Ông chủ kinh doanh “vàng trắng” trên TMĐT: Nếu chưa biết kinh doanh gì, hãy thử nghĩ đến các đặc sản vùng miền
Trong thời đại 4.0 hiện nay, không ít người muốn thử sức kinh doanh trên thương mại điện tử (TMĐT) nhưng gặp phải rào cản đầu tiên và lớn nhất xung quanh câu hỏi sẽ bán gì. Nhiều người đau đầu tìm kiếm sản phẩm cạnh tranh, xu hướng mà không biết rằng các sản phẩm nông sản/đặc sản vùng miền nếu khai thác tốt sẽ đem lại nguồn doanh thu ổn định. Qua câu chuyện của tôi và gian hàng tỏi Lý Sơn, hy vọng các bạn hãy thử nghĩ đến việc kinh doanh các đặc sản vùng miền trên TMĐT.
Tôi là Lê Tốt, người sáng lập thương hiệu Vương quốc tỏi, kinh doanh tỏi Lý Sơn - mặt hàng mà người ta vẫn gọi là quý như ‘vàng trắng’ - trên TMĐT. Ban đầu, tôi chủ yếu bán tỏi trực tiếp cho khách du lịch, nhưng rồi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc bán hàng trực tiếp không còn khả thi nữa, tôi quyết định tìm đến ‘phao cứu sinh’ TMĐT.
Box: Tỏi Lý Sơn được quý như “Vàng trắng” bởi lẽ để có được củ tỏi trắng, thơm ngon, đặc trị bệnh là cả một quá trình gian nan của những người dân đất đảo, họ không ngại nhọc nhằn qua bao thời gian để đến ngày thu hoạch nó.
Sau khi đưa Vương quốc tỏi lên sàn Lazada thành công, tôi nhận thấy cửa hàng trực tuyến bán được nhiều hơn cửa hàng offline, lợi nhuận cũng tốt hơn. Cá nhân tôi đánh giá, mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền có tiềm năng rất lớn để kinh doanh trên TMĐT, nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mực và cũng chưa có nhiều người kinh doanh bài bản.
Với nông sản, người nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh, thiên tai và cảnh được mùa mất giá. Chưa kể, người dân còn phải chịu cảnh ép giá, “cân hàng trừ bì”. Thế nên, khi thấy tôi thành công với Vương quốc tỏi, nhiều người cũng tò mò và hỏi tôi về việc đưa nông sản lên sàn. Song, họ cũng còn chần chừ, vì không rõ các mặt hàng đặc sản sẽ bán được bao nhiêu, đem lại lợi nhuận thế nào. Hơn nữa, hầu hết những người kinh doanh mặt hàng này là nông dân, những người lớn tuổi, họ ngần ngại trong việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tôi thấy sàn TMĐT có thể giúp mặt hàng nông sản trở nên phổ biến hơn nhờ được tiếp xúc với nhiều người mua hàng tiềm năng. Theo tôi biết, bình quân một người bán có cơ hội tiếp xúc khoảng 500 người mua mới mỗi tháng trên TMĐT.
Đặc biệt, xu hướng mua hàng nông sản online còn được đẩy mạnh trong Covid-19. Tình hình dịch từng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà bán hàng như tôi, giãn cách xã hội khiến hàng hoá vận chuyển khó khăn, trong khi nông sản thì không thể để lâu ngày. TMĐT lúc đó đã cứu tôi một ‘bàn thua’ trông thấy! Tôi nhớ khi đó sàn Lazada đã triển khai nhiều giải pháp giao hàng thông minh, giúp hàng hóa không bị tắc nghẽn, hỗ trợ nhà bán hàng duy trì doanh số xuyên suốt mùa dịch. Mặc dù kinh doanh trong giai đoạn khó khăn như vậy, trung bình Vương quốc tỏi vẫn đạt 1.500-2.000 đơn/ ngày, còn thời điểm sau dịch thì số lượng đơn hàng là hơn 1.000 đơn/ngày.
Có thể thấy, với tiềm năng phát triển của TMĐT và logistics, hàng nông sản, đặc sản vùng miền sẽ được vận chuyển nhanh chóng, giúp đảm bảo chất lượng. Lượng tiêu thụ tăng lên, người trồng tỏi không còn phụ thuộc quá nhiều vào dân buôn và có đầu ra ổn định.
Còn đối với những người ngần ngại trong việc chuyển đổi số, các sàn TMĐT hiện nay đều triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ nhà bán hàng mới như Học viện Lazada. Đây là nơi nhà bán hàng có thể cập nhật kiến thức về TMĐT cũng như học hỏi kinh nghiệm kinh doanh từ những người đi trước. Đội ngũ nhân sự của sàn cũng luôn hỗ trợ, giúp đỡ tận tình khi mình gặp khó khăn, điều này khiến cho chính những người vốn không rành công nghệ như nông dân hay người lớn tuổi vẫn có thể dễ dàng bắt nhịp với TMĐT.
