Ông Trần Bắc Hà bị bắt: Bài học “xương máu” cho các lãnh đạo ngân hàng
Việc bắt và khởi tố ông Trần Bắc Hà là bài học đối với các thế hệ lãnh đạo ngân hàng hiện nay để không đi vào “vết xe đổ”.
Có biểu hiện lợi ích nhóm
Với sự việc ông Trần Bắc Hà - Cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV, bị bắt, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng khi thực thi pháp luật, vì ông Hà vốn là người có thế lực rất lớn và được cho là có sự “chống lưng” của một số đối tượng khác. “Hy vọng luật pháp và công lý sẽ được áp dụng một cách công minh với ông Trần Bắc Hà ”, ông Doanh nói.
TS. Lê Đăng Doanh phân tích, việc thực thi nghiêm túc pháp luật sẽ giúp cho việc quản lý ngân hàng, quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp Nhà nước được nghiêm túc và đem lại các chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ rút kinh nghiệm trong việc quản lý ngân hàng nói chung, ngân hàng BIDV nói riêng có hiệu quả theo đúng các quy định của pháp luật.
Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa công bố cùng việc thực thi lệnh bắt ông Trần Bắc Hà, TS. Lê Đăng Doanh nhận định, những hành vi của ông Hà là độc đoán, chuyên quyền, không tham khảo ý kiến của các đồng sự, do đó các quyết định của ông Hà đã để lại hậu quả rất tiêu cực cho hoạt động của Ngân hàng và phản ánh tình trạng lợi ích nhóm vẫn tồn tại.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc bắt và khởi tố ông Trần Bắc Hà sẽ là bài học đối với các thế hệ lãnh đạo ngân hàng hiện nay, để họ tránh để xảy ra tình trạng tương tự và không đi vào “vết xe đổ” của ông Trần Bắc Hà.
Ông Trần Bắc Hà.
Lỗ hổng không nằm ở pháp luật mà ở thực thi
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, đánh giá: Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay khá chặt chẽ. Cụ thể, trong trường hợp của ông Trần Bắc Hà, quy định của luật pháp không phải vì có sơ hở, “lách luật” dẫn đến vi phạm, mà vấn đề là ở chỗ chấp hành, thực thi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý.
“Việc vi phạm không phải chỉ vụ này mà ở cả những vụ khác, không chỉ 1 ngân hàng mà nhiều ngân hàng, chỉ khi không thể khắc phục được hậu quả thì đưa ra xử lý, lúc đó thì hậu quả đã rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, lỗ hổng không nằm ở pháp luật mà ở chỗ thực thi”, Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, giám sát cũng là một nguyên nhân lớn. Nếu cá nhân cố tình vi phạm mà thanh tra giám sát không phát hiện ra sẽ là câu chuyện nghiêm trọng, còn ở đây lại là có biết, có xử lý, có phòng ngừa nhưng lúc nào đưa ra không có sự thống nhất, rõ ràng.
Theo Luật sư Đức, đôi khi có sự không rõ ràng giữa vô ý và cố ý trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, trong lĩnh vực kinh doanh nói chung. Cụ thể, nếu như người đứng đầu quyết định đầu tư sai, rủi ro thị trường hay trường hợp bất khả kháng… nhưng họ vô tư, không có sự tư lợi, cố ý, tham nhũng thì phải tha, nhưng có trường hợp vẫn bị đưa ra xử lý. Ngược lại, có những trường hợp cố tình vi phạm và khi có hậu quả nghiêm trọng, đến lúc không thể giấu giếm, bưng bít thì mới đưa ra xử lý. “Điều đó dẫn tới tình trạng không nghiêm, không có tác dụng răn đe, cảnh báo”, ông Đức cho hay.
Ngân hàng là ngành liên quan tới tiền bạc, trách nhiệm nhiều nên việc sai sót hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được ngăn chặn kịp thời. Theo Luật sư Đức, trước đây tình trạng vi phạm quá phổ biến, ngân hàng nào cũng xảy ra, chỉ khác ở mức độ vi phạm. Do đó, điều quan trọng nhất là cần có các biện pháp giám sát, quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm thì mới có thể hạn chế những sai phạm trong thời gian tới.
Mọi sai phạm đều phải trả giá
Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong, sự kiện ông Trần Bắc Hà bị bắt sau một thời gian dài lẩn trốn đã khiến dư luận cả nước rất quan tâm. Điều này cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như của các cơ quan chuyên ngành trong vấn đề về truy bắt những người có vi phạm gây hại cho đất nước nói chung và cho ngành ngân hàng nói riêng.
Ông Phong lưu ý, sau sự việc này, những người đương chức nên lấy đó làm gương để hiểu rằng mọi sai phạm dù sớm hay muộn cũng sẽ phải trả giá. Công luận rất bức xúc và đang theo dõi xem tới đây cơ quan chức năng sẽ xử lý những hành vi phạm tội của ông Hà như thế nào, có thích đáng hay không.
Theo chuyên gia kinh tế này, việc xử ông Trần Bắc Hà có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh cũng như ý nghĩa thiết thực rất lớn trong hoạt động của đời sống ngân hàng. Ngoài ra, giúp cho cộng đồng quốc tế tin tưởng hơn vào quyết tâm chống tham nhũng, quyết tâm làm lành mạnh hóa các hoạt động kinh tế xã hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và mở cửa.
Ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can có liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu từ và phát triển Việt Nam (BIDV).
Trước đó, tại kỳ họp thứ 27, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận.
UBKTTW thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng./.