PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Chúng ta đã trả giá rất đắt bằng kinh tế cho chống dịch Covid-19, nhưng điều này xứng đáng!
"Ngay từ đầu Chính phủ đã có hành động mạnh mẽ trong việc lựa chọn sức khoẻ người dân thay vì tăng trưởng kinh tế. Và chúng ta đã thành công, làm được điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới có điều kiện y tế, kinh tế, xã hội tốt hơn Việt Nam làm được. Việc bảo toàn người lao động sẽ là điều kiện then chốt để kích thích quá trình phục hồi sau đại dịch", ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính của đại học Kinh tế TP.HCM nhận định.
Đại dịch Covid-19 là cú đấm bồi vào sức khoẻ kinh tế toàn cầu
Phát hiểu tại toạ đàm trực tuyến "Giữa dòng sóng dữ", ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết Covid-19 khiến cho kinh tế toàn cầu thay đổi hoàn toàn. Các tổ chức nghiên cứu đánh giá sẽ rất lâu để kinh tế toàn cầu có thể phục hồi và trở lại bình thường.
Khủng hoảng do Covid-19 gây ra cũng được xem là bất định vì không ai có đủ kiến thức, kinh nghiệm để đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
IMF đã gọi khủng hoảng lần này là cuộc đại phong toả nhằm so sánh với cuộc Đại suy thoái 1929 – 1932 tại Mỹ, gây hệ luỵ nghiêm trọng toàn cầu, được xem là phần chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Một cuộc khủng hoảng khác được gợi nhớ nữa là hồi năm 2008 – 2009 khiến cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kinh tế trì trệ kéo dài trong 6 năm.
Tác động của Covid-19 dường như sẽ nghiêm trọng hơn. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức -3%. Và nếu dịch không được khống chế triệt để, các nền kinh tế lớn không được khôi phục, năm 2021 sẽ là 1 năm tiếp tục đen tối.
Một điểm lưu ý khác, theo ông Bảo, là khủng hoảng Covid-19 diễn ra vào lúc sức đề kháng của kinh tế toàn cầu đang yếu kém, căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến thế giới gánh chịu những hậu quả nặng nề.
"Đại dịch Covid-19 như một cú đấm bồi vào sức khoẻ kinh tế toàn cầu", ông nói. Do đó, thách thức mà doanh nghiệp thế giới nói chung, doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu là không nhỏ.
Kinh tế Việt Nam chưa xuống đáy?
Theo ông Bảo, khi nói về các kịch bản phục hồi kinh tế, các kinh tế gia thường dùng các ký tự latinh như V, U, W. Các ký tự này giúp dễ hình dung, tưởng tượng các đồ thị. Tuy nhiên, trong thực tế, sự hồi phục sẽ không lý tưởng như vậy. "Nó thường zíc zắc và có độ trễ dữ liệu rất lớn", ông nói.
Để nói đến sự phục hồi kinh tế Việt Nam như thế nào, ông cho rằng phải trả lời được câu hỏi Việt Nam đã chạm đáy hay chưa. Nền kinh tế lúc này đã ở vùng xấu nhất của suy thoái hay vẫn đang trong vùng rơi đáy?
Theo quan sát của ông Bảo, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang cầm cự được trong 2 – 3 tháng tới. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng có sự chuyển đổi, thích ứng, chống chọi được. Nhìn chung, ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam chưa chạm đáy.
"Mẫu hình phục hồi kinh tế sẽ giống như hình trăng lưỡi liềm. Nghĩa là phải mất thêm một thời gian nữa chúng ta mới trượt nhẹ xuống vùng đáy. Sau đó, quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhưng không phải bật lên giống hình chữ V vì cần 1 khoảng thời gian để các chương trình giải cứu, hỗ trợ của Chính phủ có hiệu quả", ông nói.
Ông cũng đặc biệt lưu ý: "Chúng ta đã trả giá rất đắt bằng kinh tế cho việc chống dịch nhưng đó là cái giá xứng đáng khi dập dịch thành công, bảo vệ sức khoẻ người dân. Chính phủ ngay từ đầu đã hành động mạnh mẽ trong việc lựa chọn sức khoẻ thay vì tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã làm được điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới có điều kiện y tế, kinh tế, xã hội tốt hơn Việt Nam làm được. Việc bảo toàn người lao động sẽ là điều kiện then chốt để kích thích quá trình phục hồi sau đại dịch".
Đốt nóng động cơ tăng trưởng bằng gì?
Trong những năm gầy đây, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến cho xuất khẩu của Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, các hoạt động kinh tế còn lại chủ yếu dựa vào đầu tư, theo ông Bảo.
Vì vậy, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp kích thích kinh tế như đẩy mạnh đầu tư công và tranh thủ làn sóng FDI.
"Ý tưởng là chúng ta tận dụng sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc mà Việt Nam là một ứng cử viên sáng giá", ông nói. Tuy vậy, thông tin mới nhất về 27 doanh nghiệp Mỹ được cho là chọn Indonesia là nơi di dời sẽ là điều rất buồn cho việc thu hút FDI nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Một động cơ nữa được ông Bảo nhắc đến là nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng tín dụng. Hiện Chính phủ và NHNN đã yêu cầu NHTM cố gắng giảm lãi suất, nới lỏng các khoản cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, ông Bảo nhấn mạnh quan hệ tính dụng cơ bản dựa trên đánh đổi giữa rủi ro và tỷ suất lợi nhuận.
"Ở điều kiện hiện tại, việc giữ nguyên lãi suất đã là nỗ lực rất khó khăn huống hồ giảm lãi suất. Hơn nữa, nếu ngân hàng, nhân viên tín dụng linh hoạt, nới lỏng các khoản vay, mai sau dự án không hiệu quả, hình thành nợ xấu thì có được đưa nguyên nhân bối cảnh Covid-19 để tránh chế tài pháp lý không?", ông đặt vấn đề. Theo ông, đây cũng là nguyên nhân khiến việc tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng gặp khó khăn.
Do vậy, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh: Phải tháo gỡ, vượt qua những điều này nếu muốn đốt nóng động cơ tăng trưởng kinh tế.