Ông Trịnh Văn Quyết: Từ một cử nhân Luật, tôi xây dựng nên tập đoàn FLC thần tốc nhất Việt Nam, xây công trình 10.000 tỷ mất có 1 năm, kể cả khâu giải phóng mặt bằng!

29/12/2017 15:01 PM | Kinh doanh

Lấy ví dụ về tấm gương khi làm trái ngành trái nghề, ông Quyết nói về chính mình, với câu chuyện từ một cử nhân Luật mở công ty Luật đã chuyển hướng thành công sang bất động sản và xây dựng. Câu chuyện sự nghiệp chưa từng có trên mặt báo của Chủ tịch FLC đã được chính ông nói ra tại buổi giao lưu tại Đại học Xây dựng

Mới đây, trong một sự kiện tổ chức tại trường Đại học Xây dựng, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà đã xuất hiện để giao lưu với sinh viên. Là tâm điểm quan tâm của giới sinh viên ngành xây dựng, ông Quyết đã chia sẻ những câu chuyện về cá nhân mà trước đó chưa hề chia sẻ trên mặt báo.

Ông Trịnh Văn Quyết: Từ một cử nhân Luật, tôi xây dựng nên tập đoàn FLC thần tốc nhất Việt Nam, xây công trình 10.000 tỷ mất có 1 năm, kể cả khâu giải phóng mặt bằng! - Ảnh 1.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC

Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên năm nhất về chuyện ra trường làm trái ngành trái nghề, ông Quyết đã lấy chính bản thân mình ra như một ví dụ về một người làm trái ngành trái nghề, nhưng rồi đã đạt được những thành công trong sự nghiệp.

Cử nhân ngành luật Trịnh Văn Quyết: 'Giữa 2.000 sinh viên ra trường thời buổi khó kiếm việc, tôi đã vừa có việc, vừa kinh doanh; rồi thành lập công ty luật'

"Đây là một câu hỏi rất thiết thực. Ở Việt Nam, các sinh viên mới ra trường thường làm trái ngành, trái nghề. Giống như bạn đã tìm hiểu, tôi tốt nghiệp Đại học Luật và cũng đang đi làm trái ngành trái nghề được đào tạo. Tôi có thể kể lại câu chuyện của tôi để bạn thấy rằng bạn có làm trái ngành hay không trái ngành thì điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta có nhiệt huyết, có quyết tâm từ việc mình sẽ định làm", ông Trịnh Văn Quyết mở đầu.

Ông Quyết tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội cách đây 20 năm. Giống như nhiều người thuộc thế hệ sinh viên lúc đó, sự nghiệp ông Quyết lựa chọn ban đầu cũng chính là ngành mình được đào tạo. "Tôi thì tốt nghiệp Đại học Luật và ra trường ban đầu tôi hành nghề Luật sư, rất đúng nghề được đào tạo" - Chủ tịch FLC nói.

Thời điểm những năm 1990 - 2000, lúc mà theo ông Quyết là kiếm việc rất khó khăn, ông Quyết ra trường, thị trường nhân sự đón 2.000 "ông bà cử" bắt đầu đi kiếm việc, con số mà theo Chủ tịch FLC là "đông nhất trong nhiều thập kỷ". Đồng thời, ông Quyết cũng bị 'trượt' con đường sự nghiệp phổ biến thời điểm đó là vào Nhà nước làm công chức.

"Thời điểm cách đây 20 năm, sinh viên khi ra trường là phải vào cơ quan Nhà nước, tức là làm công chức, viên chức. Tôi đã không xin được việc trong cơ quan Nhà nước", ông Quyếtt kể lại.

Đối với riêng nghề Luật sư, điều kiện để một cử nhân Luật trở thành một Luật sư thực thụ cũng là vô cùng khó khăn. "Muốn trở thành Luật sư thì phải có thời gian, thâm niên tập sự, công tác tại các công ty, các hãng Luật. Thế nhưng cũng không phải là dễ để tiếp cận những cơ hội như thế này", Chủ tịch FLC hồi tưởng lại. 

Con đường tìm việc khó khăn là vậy nhưng theo ông Quyết, cá nhân ông đã có những bước đầu sự nghiệp thuận lợi hơn nhiều so với những người bạn cùng trang lứa. 

