mức độ phân biệt đối xử cao tại nơi làm việc, và là những người đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc không công, phụ nữ thường không có vị trí trong xã hội.

Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, phải 170 năm nữa nữ giới mới được nhận mức lương ngang với nam giới.

Oxfam đã phỏng vấn những phụ nữ làm việc tại một nhà máy dệt may tại Việt Nam. Họ đang làm việc 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần nhưng vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống với thu nhập 1 USD/h để sản xuất quần áo cho nhiều hãng thời trang lớn nhất thế giới. Trong khi đó, giám đốc điều hành của các công ty này lại nằm trong số những người nhận lương cao nhất trên thế giới.

Doanh nghiệp trốn thuế thu nhập gây thiệt hại mỗi năm ít nhất 100 tỉ USD cho các nước nghèo. Số tiền này đủ để giúp 124 triệu trẻ em thất học đến trường và chi trả cho các can thiệp y tế giúp cứu sống ít nhất 6 triệu trẻ em mỗi năm.

Báo cáo mô tả cách giới siêu giàu lợi dụng mạng lưới thiên đường thuế để trốn tránh nghĩa vụ thuế và sử dụng một đội ngũ các nhà quản lý tài sản để bảo đảm lợi nhuận từ các khoản đầu tư mà người tiết kiệm bình thường không bao giờ có được.

Không như nhiều người nghĩ, những người siêu giàu không tự nỗ lực để trở nên giàu có. Các phân tích của Oxfam chỉ ra rằng một nửa số tỷ phú trên thế giới được thừa kế tài sản hoặc tích lũy tài sản thông qua các cơ chế có yếu tố tham nhũng và chủ nghĩa thân quen.

“Nếu các chính trị gia không bị ám ảnh với các chỉ tiêu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chú trọng vào lợi ích của người dân, thay vì chỉ của một số người giàu có, thì tất cả mọi người có thể có một tương lai tốt đẹp hơn”, Oxfam cho hay.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM