“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ

21/02/2023 08:52 AM | Kinh doanh

Với tài ‘điều binh khiển tướng’ của mình, tỷ phú Chính Chu đã góp phần khiến SPAC bước vào giai đoạn mới rực rỡ trong vài năm gần gây – là giải pháp được nhiều ‘kỳ lân’ lựa chọn khi muốn IPO ở Mỹ. Tuy nhiên, theo cựu chuyên gia sàn NYSE - Sam Van, hiện có nhiều tiếng nói quan ngại về SPAC.

“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ - Ảnh 1.

SAM VÀ ÔNG SAM VAN SẼ LÀ CẦU NỐI GIÚP DN VIỆT ĐI GỌI VỐN HOẶC IPO TẠI THỊ TRƯỜNG MỸ

Vào tháng 12/2022, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã giải ngân lần 1 số tiền 100 triệu USD trong khoản vay 200 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Khoản vay này nhằm tạo điều kiện tiếp cận tài chính và giảm khoảng cách tín dụng cho các SMEs, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đồng thời giải quyết các vấn đề khí hậu.

Theo đó, người đứng sau tư vấn cho thương vụ này là Chủ tịch – CEO Louis Nguyễn của Saigon Asset Management (SAM). Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ rót vốn cho ngân hàng tư nhân của Việt Nam. Cũng từ sự vụ này, Shark Louis Nguyễn nhìn ra được cơ hội huy động vốn của DN Việt Nam từ thị trường Mỹ là rất lớn. Vậy nên, vị Giám khảo của Shark Tank Việt Nam này đã đến đánh tiếng với ông Sam Van.

Ông Sam Van hiện đang là Chủ tịch kiêm Giám đốc của Công ty Deltec Investment Advisors Limited - chuyên tư vấn niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Ông cũng là cố vấn cấp cao của Freedom Capital Market với đội ngũ tư vấn chuyên môn và pháp lý về thị trường vốn.

“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ - Ảnh 2.

Ông Sam Van

Trước đó, ông Sam Van được Uỷ ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) bổ nhiệm làm đồng Chủ tịch và thành viên uỷ thác giám sát việc thanh lý một dự án đầu tư trị giá hơn 400 triệu USD được coi là mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Ông Van từng làm việc tại Cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA) với nhiều vai trò trong giai đoạn 2012 – 2017 bao gồm: kiểm tra tuân thủ giao dịch tài chính, giám sát rủi ro tài chính và quy định hoạt động, kinh doanh.

Năm 2007, lúc là Giám đốc Niêm yết quốc tế tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), ông Van chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh, chuyên về các thị trường vốn mới nổi khắp châu Á. Ông đã hỗ trợ 60 công ty niêm yết NYSE với tổng giá trị vốn hoá thị trường hơn 7 tỷ USD.

Ông Sam Van cũng từng có 8 năm đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT Hiệp hội Tài chính châu Á (AFS), tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các công ty châu Á tìm hiểu về thị trường tài chính Mỹ. Ông tốt nghiệp cử nhân tài chính Đại học St. John’s và thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Cornell.

Việc SAM ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với ông Sam Van nhằm hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu huy động vốn và niêm yết tại thị trường Mỹ.

“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ - Ảnh 3.

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nhu cầu huy động vốn và niêm yết tại thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng dần.

Thị trường Việt Nam đang căng thẳng thanh khoản, nguồn vốn không nhiều, chứng khoán không ổn định, vay ngân hàng khó khăn; huy động vốn từ nước ngoài có thể là phương án đáng thử trong thời điểm này. Nguồn vốn nước ngoài có thể huy động từ HongKong hay Singapore hoặc Mỹ, Tiêu chuẩn khác.

Tuy nhiên, sự hiểu biết về quy trình thực hiện, mức độ phức tạp cũng như những thuận lợi và thách thức khi niêm yết tại thị trường nước ngoài còn hạn chế. Trong quá khứ, Vinamilk và Novaland từng niêm yết trái phiếu ở Singapore nhưng ở thị trường Mỹ thì chưa ai làm được điều này. VinFast hiện là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đã chính thức nộp hồ sơ IPO lên sàn NASDAQ.

Ông Sam Van có bề dày 10 năm kinh nghiệm làm việc tại NYSE, tư vấn cho hơn 60 công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ. Vậy nên chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với ông Sam Van nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn vốn tại Mỹ và niêm yết sàn giao dịch chứng khoán NYSE hoặc NASDAQ. Hiện tại, Tiki - VNG hay Crown X cũng đều rất muốn đi IPO ở Mỹ ”, ông Louis Nguyễn chia sẻ.

Liên minh giữa SAM – Sam Van có thể giúp các DN Việt vay tiền từ các tổ chức tài chính Mỹ hay cả DFC nếu họ mua hàng từ các DN Mỹ; tất nhiên phải là các hàng hóa giá trị lớn như máy bay, thiết bị y tế hoặc thiết bị sân bay, ví dụ như Bamboo Airways mua máy bay của Boeing.

SPAC KHÔNG HẲN LÀ PHƯƠNG ÁN TỐT NHẤT CHO CÁC ‘KỲ LÂN’ VIỆT

Còn theo chia sẻ của ông Sam Van, tại sàn NASDAQ hiện có 1.200 công ty đến từ 45 quốc gia ngoài Mỹ hiện đang niêm yết cổ phiếu tại đây, chiếm khoảng 30% tổng số DN đang hoạt động ở sàn này.

Hiện tại, các DN Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn vốn ở HongKong, Singapore hoặc Mỹ. Mỹ là một trong những thị trường vốn lâu đời nhất thế giới, dù có kết cấu phức tạp nhưng vẫn chấp nhận niêm yết các DN đang lỗ nếu họ chứng minh mình có thể phát triển tốt trong tương lai. Theo quan điểm của tôi, nguồn vốn ở thị trường Mỹ cũng cạnh tranh hơn so với các thị trường khác.

Năm ngoái, lúc gặp anh Louis nguyễn, tôi đã nghĩ đến việc ‘làm sao làm việc cùng nhau để có thể giúp các DN Việt thu hút được các nguồn vốn từ thị trường này - kể cả các SMEs’; giúp họ biết nên cân nhắc cái gì - lưu ý cái gì khi đến thị trường Mỹ ”, ông Sam Van tiếp lời.

“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ - Ảnh 4.

VinFast đã nộp hồ sơ IPO lên sàn NASDAQ

Khi IPO ở Mỹ, với các ‘kỳ lân’ công nghệ vẫn đang lỗ, thì sàn NYSE – NASDAQ đều có các mô hình linh hoạt cho mỗi loại công ty và ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung là các sàn vẫn nhìn vào 3 khía cạnh sau: dòng tiền - doanh thu/tăng trưởng/chi phí hoạt động; giá trị thị trường – quy mô và thị trường DN đó hoạt động có tiềm năng hay không; tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn cao) - con người, quản lý DN, cách hỗ trợ cổ đông lớn lẫn nhỏ.

Ví dụ: với các công ty biotech – muốn sản xuất 1 loại thuốc mới cần mất 3 đến 4 năm, đồng thời tiêu tốn rất nhiều tiền của, nên họ lỗ nhiều và kéo dài là điều dễ hiểu.

Khi VinFast nộp hồ sơ IPO lên sàn NASDAQ, họ sẽ được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tính minh bạch thông tin và con số trong hồ sơ. Sau đó, VinFast sẽ điền vào một form thông tin chung và nộp cho sàn NASDAQ. Theo đó, các nhà đầu tư có quyền tiếp cận thông tin của VinFast trên form hồ sơ chung, đồng thời có thể so sánh VinFast với các đối thủ của họ trên thị trường – như Tesla, để quyết định có đầu tư hay không.

“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ - Ảnh 5.

Grab đã lên sàn NASDAQ qua SPAC.

Về SPAC, đây không phải là sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Mỹ, nó đã có từ năm 2000 và năm 2006 – lúc tôi còn đang làm việc cho sàn NYSE, thì đã có doanh nghiệp IPO bằng SPAC. Giai đoạn 2 của SPAC bắt đầu cách đây vài năm, với sự tham gia của anh Chính Chu – SPAC hoạt động khá hiệu quả, quy mô hấp dẫn với vài trăm triệu USD/1 thương vụ.

Trong 2020 – 2021, đã có rất nhiều DN chọn IPO qua SPAC. Hiện Mỹ có khoảng 400 công ty chuyên thực hiện loại thương vụ này. Hơn nữa, SPAC nay cũng đã qua một giai đoạn mới ”, ông Sam Van nhận định.

SPAC là viết tắt của cụm Special Purpose Acquisition Company, tạm dịch là công ty thâu tóm, sáp nhập với mục đích đặc biệt.

SPAC là một công ty rỗng, không có hoạt động thương mại, được thành lập để niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động một lượng tiền mặt lớn từ một nhóm nhà đầu tư. Sau đó, SPAC sẽ dùng số tiền này để mua một startup có tiềm năng và đưa doanh nghiệp này lên sàn.

Giá cổ phiếu khi IPO của các SPAC thường dao động khoảng 10 USD. Các nhà đầu tư khi rót tiền vào một SPAC sẽ nhận được giấy bảo đảm được mua một lượng lớn cổ phiếu với mức giá cố định sau khi họ thâu tóm được một doanh nghiệp tiềm năng. Nếu không tìm được đối tượng để mua lại trong hai năm, SPAC sẽ giải thể và hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư.

Ông Chính Chu và các lãnh đạo của CC Capital lẫn Collier Creek Holdings mừng SPACs này lên sàn New York.

Trong tất cả, CC Capital được thành lập bởi ông Chính Chu rất tích cực hoạt động ở thị trường này. Kể từ năm 2016 đến 7/2021, CC Capital và ông Chính Chu đã huy động được 5 SPACs bao gồm CF Corp, Collier Creek Holdings, CC Neuberger Principal Holdings I, II, III (3 SPACs này là liên doanh giữa CC Capital và Neuberger Principal Holdings).

“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ - Ảnh 6.

Ông Chính Chu và các lãnh đạo của CC Capital lẫn Collier Creek Holdings mừng SPACs này lên sàn New York.

SPAC có rất nhiều lợi thế so với phương cách truyền thống – ví dụ như giúp DN rút ngắn thời gian lên sàn, huy động thêm vốn và có kế hoạch thoái vốn cho các nhà đầu tư. Vậy nên, nó được rất nhiều founder lẫn nhà đầu tư của ‘kỳ lân’ công nghệ ưa chuộng – như Grab/SEA/WeWork. Các ‘kỳ lân’ công nghệ Việt như Tiki hay VNG đã không ít lần đề cập đến SPAC khi nói đến chuyện IPO ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Sam Van, vì mô hình SPAC không rõ ràng, nên sẽ không phát triển bền vững. 90% cổ phiếu được phát hành qua SPAC sẽ giảm 30% đến 40% sau vài năm đầu tiên và nếu mô hình công ty đó không thực sự bền vững sẽ tiếp tục giảm tầm đó trong vài năm tiếp theo. Nôm na, 1 cổ phiếu lên sàn qua SPAC lúc đầu trị giá 10 USD, thì qua 10 năm chỉ còn 2 USD. Vậy nên, đang có rất nhiều tiếng nói quan ngại về mô hình SPAC.

Dù là IPO qua SPAC hay theo cách truyền thống, thì sự hợp tác giữa các bên như là một đám cưới, phải có sự thấu hiểu nhau thì mới có hôn nhân bền vững và có thành quả. Tuy nhiên, các công ty trưởng thành như Vinamilk không cần phải IPO qua SPAC, nó chỉ phần nào tốt với các công ty công nghệ.

Nguyên nhân các DN Việt thất bại trong việc gọi vốn hoặc IPO ở thị trường Mỹ có thể vì dòng tiền không minh bạch, không hiểu ngôn ngữ của nhau và có thể công ty còn ‘quá sớm’. DN minh bạch trong tất cả mọi thứ thì sẽ gọi vốn nhanh hơn!

Hơn nữa, trước khi quyết định gọi vốn, startup hoặc DN Việt phải có sự chuẩn bị sẵn sàng. Không thể vì tiếc tiền rồi không thuê các công ty kiểm toán làm sẵn hồ sơ mà nghĩ ‘đợi đối tác quan tâm rồi hẳn làm’. Không ít lần chúng tôi đến trao đổi thì cảm thấy các công ty Việt Nam chưa sẵn sàng. DN nếu có kiểm toán đầy đủ, kế hoạch tài chính rõ ràng trong tương lai, minh bạch trong quản trị thì sẽ gọi được vốn trong thời gian ngắn.

Ví dụ: 1 trong 3 founder của Buymed từng học tập tại Mỹ nên biết phải chuẩn bị như thế nào khi đi gọi vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Họ đã gọi được 28 triệu USD từ nhà đầu tư chính UOB Venture Management cùng Smilegate Investment và Cocoon Capital trong thời gian ngắn”, ông Sam Van nhấn mạnh.

Theo Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM