Ông Andy Ho: Tôi đang trực tiếp quản lý 1,2 tỷ USD mảng Private Equity, còn 200 triệu USD chờ giải ngân
Trao đổi trên Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital cho biết, hiện các quỹ đầu tư tư nhân vẫn đang có những đánh giá tích cực và muốn đầu tư vào một số lĩnh vực của Việt Nam như lĩnh vực tài chính, khởi nghiệp, logistics, đặc biệt là lĩnh vực ESG về môi trường, văn hóa xã hội và quản trị doanh nghiệp. Hoạt động đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục phát triển ở Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới, qua đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy, nền kinh tế Việt Nam và thế giới đã trải qua những khó khăn và thách thức nhất định trong năm 2023. Chính vì vậy mà đã có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện tái cấu trúc, kêu gọi đầu tư, mua bán cổ phần doanh nghiệp…Ông nhận định thế nào về hoạt động đầu tư tư nhân Private Equity trong năm 2023 tại Việt Nam?
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital: Private equity có thể định nghĩa là đầu tư tư nhân và có thể chia làm hai loại. Loại thứ nhất là nhà đầu tư có cơ hội thẩm định về tài chính, về luật pháp, về vấn đề ESG, về văn hóa và môi trường, về quản trị doanh nghiệp. Sau đó, họ có thể thương lượng một số điều kiện đầu tư vào doanh nghiệp và có thể tham gia vào Hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp.
Loại thứ hai của Private Equity là thương lượng một số điều kiện để đầu tư vào một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trên sàn thì cũng tương đối hấp dẫn ở Việt Nam. Hiện nay, 98% doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên các đối tượng doanh nghiệp này cần một số vốn từ 10 triệu đến 50 triệu USD để phát triển, có thể giúp họ phát triển về doanh thu 20 - 30 %/năm hoặc lợi nhuận phát triển từ 15-25%/ năm đều đều trong 3 4 năm. Theo kinh nghiệm của tôi, qua 15-20 năm vừa rồi, hoạt động đầu tư tư nhân Private Equity đã và đang phát triển tích cực.
Chúng tôi từng đầu tư vào Hoàn Mỹ, rồi đầu tư vào Hòa Phát rồi vàng bạc đá quý Phú Nhuận trước khi họ lên sàn. Các khoản đầu tư thông thường từ 5 - 50 triệu USD để giúp họ phát triển, xây dựng mạng lưới mới, ban điều hành mới hay là nhà máy mới, giúp họ về vốn lưu động, cũng như giúp họ tăng trưởng thị trường ra nước ngoài để bán hàng hóa hay dịch vụ... sau đó công ty họ lên sàn niêm yết và các nhà đầu tư chiến lược khác sẽ mua lại các khoản đầu tư ban đầu.
Như vậy sau khi các quỹ đầu tư tư nhân thoái vốn sẽ mang lại một khoản lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư để họ sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí là họ sẽ kêu gọi bạn bè ở các nước tìm kiếm thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế tại Việt Nam, hình thức đầu tư Private Equity cũng chưa thực sự là một hình đầu tư quen thuộc đối với các doanh nghiệp, bởi không phải doanh nghiệp cũng sẵn sàng để cho các nhà đầu tư khác vào sở hữu số cổ phần lớn, cũng như kiểm soát nhiều hơn…Vậy làm thế nào để thúc đẩy kênh đầu tư này đối với các doanh nghiệp?
Chị nói đúng, chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Ví dụ như khi chúng tôi nhìn thấy khoảng 10 cơ hội, nhưng sau đó có thể sẽ đầu tư khoảng ba hay bốn cơ hội thôi. Mình không đồng ý với chiến lược của họ nhưng không phải là mình đúng, họ sai hay họ đúng, mình sai. Đã có những doanh nghiệp họ không đồng ý với chiến lược mà chúng tôi đưa ra, và sau đó họ huy động được vốn từ nguồn khác, thậm chí còn tích cực phát triển, thì đó cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư tư nhân Private Equity nước ngoài, tôi cũng nói với họ rằng khi đầu tư vào Việt Nam phải có một tầm nhìn lâu dài hơn. Tôi thấy là họ đầu tư Private Equity, họ đặt mục tiêu cho doanh nghiệp chỉ trong thời gian từ 3 - 5 năm, như vậy sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho chủ doanh nghiệp.
Trong khi đó, ở VinaCapital chúng tôi đầu tư lâu dài, ví dụ như đầu tư vào Hòa Phát từ 2007, vàng bạc Phú Nhuận từ 2008, Khang Điền từ 2007... Chúng tôi không tạo ra áp lực để thoái vốn cho các chủ doanh nghiệp này mà sẽ tạo ra áp lực để phát triển công việc kinh doanh của họ trong thời gian đầu tư, đến doanh nghiệp tăng trưởng ở mức độ 15% - 25% thì đưa họ lên sàn để nhiều nhà đầu tư khác nữa có thể tham gia vào sự thành công của doanh nghiệp đó.
Như ông đã trao đổi, các quỹ Private Equity mua vào cổ phần của các doanh nghiệp chưa niêm yết và thực hiện các hoạt động giúp doanh nghiệp tăng trưởng, cũng như thoái vốn khi doanh nghiệp thực hiện niêm yết… Vậy theo ông, Private Equity có phù hợp đối với các doanh nghiệp niêm yết không?
Sau khi doanh nghiệp niêm yết rồi thì cơ hội đầu tư Private Equity vẫn có. Tuy nhiên, lúc này công việc thẩm định cũng không cần thiết nữa, vì cũng họ đã minh bạch theo tiêu chí niêm yết rồi. Nhưng nếu đầu tư Private Equity, thì các nhà đầu tư cũng mong muốn thương lượng được một số điều kiện đầu tư đó là các yếu tố như doanh nghiệp sẽ tiếp tục cam kết tăng trưởng như thế nào trong 2-3 năm sắp tới, và họ cũng cần cam kết để cho nhà đầu tư Private Equity tham gia vào Hội đồng quản trị ở một hai vị trí hay tham gia vào ban điều hành…và nhà đầu tư Private Equity sẽ giúp doanh doanh nghiệp về tài chính, các chiến lược phát triển…
Vậy bước sang năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ có sự tích cực dần lên thì hoạt động Private Equity tại Việt Nam sẽ có những chuyển biến như thế nào, theo dự báo của ông?
Theo tôi, Private Equity sẽ tiếp tục phát triển, cơ hội đầu tư có rất nhiều. Tất nhiên, hiện giờ quy mô đầu tư cũng đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Cách đây 5-10-15 năm thì dòng vốn Private Equity sẽ giải ngân xấp xỉ 5-10-15 triệu USD/thương vụ, nhưng bây giờ Private Equity sẽ giải ngân từ 30-80 triệu USD/thương vụ. Hiện nay, đa số thì tôi thấy dòng vốn Private Equity tập trung vào các doanh nghiệp từ 500 triệu USD vốn hóa trở xuống và tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận khoảng 20-30%/năm.
Quan trọng là chủ doanh nghiệp, họ hiểu giá trị mà nhà đầu tư Private Equity mang lại cho họ là gì và sẽ hợp tác với họ như thế nào. Công việc của tôi là đi ngồi với các lãnh đạo của các doanh nghiệp để hiểu biết những khó khăn của họ và biết được mục tiêu phát triển kinh doanh của họ là gì thì mới có thể nhận xét là Private Equity có thể giúp được họ hay không?
Tại VinaCapital, kênh đầu tư Private Equity đã diễn ra ra sao và bên ông dự kiến sẽ đẩy mạnh kênh đầu tư này tại Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?
VinaCapital hiện giờ đang quản lý 4 tỷ USD, trong đó lĩnh vực Private Equity mà tôi trực tiếp quản lý khoảng 1,2 tỷ USD. Đa số đã giải ngân rồi và vẫn còn một số tiền khoảng gần 200 triệu USD sẵn sàng giải ngân tiếp vào những cơ hội tiếp theo.
Đồng thời, chúng tôi cũng đang tiếp tục huy động dòng vốn Private Equity ở nước ngoài để đầu tư vào một số lĩnh vực sâu hơn, ví dụ như lĩnh vực logistics. Chúng tôi đang hợp tác với hãng A.P.Moller, công ty vận chuyển vận tải lớn nhất trên thế giới (sở hữu công ty con là Maersk) đang muốn đầu tư khoảng 300 – 400 triệu USD vào lĩnh vực logistics về cảng biển, vận chuyển, kho bãi… VinaCapital đang huy động nguồn vốn này để đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng đang huy động nguồn vốn từ Mỹ, Châu Âu, Nhật, Singapore… để vào lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp. Hy vọng năm nay có thể kết thúc được quá trình huy động vốn này.
Bên cạnh đó, hiện nay, VinaCaptial đang tập trung đầu tư vào ba lĩnh vực, đó là lĩnh vực tài chính, lĩnh vực về luật và lĩnh vực ESG về môi trường, văn hóa, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Chúng tôi không muốn đầu tư vào các doanh nghiệp mà xả thải gây ô nhiễm môi trường. Thực tế thì hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng còn những thiếu sót về ESG so với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không sao, chúng tôi đầu tư vì mong muốn thể có sửa đổi và thay đổi cho doanh nghiệp để họ tăng trưởng tốt hơn trong lĩnh vực này.