Ông Đặng Văn Thành nhắn gửi doanh nhân trẻ trước thềm năm mới: Lợi nhuận là tức thời – thị phần mới vĩnh cửu, chớ nóng vội khi làm thương hiệu và đừng chờ tích lũy tư bản đủ mới đầu tư!

27/12/2019 10:57 AM | Kinh doanh

Thoạt nghe thì những điều ông Đặng Văn Thành nói khá mâu thuẫn, nhưng nếu ai đang là chủ doanh nghiệp thì biết nó vô cùng có lý, bởi chỉ khi kiên nhẫn và trau chuốt thì chúng ta mới xây dựng được thương hiệu mạnh và chỉ khi có thương hiệu mạnh thì không cần tích góp đủ tiền, chúng ta có thể đi vay để đầu tư.

Ông Đặng Văn Thành là một doanh nhân được rất nhiều thế hệ doanh nhân phương Nam nể trọng, bởi ông là người tâm huyết với chuyện kinh doanh, cũng như luôn cố gắng truyền nhiệt huyết làm kinh tế - phát triển đất nước cho giới trẻ.

Trong buổi gặp mặt cuối năm mới đây của CLB Thương hiệu Việt mà ông là một trong những đồng sáng lập, ông đã có rất nhiều nhắn gửi tâm huyết dành cho các chủ doanh nghiệp trẻ đang có mặt trong sự kiện.


Đừng nóng vội khi làm thương hiệu

"Ở thế hệ của chúng tôi, dù môi trường kinh doanh không thuận lợi như bây giờ nhưng khoảng trống thị trường là vô cùng mênh mông; ngược lại, dù hiện tại các doanh nghiệp trẻ đã được Chính phủ và cả xã hội tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi để làm kinh tế, nhưng thị trường đã vô cùng chật chội, với sự án ngữ sẵn của những đàn anh đi trước và cả các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, dù cho sự cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hơn, thì các chủ doanh nghiệp SMEs không vì thế mà nóng vội trong việc làm thương hiệu. Các SMEs cần tự tin hơn, làm chỉn chu từng chuyện, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. 

Chúng ta phải chăm chỉ, trau chuốt, không đốt cháy giai đoạn khi làm thương hiệu. Chúng ta cần chăm chú trong việc xây dựng và quản lý thương hiệu. Chúng ta cần hết sức trau chuốt các kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu, không nên nóng vội", ông Đặng Văn Thành nhắn nhủ.

Ví dụ như sứ Minh Long và may An Phước, nhờ làm thương hiệu tốt, sản phẩm của họ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nên từ một sản phẩm tiêu dùng hằng ngày trở thành những món tặng phẩm sang quý. Một khi sản phẩm của bạn đã có thương hiệu tốt, tự bản thân người tiêu dùng sẽ dùng ngôn ngữ và ‘quyền lực’ của họ để động viên người khác mua hàng, cũng như động viên doanh nghiệp, mà doanh nghiệp không cần tốn bất cứ đồng chi phí nào.

Thương hiệu chính là giá trị được tích sản và là một kho báu; bởi thương hiệu sẽ lớn lên cùng thị phần, mà với ông Thành, "lợi nhuận là tức thời, thị phần mới vĩnh cửu".

Nghe những gì ông Thành chia sẻ, đột nhiên chúng tôi nhớ đến ‘scandal’ Món Huế khiến cả nước bàng hoàng trong thời gian gần đây. Họ chính là trường hợp ‘ăn xổi, ở thì’ khi đi xây dựng thương hiệu!


Đừng chờ tích lũy tư bản đủ mới đầu tư, hãy đi huy động vốn từ bên ngoài

Ngoài những lợi ích trên, thì một thương hiệu tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc gọi vốn, tiếp cận các nhà đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh mà không cần đợi tích lũy đủ tư bản. Nếu làm được thế, thì doanh nhân biết làm ăn mới phát huy được hết giá trị thật sự của một thương hiệu tốt.

"Ngành tài chính thường có 2 thành phần là tiền tệ và vốn. Trước năm 2003, thị trường tài chính chỉ có mỗi tiền tệ hoạt động, khiến nhiều ngân hàng buộc phải mang nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Điều này tạo nên những rủi ro nhất định.

Đến năm 2003, thị trường vốn ra đời, thị trường tài chính trở nên trọn vẹn. Doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận được thị trường vốn thực sự thông qua phát hành chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì phát hành chứng khoán vốn, nếu không thì phát hành chứng khoán nợ. Nếu chúng ta cần tiền mà không cần làm chủ, có thể phát hành chứng khoán nợ còn cần tiền mà cũng muốn làm chủ, có thể phát hành chứng khoán vốn.

Các công ty chứng khoán và ngân hàng sẽ đứng ra đảm bảo phát hành cho doanh nghiệp", Chủ tịch Thành Thành Công nêu rõ.

Ông Đặng Văn Thành nhắn gửi doanh nhân trẻ trước thềm năm mới: Lợi nhuận là tức thời – thị phần mới vĩnh cửu, chớ nóng vội khi làm thương hiệu và đừng chờ tích lũy tư bản đủ mới đầu tư! - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thành đang chia sẻ trong sự kiện của CLB thương hiệu Việt.

Sở dĩ, ông Thành nói đến thị trường vốn rất nhiều lần, vì ông là người không khuyến khích các doanh nghiệp phải tích lũy đủ tư bản mới mở rộng hoạt động kinh doanh, mà hãy tích cực kêu gọi vốn từ bên ngoài thông qua vay ngân hàng, phát hành các loại chứng khoán vốn/nợ và từ các nhà/quỹ đầu tư.

"Hồi xưa, doanh nghiệp có 10 đồng, làm 10 đồng và tôi không đánh giá cao điều đó. Thị trường không bao giờ giậm chân tại chỗ, nếu chúng ta đợi tích cóp đủ tiền mới làm có khi chậm mất, bởi người khác đã làm hoặc thị trường không còn theo đúng những kế hoạch ban đầu của chúng ta nữa. Nếu chúng ta có 10 đồng vốn, nhưng tổng tài sản tới 30 đồng, mới tốt", ông Thành nêu vấn đề.

Khi có cơ hội, chúng ta phải chớp lấy, đừng ngại mở rộng thị trường hay ngành nghề đầu tư, tuy nhiên chúng ta luôn nhớ là phải quan tâm đến core business – ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình. Chúng ta có thể xao nhãng nó trong phút chốc để tập trung cho cái khác không sao, nhưng chúng ta không được quá lâu!

Theo quy định của Nhà nước, đến năm 2020, các Ngân hàng thương mại phải đạt chuẩn Basel II, thế nên các Ngân hàng và Nhà nước sẽ phải cấu trúc lại chỉ số an toàn của thị trường tiền tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến một số ngành nghề nhất định, khi do vấn đề an toàn tiền tệ chuyện cho vay nợ sẽ bị siết chặt lại. Với quan điểm của một doanh nhân lão luyện, ông Thành cho rằng, đây là thách thức trên nền tảng tích cực.


Doanh nhân phải tạo giá trị gia tăng cho xã hội, khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên và đóng thuế cho ngân sách

Cuối cùng, ông Đặng Văn Thành cho rằng, dù các doanh nghiệp SMEs có chiến lược kinh doanh như thế nào trong năm 2020, thì họ cũng phải bảo đảm 5 điều sau.

Đầu tiên là tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội: bằng nhãn quan của mình, nếu cái gì chưa cân bằng, chúng ta phải điều chỉnh trở lại. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng Nhà nước xây dựng một xã hội phát triển – văn minh. Người làm giáo dục thì nên làm sao để học sinh/sinh viên không còn đi du học quá nhiều, người làm ngành y thì làm sao để bệnh nhân dưới tỉnh không còn ‘trèo đèo lội suối’ vượt tuyến lên các thành phố lớn khám bệnh…

Thứ hai là tạo giá trị gia tăng cho khách hàng bằng những sản phẩm/hàng hóa tốt giá cả phải chăng. Chất lượng phải đi kèm bao bì đẹp và mẫu mã hợp với thị hiếu của phần đông người dùng, giá thành cũng phải tương xứng hoặc rẻ hơn chất lượng sản phẩm.

Thứ ba là tạo giá trị gia tăng cho cán bộ - công nhân viên của công ty. Nhân viên đi theo mình bởi họ cần sự ổn định, thu nhập tốt, có nhà cửa – xe cộ…; và chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu chính đáng đó.

Thứ tư, tạo giá trị gia tăng cho nhà đầu tư hay là những đồng vốn mà mình nhận được, từ cổ tức – trái tức – lãi suất. Nhiều doanh nghiệp đã không cân đối được thu – chi, khiến thanh khoản gặp vấn đề và hạng mục đầu tư có vấn đề. Nếu chúng ta chỉ lo tạo ra lãi suất mà thị giá không đáp ứng kỳ vọng của họ cũng không xong.

Cuối cùng, chúng ta phải có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách Nhà nước thông qua chuyện nộp thuế đầy đủ.

"5 trách nhiệm nói trên, nó hết sức ám ảnh lại thú vị và tôi xem chúng như là những động lực để thực hiện tốt vai trò doanh nhân của mình. Dù không ai giao cho doanh nhân sứ mệnh phải làm thế này thế kia, nhưng tự bản thân chúng ta cảm thấy mình phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và với nền kinh tế của đất nước này", ông Đặng Văn Thành chia sẻ.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM