Phá sản ngân hàng: Cần có cái nhìn tích cực hơn

26/11/2017 19:50 PM | Kinh doanh

Việc gửi tiết kiệm suy cho cùng cũng là một hình thức đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận. Mà bản chất của đầu tư phải luôn gắn liền với rủi ro. Vì vậy, việc cho phép phá sản ngân hàng là hài hoà giữa lợi nhuận và rủi ro để người dân cân nhắc hơn khi tham gia một hình thức đầu tư là gửi tiết kiệm.

Với tỷ lệ tán thành 88,8%, Quốc hội ngày 20/11/2017 đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các Tổ chức Tín dụng. Trong luật có một quy định rất mới đó là cho phép tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được phá sản.

Với những lo ngại về tình hình phá sản các ngân hàng, chắc hẳn còn ít nhiều hoài nghi về tính thực thi của Luật các TCTD năm 2017 bởi lẽ vẫn còn đó bài học từ việc tạm hoãn thời gian hiệu lực của Bộ luật hình sự năm 2015 vào thời điểm 01/07/2016 vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tạm gác lại những băn khoăn của dư luận, những ý kiến trái chiều về Luật các TCTD năm 2017, chúng ta sẽ thấy một bức tranh tươi tắn hơn trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là tiền gửi, ngay cả khi chế định về phá sản ngân hàng vẫn chưa có hiệu lực thi hành.

Phá sản ngân hàng - khẳng định lại một điều đã cũ

Thực ra, trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ trước đến nay chưa từng có khái niệm bảo hộ cho các ngân hàng hay bảo hộ tuyệt đối cho người tiền. Việc phá sản các tổ chức tín dụng cũng đã được đề cập mộ cách gián tiếp trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật các TCTD năm 1997, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các TCTD vào năm 2010, Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”,... Và ngay trong cả Luật phá sản năm 2014 cũng đã có chế định về phá sản các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng suy cho cùng cũng là một doanh nghiệp, chỉ khác ở chỗ ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt kinh doanh bằng niềm tin và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Vì vậy, không biết vô tình hay cố ý không dám nhìn vào sự thật mà người dân khi gửi tiền cứ mặc định như một quy định bất thành văn là không có khái niệm phá sản ngân hàng ở Việt Nam.

Và việc gửi tiết kiệm suy cho cùng cũng là một hình thức đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận. Mà bản chất của đầu tư phải luôn gắn liền với rủi ro. Vì vậy, việc cho phép phá sản ngân hàng là hài hoà giữa lợi nhuận và rủi ro để người dân cân nhắc hơn khi tham gia một hình thức đầu tư là gửi tiết kiệm.

Thận trọng nhưng cần bình tĩnh hơn

Khi mà khái niệm phá sản ngân hàng được luật hoá, ngành ngân hàng có thể kỳ vọng vào một thị trường cạnh tranh hoàn hảo hơn. Vì nếu đặt lên bàn cân giữa sự an toàn và lãi suất cao hơn một chút nhưng rủi ro thì đương nhiên với tâm lý của người dân sẽ chọn giải pháp đầu tư an toàn.

Chưa biết tác động của Luật các TCTD năm 2017 đối với nền kinh tế tích cực ra sao, nhưng trước mắt chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ không còn viễn cảnh các ngân hàng chạy đua lãi suất như thời điểm năm 2008 - khi mà các doanh nghiệp không cần sản xuất kinh doanh vì lấy tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng sẽ hiệu quả hơn. Thông điệp phá sản ngân hàng khi được nâng lên thành một chế định pháp luật, rõ ràng không ngân hàng nào dại dột nâng lãi suất huy động lên quá cao, bất thường so với hệ thống. Vì khi đó, khách hàng sẽ bắt mạch được “sức khoẻ” của ngân hàng đang kém hoặc có vấn đề về thanh khoản.

