Ông ‘Việt Kiều té giếng’ Nguyễn Thanh Mỹ và hành trình 37 năm thực hiện giấc mơ tưởng giản đơn - nâng cao đời sống cho người dân quê hương Trà Vinh
Với tư duy của một người làm khoa học, dù gặp bất cứ khó khăn gì, ông Nguyễn Thanh Mỹ chưa bao giờ viện cớ, mà luôn tìm cách tốt nhất để đạt được mục đích của mình. Tuần tự nhi tiến, ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn trên đường thực hiện giấc mơ cách đây 37 năm một cách chắc chắn và hiệu quả.
Người ta thường bảo, chỉ những người thông minh mới biết cách thể hiện sự hài hước; nếu thế, thì nhà khoa học kiêm doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ là một trong những diễn giả thông minh nhất chúng tôi từng biết. Bài nói chuyện của ông trong Tọa đàm Từ khát vọng đến hành động do Hội doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA) tổ chức nhân Kỷ niệm 25 năm thành lập, vừa hài hước, vừa thú vị lại duyên dáng.
Qua những gì mà vị Tiến sỹ hóa học này trình bày, chúng ta có thể thấy ông là con người của hành động, một khi đã nhận định đó làm việc cần làm, ông sẽ tìm mọi cách để thực hiện nó, bất chấp những định kiến, gian khổ và khó khăn mà nhiều người có thể không vượt qua được. Thoạt trông, cuộc đời của ông có vẻ hanh thông ít gập ghềnh, nhưng có lẽ để đạt được những thành quả như ngày hôm ngay, những mệt mỏi và cố gắng mà ông đã phải vượt qua, chỉ có một mình ông biết.
Thêm một điều đáng quý nữa, ông luôn mang tinh thần lạc quan – vui vẻ vào công việc lẫn cuộc sống dù đối mặt với bất cứ thử thách nào đi nữa. Ông đã dùng hình ảnh 2 người dân miền Tây đang sinh hoạt bên bờ sông – một người đang đi ‘cầu tõm’ người còn lại đang rửa cái gì đó để minh họa cho ý ‘người dân ở quê hương ông mạnh ai làm việc nấy, chỉ tập trung vào việc mình làm, ít quan tâm tới chuyện hợp tác’, trong bài nói chuyện.
Một giấc mơ ‘buộc miệng’ nhưng rồi trở thành nhiệm vụ cuộc đời
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Thanh Mỹ - hiện ông có 9 công ty chuyên về công nghệ cao, 7 trong đó đang hoạt động tại Trà Vinh – quê hương của ông. Tổng cộng ông đang có 800 nhân viên là người ‘ở trong quê, trong làng’. Những gì mà ông đang làm chính là thực hiện giấc mơ mà ông đã buộc miệng nói ra lúc người bạn đời của ông hỏi cách đây 37 năm.
"Lúc 27 tuổi, tôi cùng gia đình đã sang định cư tại Canada. Lúc mới sang, tôi làm công việc chạy bàn trong một quán ăn còn bà xã hiện tại của tôi phụ trách rửa chén.
Một ngày nọ, tôi đang ngồi phụ việc trong bếp, thì đột nhiên bà xã tôi chạy vào rồi hỏi ‘Mỹ, mơ ước của anh là gì’, tôi buộc miệng nói ra ‘mơ ước của tôi là một ngày nào đó có thể về quê hương và giúp bà con hết nghèo’. Sau khi tôi nói xong, cô lau chùi vệ sinh và bác đầu bếp nhìn tôi như người ngoài hành tinh, vì rõ ràng lúc đó tôi chẳng có gì", ông Nguyễn Thanh Mỹ hồi tưởng.
Mỹ Lan Group
Tuy nhiên, may mắn cho ông, là bà xã của ông không nghĩ như những người khác và sau đó hai người yêu nhau. Dù thế, ông lại không được lòng ba mẹ vợ, khi ông tới hỏi cưới bà, gia đình nhà gái dù không từ chối, nhưng lại đưa ra điều kiện là ‘con gái của chúng tôi chỉ cưới kỹ sư hoặc bác sỹ, không cưới người thường". Tại thời điểm đó, những người Việt nào tại Canada có bằng kỹ sư – bác sỹ là giống ‘người ngoài hành tinh’.
Để cưới được vợ, không còn cách nào khác, ông Nguyễn Thanh Mỹ phải cắp sách đến trường. Sau đó ông đậu tiếng Anh và bắt đầu theo học Cử nhân hóa tại Trường Đại học Concordia ở Montreal (hồi ở Việt Nam, ông từng tốt nghiệp trường Đại học Phú Thọ - Bách Khoa TP. HCM bây giờ). Năm 1990, ông tốt nghiệp Tiến sỹ về hóa hữu cơ chính tại trường đại học trên.
"Trong những ngày học đại học, tôi có biệt danh là ‘Mỹ mắt đỏ’ để phân biệt với một vài người cùng tên khác. Lý do là: tôi đi học ở trường từ 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa, sau đó đi làm thêm đến 1 hoặc 2 giờ sáng hôm sau. Do đó, mắt của tôi luôn đỏ lên vì thiếu ngủ. Tại thời điểm đó, mong ước lớn nhất của tôi là một ngày ngủ được 8 tiếng", ông chủ Mỹ Lan kể.
Sau khi rời trường Đại học, sự nghiệp của ông thăng tiến không ngừng: ông từng làm việc cho IBM, Sun Chemical, Kodak… cả ở Canada lẫn Mỹ, năm 1997 ông từng quay lại Canada để khởi nghiệp khi thành lập công ty American Dye Source (hiện vẫn hoạt động tại Canada); tuy nhiên, ông chưa bao giờ quên mơ ước về xây dựng quê hương của mình.
Ông ‘Việt Kiều té giếng’ và hành trình khai phá quê hương Trà Vinh
Sau nhiều năm bôn ba xây dựng sự nghiệp cả ở lĩnh vực nghiên cứu lẫn kinh doanh trong ngành hóa chất tại Bắc Mỹ, năm 2004, ông Nguyễn Thanh Mỹ chính thức về Việt Nam – cụ thể là Trà Vinh để biến giấc mơ ngày nào trở thành sự thật. Ông thành lập Công ty Cổ phần Mỹ Lan, đặt tại xã Long Đức, Trà Vinh.
"Lúc đó, bạn bè tôi biết chuyện tôi bỏ hết việc tại Mỹ và Canada để về khởi nghiệp ở Trà Vinh đều nói tôi điên. Còn nhiều người dân ở Trà Vinh nói tôi là ông ‘Việt Kiều bị té giếng’.
Thời điểm năm 2004, Trà Vinh chẳng có gì: không hạ tầng dành cho công nghiệp, không có nhân lực dành cho công nghiệp, nghèo nhận thức, nghèo sự đoàn kết… Ý định mang môi trường sống và làm việc Canada về Việt Nam của tôi gặp muôn vàn rào cản", ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết.
Sau thời gian vấp váp ban đầu, ông nhận ra rằng, tại quê hương ông, ‘muốn nhanh thì phải từ từ’ và ‘muốn được việc thì phải kiên nhẫn’. Ngoài tự xây dựng hạ tầng cho các doanh nghiệp của mình, ông phải tự đào tạo nhân lực bằng cách liên kết với các trường đại học – cao đẳng – trung cấp trong khu vực.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ đang trao bằng cho sinh viên khoa Hóa ứng dụng niên khóa 2011-2015 của trường Đại học Trà Vinh.
Là một người nhiều năm hấp thụ nền giáo dục phương Tây, cách dạy của ông Mỹ cũng không giống người khác. Ông yêu cầu học sinh của mình phải tải các bài giảng của ông trước khi vào lớp học, trong lớp ông không giảng bài mà chỉ trả lời những thắc mắc của các họ về bài giảng mà họ đã download. Theo ông thì người ta chỉ nhớ lâu khi người ta hỏi, vì khi hỏi là chúng ta đã đưa ra các phương án trả lời khác nhau và đã tư duy kỹ vấn đề trước đó.
"Theo quan điểm của tôi, khi học đứng sẽ hiệu quả hơn ngồi, nên trong các lớp học của tôi chỉ có bàn chứ không có ghế. Thêm nữa, vì sao giáo viên phải đứng giảng bài còn học sinh được ngồi, như thế là không công bằng!", ông Mỹ dí dỏm tiết lộ.
Còn với nhân viên của ông, ông không chỉ dạy họ cách làm việc mà còn là cách làm người. Trách nhiệm của các nhân viên sẽ bắt đầu từ nhà vệ sinh, những người vào sau có nhiệm vụ lau chùi để giữ nhà vệ sinh luôn sạch đẹp như trước khi họ sử dụng. Thế nên, tất cả các nhà vệ sinh của Mỹ Lan, dù không có lao công, vẫn luôn sạch đẹp.
Vào khoảng giữa buổi sáng và chiều, tất cả các nhân viên phải rời khỏi chỗ ngồi để tập những bài thể dục nhẹ tập trung ở cổ và vai, giúp họ ngăn chặn các loại bệnh thường gặp phải ở giới nhân viên văn phòng, khi ngồi một chỗ quá lâu. Và đây cũng là một hình thức để luyện tập tính kỹ luật cho các nhân viên, ai không theo tập thể phải tự cảm thấy xấu hổ.
"Mỗi một nhân viên của Mỹ Lan, ngoài trách nhiệm với bản thân mình cũng phải có trách nhiệm với tập thể - cộng đồng", ông Nguyễn Thanh Mỹ kết luận.
Hiện ông cảm thấy là mình đang rất hạnh phúc khi ở quê nhà, vì mình đang phần nào thực hiện được giấc mơ cuộc đời cũng như thấy quê hương thay đổi từng ngày.