Ông trùm dàn xếp tỷ số: Không khó để thuyết phục các đội bóng châu Á dự King's Cup làm bậy
"Có rất nhiều cách thức, chiêu trò và bẫy ngầm để tiếp cận những người liên quan đến trận đấu. World Cup chúng tôi còn can thiệp được thì King’s Cup đã là gì"
Ông trùm thế giới kể về dàn xếp tỷ số ở Việt Nam
Trong cuốn sách "Kelong King - lời sám hối của ông trùm bán độ" xuất bản năm 2014, ông trùm dàn xếp tỷ số một thời - Wilson Raj Perumal tiết lộ nhiều giải đấu ở châu Á bị các ông trùm thao túng.
Wilson Raj Perumal cũng kể về một đường dây tổ chức dàn xếp, bán độ tại Việt Nam: "Tôi có quen với một đường dây chuyên tổ chức dàn xếp, bán độ của Việt Nam, khi tôi gặp họ ở Merdeka Cup năm 2008".
Wilson là tay bạc bịp khét tiếng, đủ đẳng cấp được giới kỳ bẽo Malaysia gọi là Kelong (ông trùm) và từng tham gia dàn xếp các trận đấu ở cấp độ World Cup. Đường dây của Wilson hoạt động rất kín và có tổ chức tới mức bản thân Wilson cũng không biết mặt các Kelong cấp trên.
Wilson cho biết thêm: "Tại Merdeka Cup tôi đã gặp thanh niên tên Trung ngồi trên sân, quay phim trận đấu có sự tham dự của U22 Việt Nam. Tôi chẳng hiểu cậu ta quay làm quái gì và sau thì tôi biết cậu ta là một mắt xích của dàn xếp".
"Trước khi rời Malaydia, Trung có xin số điện thoại và muốn hợp tác với chúng tôi. Khi tôi tới Hà Nội, tôi đã gọi cho Trung và chúng tôi hẹn sẽ gặp với ông chủ của Trung tại khách sạn".
"Ông chủ mà Trung giới thiệu cũng là chú của cậu ta, tên là Nguyen. Nguyen cầm đầu một đường dây dàn xếp rất lớn, chuyên tham gia các trận đấu ở giải VĐQG Việt Nam. Chúng tôi sau đó lại hẹn gặp nhau ở Singapore để bàn việc làm ăn".
King’s Cup - miếng bánh béo bở của bạc bịp
Bóng đá Thái Lan chưa ghi nhận trường hợp nào mà thành viên đội tuyển của họ bán độ tại King’s Cup. Tuy nhiên, giải đấu có truyền thống lâu đời của xứ Chùa vàng vẫn không thể tránh được vòi bạch tuộc của thế giới bạc bịp.
Điển hình nhất là vào năm 2009, tháng Một năm ấy, Wilson làm một chuyến nghỉ mát tới Bangkok. Nhưng công việc chính của tay Kelong này là giới thiệu đồng bọn Dan trong đường dây "giao lưu" với các cầu thủ Lebanon.
Một thỏa thuận được đưa ra, Lebanon phải thua cách biệt tối thiểu. Kết quả là, ở trận ra quân họ thua chủ nhà Thái Lan 1-2. Ở trận tranh hạng Ba, họ thua tiếp C.H.D.C.N.D Triều Tiên 0-1.
Năm ấy Việt Nam không được mời tham dự King’s Cup nhưng Wilson vẫn nhận ra "những người bạn Hà Nội" trong đường dây của Nguyen xuất hiện trên các khán đài để… cổ vũ cho các đội bạn, thậm chí còn cẩn thận ghi chép, quay phim và không ngừng thông báo với ai đó qua điện thoại.
Wilson khẳng định: "Không khó để thuyết phục các đội bóng, nhất là các đội bóng châu Á tham dự những giải đấu King’s Cup. Bởi lẽ, giá trị giải thưởng của giải đấu rất nhỏ, đáng để… hợp tác làm ăn".
