Ông Nguyễn Trần Nam: Không có bong bóng bất động sản trong vài năm tới
Ngân hàng giảm tín dụng vào thị trường BĐS. Trong khi, vốn chủ yếu của thị trường BĐS là vốn vay từ ngân hàng, vốn huy động từ khách hàng, vốn từ các quỹ không có và vốn tự có rất ít
Theo đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – ông Nguyễn Trần Nam thì thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay và vài năm nữa cũng không xảy ra tình trạng bong bóng.
Bởi theo ông, vấn đề tín dụng bị “siết” hơn khi Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm dòng vốn tín dụng vào thị trường BĐS. Trong khi, vốn chủ yếu của thị trường BĐS là vốn vay từ ngân hàng, vốn huy động từ khách hàng, vốn từ các quỹ không có và vốn tự có rất ít.
“Chính phủ mới chỉ “rà phanh” mà không “đạp phanh” như hồi đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước dự thảo Thông tư 16 sửa đổi giảm dòng tín dụng vào thị trường BĐS bằng 2 quy định mới: Giảm tỷ lệ phần trăm sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, trước đây là 60% thì nay là 40%. Thứ hai, tăng tỷ lệ dự trữ an toàn cho vay BĐS từ 150% lên 250%. Sau khi Hiệp hội có kiến nghị thì đã giãn thực hiện trong 2 năm”, ông Nam nói.
Thị trường bất động sản có xu hướng tăng chậm lại....
Cũng theo ông Nam, nếu như năm 2016 trở về trước, tỷ lệ tăng trưởng vốn tín dụng trung bình là 12% thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong thị trường BĐS là 18%, cao gấp rưỡi. Tuy nhiên, sang năm 2017, con số này đã đảo ngược, tức tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình là 17-18% và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong BĐS là 12%.
Đến năm 2018, tỷ lệ này còn tiếp tục thấp hơn, ông Nam dự đoán khả năng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình chỉ đạt 15-16% và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong BĐS chỉ khoảng 6-7%. Tuy nhiên con số tuyệt đối vẫn tăng, trước đây tổng tín dụng chỉ khoảng 2,5 triệu tỷ thì nay khoảng gần 5 triệu tỷ đồng, dòng tiền thực chất vẫn vào BĐS nhưng có giảm nhiều.
Thị trường vẫn có cầu, theo thống kê của Hội Môi giới trong 9 tháng đầu năm 2018, lượng giao dịch trên thị trường sơ cấp đã vượt con số mua bán cả năm của mấy năm trước đây. Cụ thể, năm nay lượng giao dịch dự báo có gần 60.000 căn hộ, biệt thự và liền kề được giao dịch.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, thị trường BĐS có xu hướng tăng chậm lại so với tăng trung bình, mặc dù nhu cầu có, sức thanh toán có nhưng do ngân hàng có sự cơ cấu lại. Dư nợ BĐS chỉ được tính với các khoản cho vay đối với doanh nghiệp BĐS, còn những khoản cho người dân vay mua nhà, sửa nhà thì được tính vào vay tiêu dùng nên số dư nợ BĐS có phần giảm.
“Thị trường BĐS vẫn giảm nhưng giảm ở mức không gây thiếu hàng. Đây là lập lại trật tự, số “tay chơi” ít đi, thị trường sàng lọc những chủ đầu tư yếu, dự án không tốt và thị trường còn lại những chủ đầu tư lớn, chuyên nghiệp…”, ông Nam nhận xét.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, số dự án ở các thành phố lớn ít đi do bên cạnh việc “siết” tín dụng thì quy trình, thủ tục cũng bị “siết” hơn.
“Hiện các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Kiên Giang, Phú Quốc, Bình Định…. đều đang bị thanh tra, kiểm tra nên bộ máy công chức, chính quyền cũng thận trọng hơn, phê duyệt dự án cũng cẩn thận hơn, thời gian kéo dài hơn… Do đó, số dự án để thoát qua các “khe cửa” để đi vào triển khai ít đi rất nhiều. Các doanh nghiệp lại “chạy” về các tỉnh lẻ như Hưng Yên, Yên Bái, Hải Dương, Phú Yên, Bình Thuận…”, ông Nam phân tích.
Ngoài ra, tình trạng mua bán doanh nghiệp, mua bán dự án vẫn đang xảy ra, theo ông Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đổ xô vào Việt Nam mua dự án đang có trào lưu lớn. Bản thân Hiệp hội cùng nhận được nhiều lời đề nghị kết nối, giới thiệu để mua lại dự án trong nước.