Paul Krugman: Sai lầm của Mỹ là phủ nhận mức độ nghiêm trọng của virus corona, gói kích thích 2.000 tỷ USD có thể trở thành "quả bom tài chính hẹn giờ"
Chủ nhân giải Nobel kinh tế - Paul Krugman, mới đây đã tham gia một cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập Business Insider - Sara Silverstein. Tại đây, ông chia sẻ quan điểm rằng nước Mỹ đã chủ quan và đưa ra phản ứng chậm chạp đối với đại dịch Covid-19. Theo đó, quốc gia này sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề kể cả sau khi nền kinh tế hồi phục.
Theo nhà kinh tế học, virus corona giống như tình trạng nóng lên toàn cầu nhưng nó lan rộng tới tốc độ gấp hàng trăm lần. Về cơ bản, nước Mỹ đang mang tư tưởng xuất phát từ sự phủ nhận về tình trạng biến đổi khí hậu, họ cũng có phản ứng tương tự đối với dịch bệnh. Hiện tại, Mỹ đã ở rất xa "đường cong dịch bệnh". Rõ ràng rằng, Covid-19 đã thực sự có rủi ro rất lớn kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 1 và khi đó Mỹ nên mở rộng quy mô xét nghiệm. Những gì nên làm là cách ly xã hội và tất cả những việc có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh. Mỹ đã chưa thực sự nghiêm túc trong việc này.
Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, giới chức Mỹ vẫn không thực hiện những điều cần thiết khi gặp một vấn đề khẩn cấp – đó là sản xuất các thiết bị thiết yếu ở nhiều bang. Tình trạng hiện tại vẫn là sự tranh giành, không được điều phối rõ ràng đối với việc sản xuất máy thở. Việc phủ nhận về dịch bệnh là một yếu tố rất quan trọng. Theo ông, đó chính là là nguyên nhân khiến hàng nghìn người tử vong ở Mỹ.
Về gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD, ông chia sẻ rằng cảm thấy không hài lòng khi nó được gọi là dự luật kích thích. Krugman nói: "Chúng tôi muốn GDP giảm xuống, chúng tôi muốn mọi người ở nhà và tạm thời ngừng làm việc cho đến khi tình hình được kiểm soát." Mục tiêu của gói này không phải chủ yếu là duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, mà giúp người dân trong khoảng thời gian nghỉ việc, giảm bớt những khó khăn cho họ.
Theo nhà kinh tế học, những yếu tố quan trọng hiện tại là trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp. Theo đó, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn với mức độ tổn hại về mặt tài chính tối thiểu. Ông cho rằng, có những lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ hiện vẫn còn "sống", không nên để những phần này sụp đổ vì lý do không ai còn tiền để chi tiêu. Vẫn có phần nào trong gói 2.000 tỷ mang mục đích kích thích, nhưng đây thực sự là gói cứu trợ thiên tai khổng lồ mà có thể quy mô lại không đủ lớn.
Krugman nhận định, khoảng 20-25% nền kinh tế sẽ ngừng hoạt động trong một thời gian dài và mọi người thực sự nghĩ rằng gói kích thích có thể phát huy tác dụng ở đúng quy mô đó. Ông nói: "Về cơ bản, chúng ta đang nỗ lực cung cấp số tiền thay thế cho thu nhập của họ, nhưng chủ yếu lại không thể bù đắp hoàn toàn. Quy mô nền kinh tế của chúng ta là 20 nghìn tỷ/năm, bởi vậy không khó để đại dịch sẽ kéo con số đó xuống chỉ còn 4-5 nghìn tỷ USD. Câu trả lời ở đây là đi vay."
Ở thời điểm hiện tại, đầu tư ở khu vực tư nhân đang chững lại, số lượng hồ sơ xin vay thế chấp cũng sụt giảm. Bởi vậy, sẽ có doanh nghiệp nào xây dựng các khu văn phòng trong bối cảnh dịch bệnh lây lan? Do đó, các khoản tiết kiệm đang tăng lên. Có thể rằng, những khoản chi tiêu cho các bữa ăn tại nhà hàng đang được sử dụng cho những thứ khác, nhưng hầu hết là đều nằm trong các khoản tiết kiệm. Ông cho hay: "Chúng ta có một khoản thặng dư khổng lồ trong khu vực tư nhân và số tiền này đang cần được sử dụng. Lãi suất thực hiện đang ở mức âm, nên điều này có nghĩa là chính phủ đang có một khoản vốn miễn phí. Nên hãy đi vay!"
Ông nhận định, đối với các doanh nghiệp nhỏ, thì gói 2.000 tỷ là một điều tốt, các khoản vay nhanh chóng trở thành khoản hỗ trợ đối với họ để duy trì việc trả lương cho nhân viên. Nhìn thoáng qua, việc phát 1.200 USD cho người dân cũng là một yếu tố tích cực. Nhưng thực ra, chính phủ chỉ đang khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn, khi số tiền chỉ có thể đến tay những đối tượng đã nộp thuế hoặc có mã số thuế. Theo ông tất cả mọi người nên nhận được khoản hỗ trợ.
