Ông Biden đảo ngược loạt chính sách thời Donald Trump

18/01/2021 08:48 AM | Xã hội

Ông Biden dự kiến sẽ ký một loạt sắc lệnh đảo ngược chính sách thời Tổng thống Donald Trump, trong đó có kế hoạch về nhập cư quy mô lớn, giúp mở ra một con đường trở thành công dân Mỹ cho hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hiện đang ở Mỹ.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có kế hoạch ký khoảng một chục sắc lệnh hành pháp, bao gồm cả việc tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris và chấm dứt lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia có đa số là người Hồi giáo, vào ngày đầu tiên ông nhậm chức, theo một bản ghi nhớ từ Ron Klain, người sẽ là chánh văn phòng Nhà Trắng.

Ông cũng sẽ ký các lệnh ngừng trục xuất sinh viên nước ngoài trong đại dịch coronavirus và ban hành một lệnh bắt buộc mang khẩu trang. Động thái này được xem là nhằm thu hồi các chính sách do chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành hoặc xúc tiến các chính sách vốn không thể thực hiện trong giai đoạn chính phủ hiện nay còn cầm quyền.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden nhiều lần hứa giải quyết một vấn đề trong ngày đầu tiên nhậm chức - một cam kết mà ông thường đưa ra để tỏ rõ khác biệt với Tổng thống Trump hoặc nhấn mạnh sự coi trọng của ông đối với một vấn đề nào đó. Ông đã hứa hẹn giải quyết nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu, chuyện người nhập cư đến chính sách đối ngoại, và nhiều điều được phản ánh trong bản ghi nhớ hôm thứ Bảy của ông Klain, theo New York Times.

Ngoài các hoạt động điều hành trong những ngày đầu tiên nắm quyền, bản ghi nhớ còn nêu rõ rằng ông Biden có kế hoạch gửi quốc hội một kế hoạch về vấn đề nhập cư quy mô lớn trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền. Kế hoạch sẽ giúp mở ra một con đường trở thành công dân Mỹ cho hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hiện đang ở Mỹ.

Ông Biden cũng sẽ công bố gói cứu trợ coronavirus trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, trong đó có các khoản thanh toán trực tiếp cho người Mỹ.

Theo ông Klain, một ngày sau khi nhậm chức, ông Biden sẽ ban hành một số chính sách nhằm xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 và mở cửa lại các trường học, doanh nghiệp một cách an toàn.  “Và vào ngày 22/1, ông Biden sẽ chỉ đạo nội các hành động ngay lập tức để cứu trợ các gia đình lao động đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng này”, ông Klain viết, theo tường thuật của CNN.

Nguy cơ bạo lực từ các nhóm cực đoan

Mối đe dọa từ các nhóm cực đoan, đổ ra đường biểu tình tại thủ phủ một số bang hôm Chủ nhật đã khiến các thống đốc phải triển khai biểu dương lực lượng quy mô lớn và thực hiện các biện pháp an ninh chặt chẽ tại trụ sở các cơ quan nhà nước trên khắp nước Mỹ, theo AP. Các loại hàng rào, chướng ngại vật của cảnh sát và Vệ binh Quốc gia đã được dựng lên xung quanh nhiều tòa nhà chính phủ và quốc hội do lo ngại các cuộc biểu tình nổ ra từ nay đến lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden vào thứ Tư này. Các biện pháp an ninh được tăng cường nhằm mục đích ngăn chặn kiểu bạo lực xảy ra tại Đồi Capitol vào ngày 6/1, khi một đám đông ủng hộ tổng thống Trump đổ vào tòa nhà trong khi quốc hội đang chứng nhận việc bỏ phiếu của cử tri đoàn. Cục Điều tra liên bang (FBI) đã cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc biểu tình có vũ trang tại Đồi Capitol ở Washington và tất cả 50 tòa nhà quốc hội ở các tiểu bang, bắt đầu từ cuối tuần qua. An ninh ở thủ đô Washington đã được tăng cường trước lễ nhậm chức. Hàng rào cao đã được dựng lên bao quanh Điện Capitol, công viên cảnh quan National Mall đóng cửa và thị trưởng đặc khu Columbia đã yêu cầu mọi người không đến những nơi kể trên. Khoảng 25.000 lính Vệ binh Quốc gia từ khắp nơi theo dự kiến sẽ được điều động về thủ đô vào đầu tuần này.

Các cơ quan lập pháp Mỹ dự kiến bắt đầu các phiên họp năm 2021 vào thứ Ba, nhưng phần lớn công việc đã bị trì hoãn vì những cảnh báo liên quan đến bạo lực tiềm ẩn.

“Điện Capitol đã trở thành một pháo đài,” Chủ tịch Thượng viện bang Oregon Peter Courtney, một đảng viên Dân chủ, nói với AP. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ thấy điều đó, nó làm tan nát trái tim tôi”.

Anh Minh

Cùng chuyên mục
XEM