Ông chủ Tân Hoàng Minh thâu tóm khu “đất vàng” 94 Lò Đúc (Hà Nội), xây tổ hợp BĐS cao cấp 35 tầng?
Khu đất vàng 94 phố Lò Đúc trước đây là nhà máy rượu Hà Nội (Halico), được Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời từ năm 2013.
Theo quy hoạch khu đất này được dùng để xây dựng trụ sở liên cơ quan ban ngành của thành phố, trường học, nhà để xe, khu thương mại và nhà ở để bán…Tuy nhiên, thời gian gần đây dư luận và giới địa ốc xôn xao khi trên mạng internet xuất hiện thông tin về một dự án tổ hợp chung cư cao cấp sẽ được xây dựng tại địa chỉ số 94 Lò Đúc (Hà Nội) – một khu đất vàng hiếm hoi trong nội đô, có vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô.
Thậm chí, dễ dàng tìm thấy thông tin chi tiết về dự án khi search trên công cụ tìm kiếm Google, một số website về bất động sản còn giới thiệu đây là dự án có 2 tòa tháp cao 33 tầng và 35 tầng và 4 tầng hầm với quy mô 500 căn hộ cao cấp, và 150 căn hộ officetel. Diện tích các căn hộ dao động từ 51m2 đến 120m2…
Những thông tin mà dư luận quan tâm về dự án BĐS cao cấp trên khu đất vàng 94 Lò Đúc không phải không có cơ sở, bởi 2 công ty được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép triển khai lập và thực hiện dự án tại khu đất này là Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình (Công ty Thiên Bình) và Công ty Cổ phần kinh doanh và xây dựng nhà.
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Thiên Bình lần đầu vào 04/6/2013 và thay đổi lần thứ 5 vào 17/12/2015, công ty có trụ sở tại số 94 Lò Đúc, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có số vốn điều lệ trên 466,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý người đại diện pháp luật của Công ty Thiên Bình là ông Đỗ Anh Dũng, và cũng là người nắm giữ tới 99% cổ phần của Thiên Bình. Ông Đỗ Anh Dũng hiện là chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh – một công ty bất động sản đang phát triển nhiều dự án căn hộ hạng sang và cao cấp trên đất vàng Thủ đô như D’Capitale (Trần Duy Hưng), D'. Le Roi Soleil (Hồ Tây), D'.Le Pont D'or (Hoàng Cầu)…
Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là những thông tin lan truyền trong giới địa ốc. Đến nay chưa có dự án nào được triển khai xây dựng tại khu đất này. Trước đây, các cơ quan ban ngành của thành phố Hà Nội đã có các văn bản pháp lý liên quan đến khu đất, cụ thể:
Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-4 tỷ lê 1/2000 khu vực nội đô lịch sử, khu đất 94 Lò Đúc nằm trong ô quy hoạch A2 có 2 trường học được xây dựng ở số 94 Lò Đúc và 67 Ngô Thì Nhậm. Đây là 2 ô đất lân cận nhau cách nhau phố Thi sách kéo dài.
Khu đất 67 Ngô Thì Nhậm do tập đoàn Dệt may và Công ty dệt kim Đông Xuân quản lý, thực hiện dự án. Tổng mặt bằng 1/500 đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc chấp thuận tại công văn 1132 ngày 20/5/2009, trong đó có xác định ô đất số 02 để xây trường học khoảng 4000m2.
Ô đất 94 Lò Đúc do Công ty Cồn rượu Hà Nội quản lý. Hiện được giao cho Công ty Thiên Bình đang nghiên cứu lập dự án. Tổng mặt bằng 1/500 của khu đất đã được Sở QH và KT chấp thuận tại công văn 1724 ngày 2/6/2011, trong đó ô đất ký hiệu 09-TH được xây dựng trường học có diện tích khoảng 3.535m2.
Tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội vào 5/7/2013, đại biểu tổ Hai Bà Trưng có chất vấn về 2 dự án trường học ở 2 ô đất này, khi đó phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trả lời, thống nhất thu hồi đất tại Halico để xây trường học. Diện tích tại Halico là khoảng 3.500m2 và tại nhà máy dệt kim Đông Xuân khoảng 4.000m2, đồng thời giao UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư.
Theo thông tin từ Báo Xây dựng, cho biết ngày 24/12/2015 UBND Thành phố đã có Quyết định số 7125 thu hồi 4016mn2 đất và giao cho Ban dự án Quận Hai Bà Trưng quản lý sử dụng để xây dựng trường học Ngô Thị Nhậm. Ngày 24/12/2015 UBND Hà Nội đã có Quyết định 7130 thu hồi 340m2 đất tại số 67 Ngô Thì Nhậm và 3914m2 đất tại số 94 Lò Đúc giao cho Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng quản lý, chuẩn bị mặt bằng để xây dựng trường THCS Lê Ngọc Hân.
Khi đó, liên quan đến khu đất Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà cũng đã có giải trình với thành phố, cho rằng dự án được giao cho công ty làm chủ đầu tư cách đó 10 năm, xây trên nhà máy Halico nên phải có địa điểm và kinh phí để di dời nhà máy. Hai bên, chủ đầu tư và Halico đã có những thỏa thuận về đền bù, xây nhà máy mới ở KCN Yên Phong (Bắc Ninh)
Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà, cũng cho biết hai đơn vị cũng đã ký hợp đồng kinh tế và đã hoàn thành việc chuyển tiền đền bù, hỗ trợ di chuyển để xây dựng nhà máy mới. Quy hoạch 1/500 đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc phê duyệt từ năm 2011 nhưng khi đó chưa thể triển khai do còn chờ Quy chế quản lý quy hoạch của Sở QHKT. Việc chậm triển khai dự án là do nhiều yếu tố khách quan và đã gây nhiều thiệt hại cho Công ty. Công ty này cũng đã có văn bản gửi thành phố kiến nghị được hoàn trả lại tiền đền bù, tiền chuẩn bị đầu tư…trước khi thu hồi đất và giao đất cho Quận Hai Bà Trưng.
Đến nay, thực tế vẫn chưa có một dự án nào mọc lên ở khu đất vàng 94 Lò Đúc này. Số phận của khu đất vẫn là điều “bí ẩn”.