Ngoài ra, ông lo ngại rằng các khoản cho vay đối với những doanh nghiệp lớn sẽ khiến tình trạng tham nhũng gia tăng. Krugman cho rằng, 80% chi tiêu của gói này là hợp lý, nhưng khó có thể nhận định về 20% còn lại. Ông cho hay, cuộc khủng hoảng này thậm chí có thể kéo dài ngay cả khi đại dịch đã bớt căng thẳng, do nhiều chính quyền địa phương và tiểu bang đang gặp khó khăn về tài chính.
Về tỷ lệ thất nghiệp và "điều bình thường mới" sau đại dịch, chủ nhân giải Nobel kinh tế nhận định rằng con số này sẽ tăng lên trong 4 tháng tới. Khi đó, rất nhiều gói hỗ trợ tài chính đang được tung ra sẽ hết hạn ở thời điểm nền kinh tế được dự đoán là sẽ hồi phục. Ông nói: "Tôi thực sự lo ngại rằng những tổn hại về kinh tế sẽ kéo dài lâu hơn chúng ta nghĩ."
Theo ông, khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính ở các tiểu bang sẽ xảy ra, khi chính quyền ở những nơi này thất thu thuế và phải gánh chịu nhiều chi phí hơn. Bởi vậy, sắp tới, họ sẽ phải điều chỉnh hoạt động bằng cách sa thải hàng loạt người lao động. Nền kinh tế sẽ hồi phục với tốc độ chậm chạp khi dịch bệnh kết thúc do những tàn dư mà nó để lại và chính sách cứu trợ cũng không còn.
Ông nhận định, nền kinh tế Mỹ yếu ớt hơn so với nhiều người nghĩ, dù trước đây tỷ lệ thất nghiệp không hề cao. Hơn nữa, tỷ lệ này lại ở trong bối cảnh lãi suất đang rất thấp. Nhưng hiện tại, số lượng người mất việc thậm chí còn cao hơn so với cuộc Đại Suy thoái, việc giảm con số này sẽ là một thách thức đối với giới chức Mỹ. Nhà Trắng đã có 17 lần thảo luận về việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế, theo ông đây là điều cần thiết để tạo thêm việc làm cho người dân.
Theo Krugman, Fed về cơ bản đang đưa ra những biện pháp can thiệp hiệu quả. Thị trường tài chính bắt đầu lao dốc giống như hồi 2008, vì có quá nhiều tổn thất trong bảng cân đối kế toán, khi nhà đầu tư lo ngại rằng đây không còn là nơi có rủi ro thấp và thanh khoản cao. Fed hiện đang làm rất tốt, NHTW nỗ lực đảm bảo rằng mọi thứ đang trong tầm kiểm soát.
Ông nói: "Tôi cho rằng trái phiếu chính phủ và địa phương là một vấn đề lớn. Nhưng Fed hiện tại chưa nên mua trái phiếu doanh nghiệp, nhưng tôi cho rằng đó là điều cần làm. Ví dụ như ở châu Âu, chủ tịch ECB – Mario Draghi, cho biết ông sẵn sàng mua trái phiếu của những quốc gia đang gặp khó khăn. Nhưng thực ra ông ấy không cần phải làm điều đó, chỉ cần ông ấy nói ra điều đó đã đủ để trấn an thị trường."
Ông cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ chưa căng thẳng đến mức đó, dù nhiều khả năng sẽ xảy ra. Krugman cho hay: "Một số người bạn của tôi hỏi rằng, tại sao Fed không chỉ đơn giản là phát tiền cho người dân?" Dẫu vậy, điều này lại không đúng về mặt pháp lý, nhưng NHTW nên thể hiện rằng họ sẵn sàng mua bất kỳ thứ gì, bất kỳ tài sản nào khi cần thiết.
Về phản ứng của Mỹ đối với dịch bệnh, ông nói: "Đừng như nước Mỹ". Nhà kinh tế học nhận định: "Mỹ đã thất bại ở nhiều cấp độ. Chúng ta đã hoàn toàn thất bại. Rõ ràng rằng chúng ta đang chậm chạp trong việc thực hiện xét nghiệm, thiếu thiết bị y tế và mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định cách ly xã hội."
Ông nhận định, các quốc gia khác đang đưa ra phản ứng về kinh tế hiệu quả hơn nước Mỹ. Dường như đảng Cộng hoà cho rằng giảm thuế sẽ là câu trả lời cho mọi thứ. Nhưng hãy nhìn vào Đan Mạch, họ nỗ lực giữ chân công nhân ở lại với công ty. Trong khi đó, chính phủ Mỹ chỉ chi trả 75% cho việc này. Dẫu vậy, Mỹ có những ràng buộc về chính trị khiến họ không thể làm được như Đan Mạch , nhưng vẫn là một nước có phản ứng yếu ớt nhất trong số các nước G7.
Tham khảo Business Insider