Ông Lê Viết Hải dự báo thị trường năm 2023: Bất động sản du lịch “tạm dừng”, nhà ở thu nhập thấp phát triển
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đánh giá “sự đổ vỡ” của ngành du lịch vì Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản, đồng thời cho rằng các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Tôi đánh giá thị trường xây dựng và bất động sản trong năm 2023 sẽ phát triển ở các lĩnh vực sau đây. Thứ nhất là xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân", ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP. HCM (SACA), Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát biểu trong hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023” do Bộ Xây dựng tổ chức.
"Bên cạnh đó là những dự án nhà ở đô thị đang triển khai dở dang, và cũng có thể có những dự án mới, công trình công nghiệp đem lại nguồn việc rất lớn cho các doanh nghiệp xây dựng. Song song đó là những dự án đầu tư công, dự án hạ tầng", ông nói thêm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng mảng bất động sản du lịch sang năm 2023 có thể “sẽ tạm dừng” bởi đang có một lượng bất động sản du lịch thừa. Sau hơn 2 năm đại dịch và 1 năm chiến sự Nga - Ukraine, các tài sản về bất động sản du lịch này không thể đưa vào khai thác được.
"Tôi nghĩ nguyên nhân chính tác động đến thị trường bất động sản chính là từ ngành du lịch, mà ngành du lịch thì bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Đông Âu kéo dài".
"Không một doanh nghiệp bất động sản nào có thể gánh nổi thời gian như thế. Các khoản vay chỉ có thời hạn 3-5 năm, trong khi các dự án không khai thác do biến cố bất ngờ", ông Hải nêu quan điểm.
Theo báo cáo “Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2022” của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản các tỉnh ven biển như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu – vốn là các điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng đều đang gặp khó khăn.
So sánh số liệu quý IV/2022 với quý I/2022 cho thấy mức độ quan tâm và lượng tin đăng về các thị trường này đều giảm mạnh. Mức độ quan tâm giảm mạnh nhất diễn ra tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận, giảm tới 51%. Phân khúc đất nền tại những tỉnh này cũng bị suy giảm đáng kể về mức độ quan tâm.
Ông Hải nhận định rõ ràng các doanh nghiệp bất động sản đã không thể lường trước được những biến cố bất ngờ, nói thêm rằng sự điều chỉnh thị trường theo cơ chế tự động, tự nhiên cũng sẽ không giải quyết được vấn đề.
"Như vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp bất động sản đã từng làm ăn rất tốt, đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế quốc gia, đổi mới bộ mặt đô thị của Việt Nam. Sự giúp đỡ đó cũng sẽ giải quyết được vấn đề an sinh xã hội, vì rất nhiều người liên quan đến cả một hệ sinh thái này", ông đề xuất.
Ngoài ra, để các nhà đầu tư nhìn được toàn cảnh thị trường, tránh mất cân đối về cung cầu trong việc đưa ra những sản phẩm phục vụ chung thị trường, ông Hải cho rằng cần có một trang thông tin từ phía Nhà nước. Trang này cần đưa mọi thông tin về quy hoạch, giao dịch bất động sản, tình trạng các dự án… để các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư đưa ra được quyết định phù hợp hơn.