"Ông trùm" cung cấp bao bì cho Co.op Mart, Aeon Mall, TGDĐ,... trăn trở: Không phải BĐS, sản xuất mới giúp mang thương hiệu ra nước ngoài
Theo vị doanh nhân, làm việc trong ngành sản xuất vất vả, tỷ lệ tai nạn lao động cao hơn, làm việc quanh năm 24/24, chứ không như ngân hàng, dịch vụ, bất động sản. Dẫu vậy, một nền kinh tế có những doanh nghiệp sản xuất từ 50 năm tuổi trở lên mới là bền vững.
Nam Thái Sơn không phải cái tên xuất hiện thường xuyên trên truyền thông, báo chí nhưng lại là đối tác quen thuộc của hầu hết các chuỗi bán lẻ, chuỗi F&B lớn trên thị trường hiện nay, từ Co.op Mart, Aeon Mall, Go BigC, đến Thế Giới Di Động, chuỗi trà & cà phê Phúc Long, The Coffee House, hay hệ thống nhà hàng Red Sun, Lotteria,… Đây là một trong số ít những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường sản xuất và phân phối sản phẩm bao bì nhựa công nghiệp, hàng tiêu dùng và tự hủy sinh học tại Việt Nam.
Ông Trần Việt Anh là nhà sáng lập, cũng là vị thuyền trưởng dẫn dắt Nam Thái Sơn từ năm 1989 đến nay. Xuất thân từ kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, gia đình lại có truyền thống làm Nhà nước nên ban đầu, ông cũng được phân công về công tác tại một đơn vị của Nhà nước – Bộ Lương thực.
“Tôi khi ấy trở thành người Nhà nước, một kỹ sư trẻ rất ổn định, tương đối có triển vọng thì lại xin nghỉ. Việc tôi rời Nhà nước là quyết định phức tạp và khó khăn. Thời điểm đó, tôi tính toán với thu nhập của kỹ sư quản đốc năm 1987 thì cần 14 năm để mua chiếc xe Honda. Nhưng khi tôi đi ra ngoài thì một năm sau tôi mua được rồi”, ông Trần Việt Anh kể trong 5W1H Podcast.
Dẫu vậy, động lực lớn nhất khiến ông Trần Việt Anh rời cơ quan Nhà nước là bởi nhìn thấy nhu cầu rất lớn trong ngành nhựa. Thời bao cấp, khi đất nước còn bị cấm vận, nguyên liệu chưa thể nhập từ nước ngoài thì hầu hết nguyên liệu lấy từ phế liệu, ve chai.
“Bao nhiêu sản phẩm được làm ra từ ve chai đều tiêu thụ hết. Mình lại còn là kỹ sư cơ khí, có thể tạo ra các thiết bị sản xuất. Quyết định bước chân vào ngành nhựa cũng là sự thôi thúc bản thân phải làm điều gì đó cho riêng mình trước khi mình lấy vợ, cũng như sử dụng kiến thức của mình vào thực tế”, ông nói.
Năm 2002, Nam Thái Sơn bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài. Khi ấy, Việt Nam vẫn chưa ban hành thuế môi trường, trong khi các quốc gia đang châu Âu, Mỹ bắt đầu hạn chế sử dụng túi nilon dùng một lần nhưng chỉ có 3-4 nước có nguyên liệu để sản xuất. Công nghệ đánh giá chất lượng sản phẩm thậm chí còn hiếm hơn, chi phí 1 tỷ đồng cho mỗi lần đem đi kiểm nghiệm. Điều này thôi thúc ông Việt Anh, với suy nghĩ nếu làm được sớm sẽ trở thanh người tiên phong. Năm 2008, sản phẩm bao bì sinh học đầu tiên của Nam Thái Sơn được ra mắt.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu, bao bì sinh học khó cạnh tranh trên thị trường do người tiêu dùng không phân biệt được với túi nilon dùng một lần. Co.op mart là đơn vị đầu tiên của Nhà nước yêu cầu trong hệ thống của họ phải dùng túi tự hủy. Khi đó Nam Thái Sơn và một vài công ty đáp ứng được ngay. Về sau, các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng yêu cầu tương tự, bao gồm Aeon Mall, Family Mart, Circle K,… Tên tuổi Nam Thái Sơn cũng nhờ đó mà được các doanh nghiệp truyền tai nhau. Danh sách khách hàng của Nam Thái Sơn dày đặc những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, từ F&B, hệ thống bán lẻ đến ngân hàng, thời trang, y tế.
Cố gắng có những doanh nghiệp sản xuất trên 50 năm tuổi
Từ 30 năm trước, ông Trần Việt Anh đã cương quyết làm sản xuất, coi sản xuất là cốt lõi, có tiền chỉ đầu tư mở nhà máy. Nhưng sau nhiều năm nhìn lại, nhà sáng lập Nam Thái Sơn thừa nhận sản xuất vất vả, và không giàu nhanh như một số ngành khác.
Ông Trần Việt Anh tự tổng hợp, trong 5 năm gần đây, có rất ít startup trong ngành sản xuất, chỉ chưa đến 1%. Lý do bởi làm sản xuất vất vả, tỷ lệ tai nạn lao động cao hơn, làm việc quanh năm 24/24 (giữ cho máy móc chạy) chứ không như ngân hàng, dịch vụ, bất động sản. Chủ tịch Nam Thái Sơn cho rằng các ngành sản xuất cần được động viên nhiều hơn trong quá trình phát triển.
Nói đi cũng phải nói lại, trên thực tế, hầu hết các FDI vào Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, không mấy ai làm bất động sản hay mở nhà hàng, dịch vụ. Các tập đoàn lớn, FDI cũng chiếm lĩnh thị trường bằng sản xuất.
“Sản xuất là đam mê của thế hệ trước. Thế hệ sau là kế thừa. Phải làm sao để mọi người hiểu rằng công nghiệp, nông nghiệp cũng rất cần thiết. Thương mại dịch vụ là quan trọng nhưng chúng ta phải có 3 cái chân. Xây dựng thương hiệu ra nước ngoài cũng là sản phẩm sản xuất, ít khi bạn mang một dự án bất động sản ở nước ngoài để người ta nhắc tên.
Tôi từng hỏi một Tổng giám đốc công ty du lịch khá lớn, rằng "Khi ông tiếp khách kinh doanh ở nước ngoài đến làm ăn, 100 người tới, có bao nhiêu người đến tìm mua bất động sản, làm ngân hàng?". Ông ấy nói rằng, 70-80% người đến khách sạn xong là đi thẳng xuống các nhà máy sản xuất để đặt hàng, sau đó mới qua ngân hàng, hoặc đi thẳng ra cảng để vận chuyển hàng hóa. Dẫu vậy, ở Việt Nam, sản xuất lúc nào cũng là thứ yếu, sau cùng ”, Chủ tịch Nam Thái Sơn bày tỏ.
Ông Trần Việt Anh vẫn kiên định ủng hộ với sản xuất, khuyến khích các kỹ sư mới ra trường đi vào ngành sản xuất, nhưng theo hướng công nghệ cao hơn.
“Tôi gặp nhiều nhà mua hàng nước ngoài, họ hỏi “Sao tôi qua Việt Nam làm ăn rất nhiều mà chưa bao giờ được mời tham dự lễ kỷ niệm 40 năm của doanh nghiệp nào?”. Làm sao cố gắng có những doanh nghiệp sản xuất như ở Nhật, Đức. Lúc nào đó chúng ta sẽ có những doanh nghiệp sản xuất từ 50 năm tuổi trở lên mới là bền vững".