Ông Trương Đình Tuyển: “Việt Nam có tận dụng làn sóng công nghệ số hay tụt hậu?”
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, bài toán lớn đang đặt ra cho dân tộc chúng ta là liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội cuộc cách mạng số, làn sống công nghiệp lần thứ tư tạo ra hay tiếp tục bỏ lỡ và tụt hậu xa hơn?
Được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức ngày 24/9/2016 tại Hà Nội, với chủ đề “Cách mạng số - Cơ hội và thách thức” cùng 4 phiên tọa đàm chuyên sâu: cách mạng số và quốc gia khởi nghiệp; cách mạng số và phát triển hạ tầng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin; phát triển nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Internet vạn vận và thành phố thông minh, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ sáu đã nêu ra những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng số, làn sóng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cho Việt Nam trong chặng đường phát triển sắp tới cùng câu hỏi lớn: những giải pháp nào để chúng ta có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Cách mạng số đang và sẽ tạo ra những khả năng hoàn toàn mới tác động và làm biến đổi toàn diện, sâu sắc mọi mặt của đời sống con người, mọi hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới. Mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi nhà lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số. Có như vậy, Việt Nam - một nước đi sau mới có thể bắt kịp chuyến tàu siêu tốc của cuộc cách mạng số”.
Trong tham luận về chủ đề cơ hội và thách thức đối với Việt Nam từ cuộc cách mạng số cùng làn sóng công nghiệp lần thứ tư tại Vietnam ICT Summit 201, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học- công nghệ phát triển rất nhanh, rất mạnh.
Minh chứng cho nhận định của mình, ông Trương Đình Tuyển đã dẫn ra so sánh hình tượng của nhà triết học và là một kỹ sư người Thụy Sỹ Ayzenbec khi mô tả về sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ.
Theo nhà triết học, kỹ sư người Thụy Sỹ này, cứ cho rằng tuổi của nhân loại là 600.000 năm. Hãy hình dung sự phát triển của nhân loại qua 600.000 năm ấy với một cuộc đua Marathon 60 cây số. Phần lớn chiều dài của cuộc đua, đoàn vận động viên chạy qua những con đường cực kỳ khó khăn, những cánh rừng nguyên thủy mà không ai biết gì về nó cả.
Phải đến những cây số cuối, cùng với các bức họa trong các hang động là vết tích của một nền văn minh cổ sơ. Đến cây số 59 mới xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu của nghề nông. 200 mét trước khi đến đích, con đường được lát đá chạy qua các pháo đài Lã Mã; những đô thị trung đại bao quanh 100 mét cuối cùng của cuộc đua. Còn 50 mét nữa, có một người đứng đó theo dõi đoàn vận động viên với đôi mắt thông minh và hiểu biết - Đó là Leonardo de Vinci. 10 mét nữa con đường vẫn còn được chiếu sang bằng những bó đuốc và các ngọn đèn con le lói.
Thế nhưng, khi băng quá 5 mét cuối cùng thì xảy ra một hiện tượng kỳ lạ đến sửng sốt: ánh sáng chan hòa con đường đêm, xe không có súc vật kéo lao nhanh trên đường, máy bay gầm vang trên bầu trời và người chiến thắng bị lóa mắt bới ánh sáng của máy ảnh kỹ thuật số và máy quay vô tuyến truyền hình”.
Theo ông Trương Đình Tuyển, vấn đề quan trọng để Việt Nam tận dụng được cơ hội, vượt thách thức nhằm thay đổi thực trạng là lựa chọn đúng các lĩnh vực có lợi thế so sánh và tác động lan tỏa cao để định hướng phân bổ nguồn lực.
Ông Trương Đình Tuyển nhận định, khoảng 100 năm lại đây, các cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện ngày càng nhanh, nhịp độ ngày càng mạnh làm thay đổi diện mạo thế giới chúng ta đang sống.
“Ngày nay, loài người đang chuyển từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ cao do CNTT dẫn dắt, từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ, từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực. Và, cùng với những tập đoàn kinh tế lớn, siêu quốc gia là xu thế cá thể hóa doanh nghiệp và sự xuất hiện nền kinh tế chia sẻ. Chưa bao giờ, các khái niệm: “kết nối”, “công dân toàn cầu”, “quản trị thông minh”, “thành phố thông minh” lại xuất hiện ngày càng nhiều trong ngôn từ của đời sống hiện thực!”, ông Tuyển chia sẻ.
Ông Tuyển cũng cho biết, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội phát triển mà các cuộc cách mạng công nghệ trước đây đã tạo ra cho các quốc gia, dân tộc: “Việt Nam chẳng những chưa sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn mà còn tụt hậu so với hầu hết các nước trong ASEAN. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất hiện hữu”.
Giờ đây, làn sóng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của các loại công nghệ cao, trong đó đặc biệt là CNTT với công nghệ in 3D, kho dữ liệu và sự tích hợp của chúng, tạo ra trí tuệ nhân tạo và những sản phẩm có tính năng vượt trội. Trên tất cả là IoT (Internet vạn vật).
Theo ông Tuyển, làn sóng này sẽ làm thay đổi thế giới từ sản xuất đến các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội còn sâu sắc hơn mà chúng ta chưa thể hình dung hết được. Ở đây, một lần nữa khẳng định điều mà Karl Marx đã nói cách đây gần 200 năm rằng: Cái phân biệt thời đại kinh tế này với thời đại kinh tế khác không phải ở chỗ người ta sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ người ta sản xuất bằng cách nào. Và, rằng, đại công nghiệp sẽ phá vỡ các quan hệ cổ truyền.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định, làn sóng công nghiệp lần thứ tư mang đến cho mọi quốc gia trong đó có Việt Nam những cơ hội to lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức nặng nề. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội cuộc cách mạng lần này tạo ra hay lại tiếp tục bị bỏ lỡ và tụt hậu xa hơn? Làm thế nào để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tiến cùng thời đại là bài toán lớn đang đặt ra cho dân tộc Việt Nam chúng ta.
Sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của khoa học-công nghệ dẫn đến quá trình công nghiệp hóa được rút ngắn. Một nước đi sau, một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn có thể đuổi kịp, hơn thế, có thể vượt lên nước, doanh nghiệp đã có trình độ phát triển cao hơn nếu biết nắm lấy thời cơ và có chiến lược phát triển đúng đắn.
“Giờ đây, quy mô không bằng tốc độ và tư duy mạnh hơn kinh nghiệm đang trở thành quy luật có tính phổ quát trong thế giới hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, lại đang trong thời kỳ “dân số vàng”, có lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi, có năng khiếu về tư duy toán học, được nhiều nước thừa nhận. Đây chính là những cơ hội to lớn đối với dân tộc Việt Nam”, ông Tuyển cho hay.
Tuy nhiên, trong tham luận của mình, vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ rõ, thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình: Vượt qua sự bảo thủ trong tư duy phát triển, tâm lý tự hài lòng của người tiểu nông, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; vượt qua toan tính nhiệm kỳ và chủ nghĩa thành tích, tình trạng nói không đi đôi với làm; và vượt qua tư tưởng muốn làm đủ thứ dẫn đến phân tán nguồn lực.
Ông Tuyển khẳng định: cần phải thay đổi thực trạng này. Chúng ta có có khát vọng, có khả năng và cơ hội phát triển. Vấn đề là lựa chọn đúng các lĩnh vực có lợi thế so sánh và tác động lan tỏa cao để định hướng phân bổ nguồn lực. Nhiều nghiên cứu chỉ rà rằng, Việt Nam có lợi thế để phát triển nông nghiệp, du lịch và CNTT.
Trong đó, theo ông Tuyển, CNTT với khả năng số hóa, tích hợp, kết nối, có tác động lan tỏa cao, đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ cao đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. “Đương nhiên, để phát triển CNTT, chúng ta phải giải quyết một loạt vấn đề từ hạ tầng, chuẩn hóa dữ liệu, tích hợp hệ thống, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh mạng... và xây dựng những mô hình ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất và quản lý”, ông Tuyển cho biết.