Thái Lan tuyên bố "bắn không trượt phát nào" trò bịp của kỳ bẽo
King’s Cup đã có lịch sử 51 năm, trải qua 46 kỳ tổ chức. Đã có những vị khách lớn tham dự như Nhật Bản, Hàn Quốc, đội trẻ Brazil, Đan Mạch, Phần Lan, Slovakia, Thụy Điển…
Nhưng có thể khẳng định, vì đoàn quân của Park Hang-seo đang gây tiếng vang ở châu lục trong suốt hơn 1 năm qua, vì tính chất của một trận cầu "định danh nhà Vua khu vực" giữa Thái Lan và Việt Nam, kỳ King’s Cup 47 là đáng xem nhất trong lịch sử giải đấu, nếu xét về tiêu chí sức hút với cổ động viên Thái Lan và Việt Nam.
Và theo quy luật tất yếu, giới kỳ bẽo sẽ không bỏ qua giải đấu có sức hút lớn như vậy. Liệu các Kelong trong đường dây cũ của Wilson có tới Thái Lan? Hay những "cổ động viên đặc biệt" như Trung và Nguyen có tới xứ Chùa vàng… làm ăn?
Ông trùm dàn xếp King’s Cup năm 2009 tiết lộ: "Có rất nhiều cách thức, chiêu trò và bẫy ngầm để tiếp cận những người liên quan đến trận đấu. World Cup chúng tôi còn can thiệp được thì King’s Cup đã là gì".
Tất nhiên, ban tổ chức King’s Cup đã xem việc chống gian lận, dàn xếp thuộc ưu tiên hàng đầu. Và người Thái Lan tự tin khẳng định, họ đã có nhiều kinh nghiệm và các đối tác cho cuộc chiến được xác định là "không dễ dàng này".
Ông Adisak Benjasiriwan - Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) cho biết: "Tôi không biết phía Việt Nam thế nào nhưng tôi không tin bất cứ thành viên nào của đội tuyển Thái Lan… không muốn thắng, không muốn vô địch. Bất cứ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất, chúng tôi sẽ lập tức làm rõ với từng thành viên cầu thủ và ban huấn luyện".
"Tại những giải đấu như King’s Cup, Ban tổ chức đều có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với những lực lượng đặc biệt, trong đó có Sportrada. Bất cứ dấu hiệu gian lận nào, từ Việt Nam hay các tổ chức nước ngoài khác, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời".
Dàn xếp tỷ số cũng là vấn nạn nhức nhối của bóng đá Thái Lan. Cuối năm 2017, qua hợp tác với Sportradar, cảnh sát từng bắt giữ 15 cầu thủ, trọng tài và những người có liên quan khác tham gia dàn xếp trận đấu ở Thai League.
Hy vọng với sự nỗ lực của phía Thái Lan, King’s Cup sẽ là giải đấu hấp dẫn, đáng xem với những trận cầu chất lượng về chuyên môn và không có những chiếc vòi bạch tuộc từ những đường dây dàn xếp bất hợp pháp…
SEA Games 2003, Quốc Vượng cầm đầu 6 cầu thủ khác của U23 Việt Nam móc nối với những ôm trùm cá độ trong nước để dàn xếp trận đấu với Myanmar, khiến sự nghiệp của họ phải rẽ tới… vành móng ngựa.
Năm 2014, bầu Trường thậm chí còn giải tán The Vissai Ninh Bình vì có tới 9 cầu thủ dàn xếp trong trận gặp Kelantan của Malaysia ở vòng bảng AFC Cup.
Năm 2005, bầu Đức cùng HAGL lại nhận điều tiếng "không quản lý được cầu thủ", sau vụ Lương Trung Tuấn và Nguyễn Việt Thắng bị kỷ luật vì bị cho là tiêu cực ở đấu trường Cúp C1 Đông Nam Á,
Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C02) phối hợp với các đơn vị như Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng Công an các đơn vị, địa phương đã phá đường dây đánh bạc bằng hình cá độ bóng đá qua mạng có sự liên kết của các ông trùm Việt Nam và nước ngoài.
Vụ này, tổng tiền giao dịch ước tính hơn 30.000 tỷ đồng, qua 4.000 đại lý.