PGS.TS Trần Đắc Phu: Hà Nội là vùng trũng, nguy cơ dịch diễn biến khó lường; người dân cần tuyệt đối tuân thủ 1 điều

20/07/2021 13:54 PM | Xã hội

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu người dân sốt ho mà không có triệu chứng nặng phải cấp cứu thì nên báo cho y tế phường trước, tuyệt đối không tự đến bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện đầu ngành.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ra quyết định thực hiện Chỉ thị 16 đối với TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Những ngày qua, Hà Nội hàng ngày cũng ghi nhận hàng chục ca nhiễm.

Ngày 18/7, Hà Nội đã ra Công điện 15 đề nghị mọi người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết, và siết chặt một số hoạt động khác để phòng dịch.

Để nhận định rõ hơn về tình hình dịch tại Hà Nội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

 PGS.TS Trần Đắc Phu: Hà Nội là vùng trũng, nguy cơ dịch diễn biến khó lường; người dân cần tuyệt đối tuân thủ 1 điều - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Xin chào PGS, trước tình hình dịch bệnh ở các địa phương diễn biến vô cùng phức tạp, mỗi ngày cả nước ghi nhận cả hàng nghìn ca. Ông có nhận xét gì về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội khi mỗi ngày Thủ đô cũng ghi nhận hàng chục ca nhiễm?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Hà Nội là vùng trũng, là trung tâm của các nơi đổ về, đặc biệt là những người trở về từ TP.HCM, các địa phương có dịch. Do đó dịch có nguy cơ rất khó lường, tuy nhiên đến thời điểm này dịch ở Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát. Hà Nội cũng đã khống chế nhanh một số ổ dịch như ở Cty SEI (trong KCN), tại một số bệnh viện. Tuy vậy còn một số ổ dịch ở cộng đồng và không xác định được nguồn lây.

Các ổ dịch ở cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, điều này rất nguy hiểm cho cộng đồng?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Đúng vậy, chúng ta không loại trừ có những ca lẩn khuất từ trước, âm thầm giờ phát ra lây lan. Đáng lưu ý các ca gần đây được phát hiện cho thấy tốc độ lây nhanh - trong cùng một gia đình, cùng nơi làm việc. Thực tế những ca Hà Nội phát hiện vừa qua đều có biểu hiện ho sốt, từ đó mới lần ra ổ dịch. Đó là những ca có thể không phải là F0 mà là những ca chỉ điểm.

Trước tình hình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hàng chục ca nhiễm, ngày 18/7 Hà Nội đã ra Công điện 15 yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài khi không cần thiết và siết chặt thêm một số hoạt động khác. PGS có đánh giá gì về công điện của Hà Nội?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Tôi đánh giá cao việc Hà Nội ban hành Công điện số 15 - là công điện hết sức hợp lý. Hà Nội đã dựa trên các nguy cơ dịch diễn biến khó lường nên đã sử dụng biện pháp phòng từ sớm tránh để dịch bùng phát, xảy ra sẽ không kiểm soát được.

Người dân cũng không nên quá lo lắng hoang mang đổ xô đi siêu thị, đi chợ mua đồ tích trữ… Chính việc tập trung đông người sẽ gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh. Người dân không đi các tỉnh, không tập trung đi chợ, đi chỗ đông người không cần thiết.

Người dân cũng cần có ý thức cao, cần phát huy việc thực hiện tốt 5K. Nhất là trong lúc này không nên đi ra ngoài nếu không cần thiết, đặc biệt người già, người có bệnh lý nền.

Có những ca bệnh không xác định được nguồn lây, không tìm được F0 nhưng tất cả các F1 của ca bệnh đều âm tính, không có sự lây lan rộng. Điều này cho thấy ý thức phòng dịch - việc tuân thủ biện pháp 5K của người dân là hết sức quan trọng.

Thời gian tới, Hà Nội vẫn phải duy trì các biện pháp trong đó tập trung công tác xét nghiệm, truy vết. Không xét nghiệm tràn lan nhưng xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung những nhóm nguy cơ để đánh giá tình hình dịch bệnh từ đó đưa ra những quyết định kịp thời.

Hiện nhiều ý kiến cho rằng trước tình hình dịch bệnh như hiện nay chúng ta cần phải sống chung, nhưng Việt Nam nói chung và các tỉnh, địa phương nói riêng vẫn duy trì chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.

Nếu để thả lỏng thì dẫn tới tình trạng như Ấn Độ, đặc biệt các nước có nền kinh tế tương đồng như Indonesia, Thái Lan… thì số mắc sẽ nhiều lên, gây quá tải cho hệ thống y tế thì số tử vong sẽ rất nhiều. Do đó, Việt Nam hiện nay chưa thể thực hiện quan điểm đấy.

Hiện nay, Hà Nội tiến hành xét nghiệm hết những trường hợp có biểu hiện ho, sốt không chỉ là những trường hợp sốt đến bệnh viện, mà sốt cả ở nhà. Vừa qua cũng xuất hiện một số trường hợp có biểu hiện ho sốt tự đi khám mới phát hiện dương tính, việc làm này có phải chứa rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. PGS có nhận xét và đưa ra lời khuyên nào không?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Việc người dân có biểu hiện ho sốt đến cơ sở y tế là đúng. Nhưng tôi cũng khuyên nếu bạn có sốt ho mà không có triệu chứng nặng phải cấp cứu thì nên báo cho y tế phường trước.

Lực lượng chức năng tại phường sẽ tiến hành lấy mẫu xác định tình trạng bệnh. Còn nếu tự đi, nhỡ chỉ bị sốt ho vì bệnh khác chứ chưa phải nhiễm Covid-19 thì có thể người dân sẽ bị nhiễm từ các cơ sở y tế (nơi có nguy cơ) hoặc ngược lại người dân sẽ lây nhiễm cho cơ sở y tế nếu trong người đã nhiễm Covid-19. Lúc này rất nguy hiểm, tạo nên gánh nặng cho y tế.

Chính vì thế chúng ta tuyệt đối nếu sốt, ho mà không có triệu chứng nặng không tự đến bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện đầu ngành.

Xin cảm ơn ông!

Hãy ủng hộ máy thở, trang bị y tế cho lực lượng chống dịch TP.HCM

Mỗi ngày có tới hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 mới, nguồn lực chống dịch của TP.HCM đang bị quá tải. Để góp sức cùng với địa bàn được coi là Trái tim kinh tế của đất nước, xin hãy chung tay ủng hộ các lực lượng TP.HCM vượt qua cơn dịch hiểm nghèo này. TP.HCM đang cần bổ sung máy thở các loại, găng tay, quần áo bảo hộ, mũ bảo hộ, bộ test nhanh...

* Mọi ủng hộ VỀ TIỀN xin gửi về:

Soha.vn:

Số tài khoản: 12410008685555. BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP.

Chuyển khoản xin ghi rõ: Ủng hộ máy thở

* Tổ chức, cá nhân TẶNG MÁY THỞ VÀ VẬT TƯ Y TẾ xin liên hệ Soha.vn , số 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Người phụ trách: Phạm Đình Mạnh. SĐT: 0974.974.104.

LÊ LIÊN

Cùng chuyên mục
XEM