Không chỉ tìm được một nơi để thực tập nghề Luật của mình, ông Quyết thậm chí còn duy trì được song song một công việc kinh doanh, buôn bán để tích lũy vốn. Vị này nói: "Với riêng tôi, sau khi đã tìm được một nơi để thực tập, tôi vẫn tự duy trì việc kinh doanh, buôn bán để duy trì cuộc sống của mình và ấp ủ những tương lai dự định mà mình đã định".

Sau một thời gian làm việc, với số vốn tích lũy được, ông Quyết đứng ra thành lập Công ty Luật TNHH SMiC và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. 

Nhắc lại về thời điểm đầu tiên chuyển từ 'làm thuê' sang 'làm chủ' này, ông Quyết nhấn mạnh tới những đức tính quyết tâm, sự ý chí. 

"Đây là thời điểm cũng có đầy khó khăn nhưng với sự quyết tâm, ý chí như tôi nói ban đầu, cùng với sự tâm huyết với công việc, công ty Luật đã thành công và trở thành công ty Luật duy nhất có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ", ông Quyết tự hào nói.

Bước ngoặt làm bất động sản: 'FLC là tập đoàn xây dựng thần tốc nhất Việt Nam, xây công trình 10.000 tỷ mất có 1 năm, kể cả giải phóng mặt bằng!'

Nếu con đường sự nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết chỉ dừng lại ở chức danh Luật sư và công ty SMiC, có lẽ câu hỏi của bạn sinh viên năm nhất sẽ khó lòng được trả lời. 

 "Sau thành công ở công ty luật thì tôi dấn thân vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản", ông Quyết chia sẻ tiếp.

Tham gia trong lĩnh vực mới được 7 năm (FLC thành lập vào năm 2010), giờ đây 2 công ty do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu (Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros) đều đã niêm yết và đang là những mã chứng khoán "nổi đình nổi đám" nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. FLC và ROS là 2 mã trong thời gian qua đã có rất nhiều phiên liên tiếp tăng kịch trần khiến cả thị trường bất ngờ.

Ông Trịnh Văn Quyết: Từ một cử nhân Luật, tôi xây dựng nên tập đoàn FLC thần tốc nhất Việt Nam, xây công trình 10.000 tỷ mất có 1 năm, kể cả khâu giải phóng mặt bằng! - Ảnh 2.

Cổ phiếu ROS là một 'hiện tượng' của chứng khoán Việt Nam năm nay khi có một chuỗi dài các phiên tăng điểm

Trong sự tự hào, ông Trịnh Văn Quyết nói về FLC: "Hiện nay, FLC là một trong số những công ty bất động sản nghỉ dưỡng dẫn đầu Việt Nam và cũng là nhà xây dựng, gọi đúng như giới truyền thông, là công ty có tốc độ xây dựng thần tốc nhất Việt Nam, không có một công ty xây dựng nào có thể đáp ứng được tiến độ một cách chóng mặt như của FLC Faros.

Chúng tôi xây dựng một công trình có quy mô khoảng gần 10.000 tỷ đồng chỉ trong dưới 1 năm là xong hết, từ cả giải phóng mặt bằng cho đến khâu xây dựng. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng với những nhiệt huyết như vậy, tôi đã có thành công như ngày hôm nay,".

Quay trở lại với câu hỏi của bạn sinh viên năm nhất, ông Quyết cho rằng "dù bạn được đào tạo trong môi trường giáo dục của Việt Nam hay nước ngoài thì kể cả lúc đang học hay khi ra trường, đều phải 'máu', có sự tâm huyết ở trong người. Từ đó, cơ hội thành công đến cũng cao không khác gì làm đúng ngành đúng nghề". 

"Như thế, khi ra trường, bạn có trở thành một người nông dân thì bạn cũng có một đường cày đẹp hơn những người chưa được đào tạo. Ra trường làm trái ngành trái nghề không phải là vấn đề gì cả, vấn đề là mình đủ quyết tâm đến đâu, tâm huyết đến đâu trong công việc, dù công việc đó là bất cứ công việc gì", Chủ tịch tập đoàn FLC kết luận.

Quảng Đức

Cùng chuyên mục
XEM