Dẫu vậy quy định là thế nhưng việc phá sản ngân hàng chỉ là chủ trương về pháp lý. Còn thực tế, để có thể tiến hành thủ tục phá sản ngân hàng là một hành trình rất dài mà chắc chắn Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng để xử lý cho phù hợp nhất. Vì vậy, người dân đừng quá vội vàng, hoang mang mà gây thiệt hại cho mình. Và bài học về việc người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng Á Châu vào năm 2003 và 2012 vẫn còn nguyên ý nghĩa. Sự nóng vội, thiếu bình tĩnh phút chốc đã khiến người gửi tiền mất đi gần như là toàn bộ số tiền lãi đã tích luỹ trong sổ tiết kiệm (do rút vốn trước hạn khách hàng chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn rất thấp).

Tiền gửi có chảy hết về ngân hàng lớn?

Khi Luật các TCTD năm 2017 được thông qua, người ta tự hỏi rằng liệu tiền gửi có sự phân hóa nào đó hay không, có chảy hết về các ngân hàng lớn hay không? Câu trả lời là không! Vì mỗi ngân hàng có một phân khúc khách hàng khách nhau, cung cách phục vụ cũng khác nhau.

Khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân không hoàn toàn chỉ vì lãi suất cao hơn ngân hàng có vốn Nhà nước, mà họ còn mong muốn được phục vụ nhanh chóng, ân cần và chu đáo hơn. Đây là điều mà các ngân hàng có vốn góp chi phối của Nhà nước có thể chưa thể làm tốt được như các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay.

Hãy nhớ rằng, sự ra đời của các ngân hàng TMCP tư nhân vào cuối thập niên 1990 cũng khởi nguồn từ nhu cầu của thị trường, cần sự đa dạng hoá sản phẩm và nhà cung cấp dịch vụ, cần được phục vụ chuyên nghiệp hơn. Nhờ làm tốt vai trò của mình nên các ngân hàng TMCP tư nhân vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong suốt hành trình gần 30 năm qua, ngày càng trở nên thịnh vượng hơn. Thậm chí vị trí của các ngân hàng tư nhân hiện nay còn đang đe dọa cả các ngân hàng thương mại nhà nước.

Phá sản ngân hàng cần có cái nhìn tích cực

Bất kỳ một đạo luật nào cũng không thể hoàn thiện, không thể điều chỉnh hoàn hảo tất cả các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của nó. Phá sản ngân hàng về cơ bản là một chế định phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển của xã hội. Mặc dù dư vẫn còn những hoài nghi về việc thực thi phá sản ngân hàng. Tuy nhiên, 88,8% đại biểu Quốc hội đã thông qua, tương ứng với 88,8% cử tri và người dân cả nước đồng thuận thì dù muốn, dù không chúng ta cũng không cần phải quá nhạy cảm hay hoang mang với cụm từ “phá sản ngân hàng”. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chắc chắn biết cách triển khai thực hiện việc phá sản ngân hàng một cách phù hợp nhất.

Hơn nữa, với quy định cho phép phá sản ngân hàng sẽ giúp bức tranh ngân hàng sáng sủa hơn, sẽ không còn những đại án ngân hàng với việc chi lãi suất ngoài, sẽ hạn chế việc cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, sẽ không còn tâm lý ỷ lại, tâm lý được bảo bọc của khách hàng khi gửi tiền, ngân sách Nhà nước không phải thất thu vì việc “đi đêm” lãi suất của các ngân hàng... Và đây cũng là hình thức để thị trường tự thanh lọc và đào thải các ngân hàng yếu kém thật sự ra khỏi hệ thống. Việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém vào thời điểm phù hợp và với cách thức phù hợp sẽ giúp người dân lựa chọn được những ngân hàng - những nhà cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất.

Vì vậy, thay vì cứ hoang mang thì khách hàng gửi tiền nên tự trang bị cho mình kiến thức về đầu tư tiền gửi, cập nhật thông tin thị trường và theo dõi thường xuyên sức khoẻ của ngân hàng mà mình đặt niềm tin. Các ngân hàng cũng chẳng cần phải lo lắng mà hãy tạo sự khác biệt với các ngân hàng đối thủ bằng sản phẩm đa dạng và dịch vụ chuyên nghiệp hơn, chu đáo hơn để cạnh tranh một cách sòng phẳng.

Theo Hoài Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM