PCT Quỹ khởi nghiệp SVF Phạm Duy Hiếu: Chúng tôi đang xây dựng một thế hệ doanh nhân tử tế
Với rất nhiều startup ‘nảy mầm’ từ hệ sinh thái khởi nghiệp mà Startup Vietnam Foundation hỗ trợ các tỉnh xây dựng, ông Phạm Duy Hiếu – Phó Chủ tịch SVF tin rằng, tương lai Việt Nam sẽ có một thế hệ doanh nhân tử tế hơn bây giờ.
Có thể nói, Startup Vietnam Foundation (SVF) là một trong những quỹ hỗ trợ khởi nghiệp xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam. Năm 2014, trong khi nhiều người tại Việt Nam chưa biết khởi nghiệp – startup là gì, thì SVF đã bắt đầu có những hoạt động đầu tiên của mình nhằm gầy dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho các tỉnh thành, tập trung vào mảng nông nghiệp.
Sau hơn 5 năm hoạt động và tối ưu hóa, từ chia sẻ của ông Phạm Duy Hiếu – Phó chủ tịch SVF kiêm CEO của ABBank, thì quỹ này đã có thể giúp các tỉnh tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh, bắt đầu từ ‘cầm tay chỉ việc’ cho các bạn trẻ không biết gì có thể thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, sau đó cung cấp họ họ mentor, các mối quan hệ, các quỹ đầu tư… để các startup non trẻ đó có thể lớn lên và trưởng thành.
"Sau một thời gian, chúng tôi nhận ra là mình đang đi xây dựng một thế hệ doanh nhân tử tế. Những người thực sự làm giàu nhờ sự sáng tạo và chăm chỉ của mình. Họ sống với nhau theo kiểu cộng sinh, chứ không phải cá lớn nuốt cá bé như thị trường ngoài kia. Sau này, khi các bạn có nhiều vốn đầu tư và làm lớn, có sản phẩm xuất khẩu, các bạn vẫn trở thành những người doanh nhân khiêm tốn – biết lắng nghe, biết học hỏi và sẵn sàng quay trở về giúp đỡ các bạn khác.
Hiện nay, ở ngoài kia, có không ít doanh nhân thành công trên thị trường, họ coi những người khác là ‘thấp kém’, cảm giác như họ thấy nhiều người không đủ tư cách nói chuyện với họ. Những người doanh nhân đi trước, cái tôi của họ rất lớn, trong khi không ít trong số đó thành công đến từ một vài thương vụ may mắn", ông Phạm Duy Hiếu bày tỏ với chúng tôi.
Chỉ có nông nghiệp mới giúp Việt Nam chiến thắng trên trường quốc tế
Tuy nhiên, khác với các quỹ về khởi nghiệp khác, SVF không quan tâm nhiều đến các startup ở các thành phố lớn hay về mảng công nghệ - thông tin, những lĩnh vực khởi nghiệp được tiếng tăng trưởng nhanh và mạnh nhất; mà họ chủ yếu để ý đến lĩnh vực nông nghiệp.
Nguyên nhân là bởi, trước khi chính thức ra mắt, những nhà sáng lập quỹ đã ngồi lại với nhau để tìm hiểu xem, muốn đưa Việt Nam phát triển hơn thì cần phải đầu tư vào lĩnh vực nào mà nó có thể giúp Việt Nam chiến đấu và chiến thắng trên trường quốc tế. Cuối cùng, mọi người đã tìm ra 2 điểm mạnh có thể giúp Việt Nam bứt phá: nông nghiệp và công nghệ.
Lịch sử cho thấy, các sản phẩm của Việt Nam rất khó cạnh tranh với nước khác khi ra thị trường quốc tế, chỉ riêng sản phẩm nông nghiệp thì lại khác, những nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, trái cây… đã chiến thắng rất nhiều lần. Nông nghiệp là thế mạnh thực sự của Việt Nam, chỉ là chúng ta chưa phát huy được điều đó bởi canh tác còn manh mún, chưa áp dụng công nghệ trong sản xuất, bao bì mẫu mã sản phẩm chưa đẹp… Nếu có thể đưa những đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể mạnh hơn rất nhiều.
Địa bàn hoạt động chủ yếu của SVF là ở các tỉnh thành có thể làm nông nghiệp, ví dụ như Thừa Thiên Huế.
Thứ hai, lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam rất mạnh, chất lượng nhân sự trong ngành này của chúng ta không thua gì người Ấn Độ.
"Chính vì thế, những nhà sáng lập đã lập ra quỹ này nhằm hướng tới 2 mục tiêu chiến lược ấy, với tỷ trọng: hỗ trợ nông nghiệp 80%, còn 20% ở các lĩnh vực khác. Mà muốn khởi nghiệp về nông nghiệp thì phải về nơi có chuồng trại, cánh đồng, đất đai…như các tỉnh thành chuyên về nông nghiệp.
Thời gian đầu tiên, khi chúng tôi có cơ hội đi tham quan khởi nghiệp nông nghiệp trên thế giới, chúng tôi thật sự choáng váng vì người ta làm nông nghiệp theo kiểu rất khác và chúng tôi nghĩ, chỉ cần Việt Nam làm được một phần so với họ, thì các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta sẽ chiến thắng nhiều nước khác", Phó Chủ tịch SVF kể.
Ngoài ra, những người khởi xướng quỹ còn thấy, chỉ bằng nông nghiệp, chúng ta mới có thể khôi phục được hệ sinh thái – môi trường mà chúng ta đang sống, còn bằng lĩnh vực khác không được. Chỉ khi chúng ta thay đổi phương thức canh tác – chăn nuôi thì ‘sức khoẻ’ của môi trường và con người mới khôi phục. Có những dự án nông nghiệp SVF gầy dựng, lúc người sản xuất không dùng phân bón và thuốc trừ sâu hoá học nữa, cá tôm đã quay trở lại đồng ruộng.
Mặt khác, thay vì đầu tư vào những startup cụ thể, thì SVF lại đầu tư hỗ trợ các tỉnh xây dựng hệ sinh thái riêng của mỗi tỉnh, bởi theo họ quan niệm: chỉ bằng hệ sinh thái họ mới có thể tạo ra nhiều startup và phải có nhiều startup thì mới có thể có một vài startup sống sót – lớn khôn.
"Hệ sinh thái khởi nghiệp là một khu rừng, trong đó có rất nhiều cỏ cây và muôn thú, có những loại sinh vật mà mình không biết được, nhưng kiểu gì nó cũng sẽ sinh sống được trên mảnh đất ấy và kế thừa hơi hướm văn hoá ở đó. Con người ở vùng đất đó chất phát thì họ sẽ phát huy tính chất phát, con người mánh khoé sẽ phát huy cái mánh khoé. Như trong khu rừng sẽ có con thỏ thông minh lanh lợi, nhưng cũng có con rùa chậm chạp và hơi đần, nhưng chúng vẫn sống tốt bên nhau.
Nguyên tắc của hệ sinh thái là phải tôn trọng quy luật của rừng. Sau đó các loài sinh vật sẽ tương tác với nhau, startup này sẽ dùng sản phẩm của startup kia, càng ngày chúng càng nảy nở ra nhiều hơn", ông Phạm Duy Hiếu ví von.
Theo đó, những doanh nhân thế hệ mới được hình thành theo cách này sẽ không dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn, trong suốt quá trình làm việc người ta luôn biết lắng nghe, biết sửa chữa sản phẩm của họ. Họ luôn khiêm tốn và tử tế!
Đào tạo và hỗ trợ theo kiểu ‘cầm tay chỉ việc’
Để có thể hỗ trợ các tỉnh tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp, công việc của ông Hiếu và các đồng sự vô cùng đồ sộ.
Theo tài liệu mà SVF cung cấp cho chúng tôi, thì họ có 9 dự án cơ bản trong khung chương trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương: Hoạt động truyền cảm hứng và truyền thông rộng rãi về khởi nghiệp; Phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp; Chương trình ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Phát triển mạng lưới cố vấn khởi nghiệp địa phương.
Chương trình giúp startup tăng tốc gồm: Phát triển mạng lưới nhà đầu tư địa phương; Thành lập trung tâm ươm tạo khởi nghiệp kết hợp không gian làm việc chung; Các hoạt động phát triển thương mại – đầu tư – xuất khẩu; Chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và kết nối nhà khoa học địa phương và Chương trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Ông Hiếu cũng là một trong những người trực tiếp giảng dạy các chương trình của SVF cho các bạn trẻ.
Chỉ một dự án, SVF đã phải thực hiện hàng dãy chương trình, ví dụ như dự án 1 - Hoạt động truyền cảm hứng và truyền thông rộng rãi về khởi nghiệp.
Việc đầu tiên trong dự án này chính là tập hợp các bạn trẻ thanh niên bản địa, kể cả học sinh – sinh viên và nói về khái niệm khởi nghiệp, sự cần thiết của khởi nghiệp… để khơi gợi ý muốn khởi nghiệp trong các bạn.
Bước tiếp theo, những bạn nào có ý định khởi nghiệp sẽ tiếp tục tham gia vào lớp học khởi nghiệp – làm sao để tạo ra một doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong lớp học này, có hai môn quan trọng là mô hình kinh doanh và design thinking – thiết kế tư duy, mỗi môn học 1 ngày.
Trong môn học mô hình kinh doanh, SVF sẽ đưa cho các bạn trẻ từ 8 đến 9 mô hình kinh doanh đang là xu hướng trên thế giới, ví dụ như kinh tế chia sẻ của Uber và Grab; còn môn thiết kế tư duy, SVF sẽ hướng dẫn cho các bạn cách đổi mới sáng tạo các mô hình kinh doanh của họ. Kế tiếp, họ sẽ lập nhóm và doanh nghiệp khởi nghiệp, tức người giỏi kỹ thuật sẽ làm chung với người giỏi kinh doanh, bạn giỏi tài chính sẽ là chung với bạn giỏi quản lý…
Có thể xem, chương trình đào tạo mà SVF mang về các tỉnh gần như là ‘cầm tay chỉ việc’, đào luyện một bạn trẻ từ không biết gì cũng như không có ý định gì về khởi nghiệp, trở thành một người khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau khi ‘xúi’ người khác dấn thân vào con đường gian truân đó, SVF không bỏ mặc mà tiếp tục hỗ trợ hết mức có thể để các startup ngày càng tiến lên phía trước.
Nếu nhìn vào các hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang hình thành ở Việt Nam, hệ sinh thái mà SVF hỗ trợ tạo ra có thể xem là hoàn chỉnh nhất.
Kinh nghiệm quý báu khi làm việc với các tỉnh thành
Lý thuyết là thế, nhưng để áp dụng chúng vào thực tế, SVF đã vượt qua rất nhiều chông gai. Cứ không phải đi giúp đỡ người khác là tất cả đều hoan nghênh!
"Nói ra buồn cười, ở thành phố lớn, chúng tôi làm việc rất khó khăn, ngay cả việc gặp các lãnh đạo còn khó chứ đừng nói đến chuyện khác. Còn các tỉnh thành địa phương nhỏ không thế, thậm chí một số tỉnh còn chủ động lên TP. HCM gặp SVF.
Cái tâm thế phát triển startup của các lãnh đạo địa phương rất khác nhau. Không quan trọng địa phương đó có tài nguyên hay không, thậm chí là ngược lại. Càng khó khăn thì con người ta mới càng nỗ lực cố gắng vươn lên và phong trào khởi nghiệp mới bùng nổ, như Israel – Nhật Bản. Chúng tôi nghĩ khó khăn mới chính là sức bật", Phó Chủ tịch SVF chia sẻ.
Do đó, dù SVF đã đi tới 25 tỉnh thành, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, họ mới chính thức ký kết với 7 nơi là Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi.
Trong tất cả, Đồng Tháp chính là tỉnh mà SVF hay lấy ra để làm ‘case study" nhất, vì ngoài việc Đồng Tháp là địa phương đầu tiên SVF triển khai sứ mệnh của mình, còn vì sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo tỉnh khiến sự hỗ trợ của SVF ‘đơm hoa kết trái’ rực rỡ. Đồng Tháp hiện là địa phương có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ nhất nhì Việt Nam, cứ sau mỗi chuyến viếng thăm của SVF, Đồng Tháp có khoảng trên dưới 100 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời.
Với Đồng Tháp, SVF đã len sâu về tận các huyện chứ không phải chỉ hoạt động trên cấp tỉnh.
Và sở dĩ chương trình mà SVF triển khai thành công ở Đồng Tháp như thế là bởi Bí thư tỉnh Lê Minh Hoan cũng như Chủ tịch Nguyễn Văn Dương ủng hộ họ tối đa. "Càng làm, chúng tôi càng thấy vai trò của các lãnh đạo tỉnh cực kỳ quan trọng", anh Hiếu kết luận.
Năm 2019, khi mà Đồng Tháp bắt đầu vượt qua các tỉnh thành khác để đứng thứ 2 về chỉ số năng lực cạnh tranh - PCI, SVF còn ăn mừng còn to hơn người Đồng Tháp. Sau đó, người Đồng Tháp còn lên văn phòng cảm ơn SVF, vì tác động của chương trình đến địa phương không chỉ về mặt kinh tế mà còn giáo dục và thay đổi tư duy của người dân toàn tỉnh.
Theo lời kể của anh Hiếu, trong giai đoạn đầu ở Đồng Tháp, họ mất tới 9 tháng mới cho ra được 1 startup đầu tiên, còn bây giờ, SVF đã tối ưu hóa được quy trình cũng như chương trình giảng dạy, khiến thời gian rút ngắn chỉ còn 6 tháng, tiết kiệm được 3 tháng.
Ngày xưa, SVF mất rất nhiều công sức mỗi khi triển khai chương trình, vì họ không biết nên gặp ông Tỉnh đoàn hay gặp Sở Khoa học công nghệ hoặc Sở Kế hoạch đầu tư trước. Bây giờ, SVF chỉ cần gặp một người có tâm huyết và có khả năng kêu gọi trong Ban lãnh đạo tỉnh, sau đó nhờ người này tập hợp các ban ngành lại và SVF sẽ đóng vai trò là người điều phối.
Vì để gầy dựng và hình thành nên một hệ sinh thái cho tỉnh, cần sự phối hợp và nguồn lực của tất cả các ban ngành trong tỉnh. SVF chỉ ký kết với tỉnh và không ký kết với Sở dưới tỉnh, bởi vì chúng không giúp giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, mỗi khi về tỉnh, SVF luôn kêu gọi nguồn lực địa phương - từ người điều hành, các nhà khoa học, mentor, cho đến 'mạnh thường quân'; vì hệ sinh thái của địa phương là phải do người địa phương vận hành - hỗ trợ, bởi nếu dựa vào nguồn lực bên ngoài như SVF, thì khi quỹ này đi nó sẽ chết. Thế nên, SVF thường nhờ lãnh đạo tỉnh chọn ra những người phù hợp, rồi họ vừa làm vừa chuyển giao.
Trong quá trình 2 bên làm việc chung, SVF sẽ chia sẻ và tặng hết tất cả những kiến thức – chương trình – bài học và các nguồn lực khác nhau mà họ có, không giấu giếm bất cứ thứ gì.