Ông Nguyễn Đăng Thanh về giữ chức Tổng Giám đốc TTC Land – châu về hợp phố

14/05/2019 18:28 PM | Kinh doanh

Với những người am hiểu tình hình hoạt động kinh doanh của Sacombank và Thành Thành Công, thì chuyện ông Nguyễn Đăng Thanh về TTC Land chính là "châu về hợp phố".

Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Thành Thành Công (TTC) là một doanh nhân được giới kinh doanh miền Nam nể trọng, không chỉ vì ông đã gầy dựng nên một đế chế đáng ngưỡng mộ như TTC, mà còn vì ông rất giỏi trong đào tạo lớp nhân sự kế cận.

Ví dụ, rất nhiều ‘hạt giống’ được ông quy hoạch để đào tạo cho lớp lãnh đạo kế cận thời còn tại vị tại Sacombank, đều đang giữ nhiều chức vụ cao trong ngành tài chính ngân hàng ở TP. HCM: bà Lương Thị Cẩm Tú – Chủ tịch HĐQT Eximbank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - CEO Sacombank, ông Trần Ngô Phúc Vũ – Phó Chủ tịch Nam Á Bank hay tân Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTC Land - Nguyễn Đăng Thanh.

Ông Thanh gia nhập Sacombank từ những năm 2000, sau khi kinh qua rất nhiều vị trí và chức vụ khác nhau, năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Sacombank, phụ trách mảng Khách hàng cá nhân và Trung tâm thẻ, sau này thêm mảng Khách hàng doanh nghiệp.

Những năm 2011-2012, khi ông Đặng Văn Thành rời Sacombank, ông Nguyễn Đăng Thanh cũng ra khỏi Sacombank, sau đó làm Phó Tổng Giám đốc Techombank và Tổng Giám đốc VietBank. Trước khi về TTC Land, ông Thanh đảm nhiệm vị trí CEO của CTCP Phát triển đô thị Đông Dương và CTCP Đầu tư phát triển Hoa Lâm.

Nếu nhìn vào chiến lược kinh doanh năm 2019 và trong tương lai gần của TTC Land, thật không có gì khó hiểu khi ông Đặng Văn Thành chọn ‘học trò cũ’ trong mảng ngân hàng, thay vì lôi kéo nhân tài trong mảng bất động sản.

Ông Nguyễn Đăng Thanh về giữ chức Tổng Giám đốc TTC Land – châu về hợp phố - Ảnh 1.

Phối cảnh Khu công nghiệp TTCIZ ở Tây Ninh.

Sau 15 năm hình thành và phát triển, về cơ bản, bộ máy vận hành kinh doanh của TTC Land đã ổn định, quỹ đất cũng hết sức dồi dào; nên nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tiếp theo đó chính là tinh gọn bộ máy, kiểm soát chi phí, chủ động vận hành cũng như tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai các dự án. Theo đó, với 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cũng như kinh qua rất nhiều chức vụ lãnh đạo ngân hàng khác nhau, TTC Land tin ông Thanh có thể làm tốt nhiệm vụ kể trên.

Doanh thu năm 2017 của TTC Land là 1.824 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 275 tỷ đồng; trong khi doanh thu năm 2018 là 3.040 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước, song lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 322 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Việc lợi nhuận không tăng cùng mức độ với doanh thu khiến TTC Land buộc phải nhìn lại khả năng vận hành của bộ máy nhân sự và khía cạnh kiểm soát chi phí.

Về vấn đề tài chính và nguồn vốn, TTC Land sẽ phải tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án xúc tiến đầu tư mới với quy mô lớn hơn và có chọn lọc; phát huy kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu để đa dạng nguồn vốn nhằm chuẩn bị kịp thời nguồn vốn cho các dự án mới; kiểm soát chặt chẽ chi phí, nợ đến hạn tại các ngân hàng cho các dự án đang triển khai.

Trong vài năm gần đây, ngoài huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu, nhiều ‘ông lớn’ bất động sản tại TP. HCM còn tranh thủ tìm vốn đầu tư từ nước ngoài thông qua hợp tác với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…; TTC Land chắc chắn cũng không thể ‘ngó lơ’ xu hướng này.

Và mặc dù đặt nhiều kỳ vọng vào ông Thanh, song TTC Land cũng cho thấy được sự cẩn trọng của mình, khi đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2019 gần bằng với năm ngoái.

Theo kế hoạch, doanh thủ dự kiến của TTC Land năm 2019 sẽ đạt gần 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 340 tỷ đồng.

Công ty có kế hoạch tung ra thị trường hơn 3.500 sản phẩm với 3 thương hiệu chủ lực: Charmington, Jamona và Carillon. Bên cạnh đó, TTC Land sẽ khai thác cho thuê 107ha bất động sản khu công nghiệp/nghỉ dưỡng cùng 3.300m2 sàn thương mại/văn phòng.

Với tổng quỹ đất hiện tại hơn 1.800 ha, TTC Land đủ tư liệu sản xuất để có thể hiện thực hóa chiến lược trong vòng 15 năm tiếp theo.

Trong đó, tại TP.HCM, TTC Land hiện đang sở hữu khoảng 226ha, chiếm 12,7% tổng quỹ đất; Tây Ninh (tập trung tại khu công nghiệp TTCIZ), Long An và Phú Quốc (tập trung ở dự án Vịnh Đầm), quỹ đất sẽ phát triển lần lượt chiếm 57,2%, 13,7%, và 16,2%.

TTC Land là một trong số ít công ty bất động sản trên thị trường có tới 5 loại hình sản phẩm chính của ngành bất động sản gồm: dân dụng, khu công nghiêp, kho bãi, nghỉ dưỡng và sàn thương mại/văn phòng.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM