Ông bà trùm hàng hiệu và thương vụ tại Eximbank Sài Gòn
Cho vay nhưng không giám sát công ty, khi thương vụ buôn lậu hàng hiệu bị triệt phá cũng là lúc "cặp bài trùng" cao chạy xa bay để lại một khoản nợ khổng lồ tại Eximbank Sài Gòn.
Sau một ngày xét xử và nghị án, chiều 14-6, TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Trinh (SN 1972, nguyên Giám đốc Eximbank Sài Gòn) mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Hai bị cáo Phạm Duy Hiển (SN 1981, nguyên Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp Eximbank Sài Gòn) và Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1985, nguyên cán bộ tín dụng Eximbank Sài Gòn) cùng lãnh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"
Doanh nghiệp đưa số liệu ma, ngân hàng không biết!
Tháng 1-2011, Đặng Bạch Helen (quốc tịch Mỹ, đang bị truy nã) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Milano Vina thành lập Công ty Gia Phát Thành (trụ sở tại quận Bình Thạnh). Đầu năm 2012, Helen muốn tiếp tục vay vốn để kinh doanh thời trang hàng hiệu nên đã đặt vấn đề với Trinh. Trinh đồng ý và chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ pháp lý, báo cáo thẩm định.
Từ tháng 4 đến tháng 12-2012, giữa Eximbank Sài Gòn và Công ty Gia Phát Thành ký tổng cộng 61 hợp đồng tín dụng. Phía ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Gia Phát Thành 134,6 tỉ đồng.
Trong phi vụ này, Helen dùng số tiền này để nhập hàng hiệu từ Ý về Việt Nam nhưng khai báo là hàng không nhãn mác để trốn thuế.
Sau khi lô hàng bị các cơ quan chức năng phát hiện, vợ chồng Đặng Bạch Helen và Trần Anh Tuấn đã bỏ trốn, đang bị truy nã. Riêng số tiền 134,6 tỉ đồng Công ty Gia Phát Thành mất khả năng thanh toán, Eximbank Sài Gòn đã bù số tiền này từ quỹ dự phòng rủi ro của chi nhánh.
Cựu giám đốc Eximbank Sài Gòn cùng hai nhân viên trong phiên xử ngày 14-6
Trong vụ án này, các cơ quan chức năng xác định Trinh đã không đôn đốc, chỉ đạo cấp dưới theo dõi hồ sơ vay, kiểm tra, giám sát khoản vay và mục đích sử dụng vốn; kiểm tra chứng từ và lập biên bản kiểm tra hàng hóa lưu kho của Công ty Gia Phát Thành; kiểm tra tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa theo phiếu đề xuất từng lần giải ngân…
Phạm Duy Hiển sau khi nhận lệnh Trinh đã chỉ đạo Hằng xác minh, thẩm định hồ sơ vay của Công ty Gia Phát Thành. Với chức vụ của mình, Hiển đã phê duyệt đồng ý kết quả thẩm định và đề xuất của cán bộ tín dụng trong khi đó số liệu về doanh thu trong báo cáo thẩm định tín dụng còn nhiều sai lệch (cao hơn) so với báo cáo thuế của doanh nghiệp tại Chi cục Thuế quận 1.
Bên cạnh đó, Phạm Duy Hiển không thực hiện việc giám sát hàng hóa lưu kho của Công ty Gia Phát Thành mà chỉ dựa vào báo cáo của doanh nghiệp cung cấp. Không kiểm tra kho hàng của công ty tại Hà Nội, không kiểm tra tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa theo phiếu đề xuất từng lần giải ngân và báo cáo giải ngân đã được lãnh đạo phê duyệt.
Đối với Nguyễn Thị Thu Hằng, nhân viên này có nhiệm vụ theo dõi hồ sơ vay, kiểm tra giám sát khoản vay và mục đích sử dụng vốn, kiểm tra chứng từ và lập biên bản kiểm tra hàng hóa lưu kho.
Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục để cấp trên ký kết 61 hợp đồng đến khi Công ty Milano Vina của bà trùm Đặng Bạch Helen ngưng hoạt động từ 11-9-2012, Hằng đã không kiểm tra và không đề xuất bổ sung điều kiện cho vay mới.
Ông bà trùm Helen và Tuấn "Ý"
Tuấn "Ý" là biệt danh mà giới sành ăn, sành mặc tại Sài Gòn phong tặng cho Trần Anh Tuấn (SN 1960, chồng của Đặng Bạch Helen). Trong một lần từ Mỹ về Việt Nam du lịch, vợ chồng Tuấn "Ý" đã nhận định Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh những mặt hàng thời trang "xa xỉ".
Từ đây, vợ chồng Tuấn "Ý" đã thường xuyên bay sang Ý trao đổi với các đối tác về các thương vụ làm ăn. Theo đó, dưới trướng Tuấn có vô số đàn em chuyên tư vấn những kẻ hở pháp lý hải quan để vợ chồng Tuấn lập Công ty Milano Vina, sau đó tiếp tục thành lập Công ty Gia Phát Thành rồi thuê người làm giám đốc bù nhìn.
Hàng hiệu do Tuấn nhập về đều gắn mác trôi nổi để trốn thuế
Để bành trướng kinh doanh, Tuấn thuê mặt bằng ở 88 Đồng Khởi và 80 Đông Du mở cửa hàng kinh doanh các mặc hàng đắt tiền xuất xứ từ Ý.
Khi vợ chồng Tuấn bay sang Ý gặp đối tác, đám đàn em từ Việt Nam đã soạn sẵn đơn hàng. Hàng được nhập khẩu về Việt Nam bằng cách "quá cảnh" ở Hồng Kông, Trung Quốc để gắn mác hàng trôi nổi sau đó nhập về TP HCM.
Khi các lô hàng cập bến, Tuấn ra lệnh cho nhân viên thuê các pháp nhân làm thủ tục thông quan sau đó Công ty Gia Phát Thành sẽ mua lại các lô hàng xa xỉ với vỏ bọc "hàng trôi nổi".
Các mặt hàng này được chuyển về tầng hầm của khách sạn Shareton rồi từ đây đến tay người tiêu dùng là các đại gia ở Sài Gòn. Do hàng hóa trốn thuế nên có giá mềm hơn giá thị trường chút đỉnh.
Vào ngày 27-11-2012, khi lô hàng trị giá hàng chục tỉ đồng từ Ý về TP HCM vừa cập bến đã bị Công an TP HCM phát hiện, bắt giữ. Kiểm tra lô hàng, các trinh sát cho biết hàng hóa nhãn hiệu D&G, Gucci được gắn giá rẻ mạc. Váy chỉ có giá 5,5 USD/cái, giày nam 3,8 USD/đôi, áo khoác nữ giá 3,7 USD/cái…Với thủ đoạn này, lô hàng chỉ đóng thuế 27 triệu đồng !
Chân dung trùm hàng hiệu Tuấn "Ý" đang bị truy nã
Khi vụ án bị phát hiện cũng là lúc Đặng Bạch Helen và Trần Văn Tuấn đã ôm hàng chục tỉ đồng cao chạy xa bay, để lại khoản nợ tại Eximbank Sài Gòn lên đến 134,6 tỉ đồng. Trong vụ án này có 2 cán bộ hải quan đã lãnh án vì thiếu trách nhiệm để cho vợ chồng Helen bành trướng việc buôn lậu tại TP HCM.