Với những ưu điểm kể trên, theo tôi TMĐT là kênh phân phối bền vững cho mặt hàng nông sản. Vậy nên, lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ là, nếu muốn bắt đầu kinh doanh mà chưa có sản phẩm, hãy thử bắt đầu với các đặc sản vùng miền.
Khi chuyển đổi từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến, thách thức quan trọng mà tôi gặp phải là đào tạo nhân sự. Nhân viên của tôi, trước đó chỉ vận hành offline, chưa quen với môi trường TMĐT, phải đào tạo lại từ đầu. Ngoài ra, với hàng nông sản như tỏi Lý Sơn, nếu không đóng gói cẩn thận sẽ khiến sản phẩm bị ẩm, hỏng trong quá trình vận chuyển. Khi bán hàng online, cần thay đổi từ bao bì đến quy trình đóng gói để phù hợp với các quy định của sàn mà vẫn đảm bảo được chất lượng.
Vượt qua được những thách thức trên, TMĐT đem lại cho tôi rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất, TMĐT giúp tôi tối ưu được chi phí vận hành. Giải pháp giao hàng của sàn Lazada giúp những nhà bán hàng như tôi dễ dàng quản lý khâu logistics. Chưa kể, tôi còn được hỗ trợ về giá cũng như các giải pháp tiếp thị quảng cáo, nhận được sự tư vấn, hướng dẫn sâu sát từ đội ngũ nhân sự bên sàn. Nhờ những lợi ích trên, sản phẩm tỏi Lý Sơn từ ruộng sẽ tới thẳng tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng nhất, với chi phí hợp lý nhất.
Thứ hai, với TMĐT, tôi có thể theo dõi các đơn hàng một cách chi tiết, điều không thể làm được nếu chỉ chuyển hàng thông thường qua xe khách truyền thống. Thêm vào đó, đưa hàng lên TMĐT cũng giúp sản phẩm tiếp cận với khách hàng dễ hơn. Tôi có thể trực tiếp nhắn tin cho khách để tư vấn hiệu quả hơn. Khách hàng được chăm sóc tốt, được đảm bảo về quyền lợi thì họ sẽ thường xuyên quay lại, nên tôi đã có một lượng khách hàng thân thiết, ổn định.
Vậy nên, sau khi chuyển đổi kinh doanh lên TMĐT, tôi đã dừng hẳn việc kinh doanh offline và không có ý định mở lại các cửa hàng thông thường. Trong tương lai, tôi có ý định mở rộng kinh doanh một số sản phẩm khác của quê hương như rong biển Lý Sơn, các loại hải sản khô lên Lazada. Tôi tin TMĐT là cầu nối, nơi giúp mọi người kinh doanh các sản phẩm đặc sản mà không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ mà cửa hàng offline không làm được.
Một lời khuyên nữa của tôi dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp trên TMĐT là, khởi nghiệp cũng giống như một cái cây nhỏ, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực để có thể sống được. Nhưng khi đủ sức để tồn tại và phát triển, cái cây càng lớn thì sẽ mang đến những lợi ích lâu dài, hay những hạt giống mới để tạo nên những mầm cây mới. Sẽ có những lúc thuận lợi, những lúc gập ghềnh nhưng quan trọng là kinh doanh đòi hỏi sự kiên trì, từng bước một trong một thời gian dài.
Hy vọng qua câu chuyện tôi vừa chia sẻ, những bạn trẻ, những người vẫn còn đang phân vân về việc có nên tham gia vào TMĐT hay không sẽ có thêm động lực và có cho mình bài học kinh nghiệm. Chúc mọi người thành công!
Tuyến nội dung "Kiếm tiền từ TMĐT – Sao không thử?", được phối hợp tổ chức bởi CafeF và nền tảng TMĐT Lazada Việt Nam ra đời nhằm mục đích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền cảm hứng để mọi người có thể nắm bắt cơ hội từ "mỏ vàng" TMĐT. Tuyến nội dung là tập hợp những câu chuyện, kinh nghiệm đắt giá và bài học thành công trên TMĐT từ đại diện các thương hiệu, nhà bán hàng cũng như chính độc giả. Cùng với đó là những chia sẻ về xu hướng nghề nghiệp mới đầy hứa hẹn như KOC, Affiliate marketing,… cũng như những nhận định, góc nhìn chiến lược từ các chuyên gia trong ngành, những người có tầm ảnh hưởng.
Tuyến nội dung sẽ kéo dài từ 16/02/2023 đến 31/03/2023. Độc giả muốn chia sẻ câu chuyện hoặc kinh nghiệm cá nhân trong lĩnh vực TMĐT vui lòng gửi về địa chỉ email: toikiemtientutmdt@vccorp.vn hoặc fanpage CafeF.