Ola Electric - Từ startup gọi xe nhỏ bé đến công ty tỷ USD: Bỏ xa Uber, tham vọng soán ngôi Tesla và BYD

21/10/2022 14:18 PM | Kinh doanh

Bất kể Ola Electric có thành công hay không, hãng xe này vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy thị trường xe điện và thu về hàng triệu USD đầu tư cho quốc gia tỷ dân.

Ngày Bhavish Aggarwal đến thăm Ola Futurefactory, nhà máy sản xuất xe máy điện lớn nhất thế giới, ông phát hiện ra một lỗi nhỏ ngay lối ra vào. Người quản lý sau đó đã bị phạt chạy 3 vòng nhà máy vốn rộng tới vài mẫu Anh, theo Bloomberg.

Sự khắt khe khiến Bhavish Aggarwal trở nên nổi tiếng trong giới xe điện. Nhà sáng lập công ty chia sẻ xe lớn nhất Ấn Độ này đã bỏ xa nhiều đối thủ, trong đó có Uber, để trở thành ông chủ thương hiệu top 1 đất nước tỷ dân. Aggarwal thậm chí còn muốn Ola Electric của mình thế chân Tesla của Mỹ, BYD của Trung Quốc và trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xe điện.

Tuy nhiên, phong cách quản lý của Aggarwal không được lòng nhiều người. Nó bị cho là sẽ tác động tiêu cực lên sự an toàn và mô hình kinh doanh của Ola Electric. Nhiều cuộc phỏng vấn đã được thực hiện đối với cả nhân viên cũ và mới - những người yêu cầu giấu tên vì lo sợ bị trả thù.

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến kế hoạch sản xuất xe máy điện bị trì hoãn. Một số khách hàng còn phàn nàn rằng xe của họ tự nhiên bốc cháy, pin bị lỗi hoặc phần mềm gây tai nạn. Công ty sau đó phải thu hồi sản phẩm và công khai xin lỗi trên Twitter. Khoảng 30 giám đốc điều hành cấp cao của Ola Electric và ANI Technologies Pvt - đơn vị điều hành hoạt động gọi xe của hãng cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc chỉ sau 1 đến 2 năm cống hiến.

800x-1-2022-10-21t113336.865.jpg

Aggarwal muốn Ola Electric của mình thế chân Tesla của Mỹ, BYD của Trung Quốc và trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xe điện.

Cuối năm ngoái, khi những thách thức trong nội bộ gia tăng còn làn sóng đầu tư bắt đầu hạ nhiệt, Aggarwal tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của ANI Technologies, công ty được định giá lần cuối là 7,5 tỷ USD, theo nhà nghiên cứu CB Insights. Câu hỏi đặt ra lúc này, là liệu Ola Electric có thể đánh bại Tesla hay sụp đổ trước tham vọng quá lớn của mình.

“Tôi không muốn chọn một hành trình dễ dàng hơn cho bản thân hoặc cho Ola”, Aggarwal chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, tay vuốt ve 3 chú chó nhỏ Happy, Husky và Fatty.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG NHIỀU THAM VỌNG

Theo Bloomberg, Ấn Độ hiện là nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới. Nhu cầu tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc khiến nước này nổi lên như một giải pháp nhờ khả năng chế tạo các loại xe giá rẻ phục vụ nhiều nền kinh tế đang phát triển muốn phát triển bền vững. Ở Ấn Độ, trợ cấp chính phủ và lao động giá rẻ đang giúp chi phí sản xuất một chiếc xe điện ngang bằng, hoặc thậm chí rẻ hơn cả xe động cơ đốt trong.

“Chiếc Tesla rẻ nhất có giá 50.000 USD và gần như rất ít khu vực mua được. Trong khi đó, chúng tôi lại có lợi thế dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện với rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, từ 1.000 USD đến 50.000 USD”, Aggarwal nói.

800x-1-2022-10-21t113323.486.jpg

Aggarwal

Theo Research and Markets, thị trường xe điện Ấn Độ dự kiến đạt hơn 150 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, tức gấp khoảng 400 lần quy mô hiện tại . Chỉ vài tháng sau khi chiếc xe máy điện Ola được tung ra thị trường hồi năm ngoái, Aggarwal đã bắt đầu đăng tweet giới thiệu mẫu thiết kế xe EV cùng một trung tâm đổi mới pin. Người đàn ông này đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô truyền thống tại Ấn Độ - thứ vốn bị thống trị bởi các tập đoàn như Tata hay Mahinda trong nhiều thập kỷ qua.

Neha Singh, đồng sáng lập Tracxn Technologies, một công ty chuyên theo dõi các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bengaluru, cho biết: “Bằng cách tạo ra một điều gì đó lớn lao trong ngành công nghiệp xe điện, Bhavish Aggarwal mong muốn vươn ra thế giới. Tuy nhiên, sau một số thành công ban đầu, Ola vẫn còn một chặng đường rất dài để giúp xe điện trở thành thị trường đại chúng ở Ấn Độ”.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Aggarwal cho biết bản thân muốn gây dựng Ola một cách lâu dài và nghiêm túc. Ông tin rằng Ấn Độ có thể vượt qua các đối thủ không chỉ nhờ các mẫu xe điện quá rẻ, mà còn bằng 5G, năng lượng xanh và di chuyển bền vững. Với ông, tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu đó là “thước đo để thế giới nhìn nhận chúng ta”.

“Không có thành công nào không phải trải qua mồ hôi và nước mắt”, Bhavish Aggarwal nói.

800x-1-2022-10-21t113327.470.jpg

Thị trường xe điện Ấn Độ dự kiến đạt hơn 150 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, tức gấp khoảng 400 lần quy mô hiện tại.

Aggarwal bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình cách đây hơn một thập kỷ trong lĩnh vực gọi xe chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư và làm việc tại Microsoft, ông thành lập Ola vào năm 2010 cùng Ankit Bhati, một người bạn cùng lớp tại Học viện Công nghệ Mumbai Ấn Độ. Công ty, được hợp nhất với tên ANI Technologies Pvt, ban đầu chỉ đơn thuần cung cấp taxi cho các nhóm du lịch, sau đó nhanh chóng chuyển hướng sang dịch vụ gọi xe. TVG Krishnamurthy, 78 tuổi, thành viên hội đồng quản trị của ANI Technologies, đã gọi Aggarwal là “a quick learner” (người học hỏi nhanh).

“Ngày chủ nhật hôm đấy, chúng tôi đang trò chuyện và anh ấy hỏi, không biết thị phần của Ola sẽ như thế nào trong lĩnh vực chạy xe Ấn Độ”, Krishnamurthy nhớ lại cuộc trò chuyện cách đây 10 năm với Aggarwal.

Mô hình kinh doanh của Ola phát triển mạnh khi người Ấn Độ thành thị nhanh chóng đón nhận dịch vụ gọi xe mới. Khi Uber Technologies bắt đầu hoạt động tại Ấn Độ vào năm 2013, Aggarwal thúc đẩy nhân viên cố gắng vượt qua Uber, đồng thời ưu tiên tiếp cận giới chức, quan hệ công chúng và hỗ trợ người lái xe.

Ola sau đó thu hút được hơn một triệu tài xế và mở rộng quy mô hoạt động tới hàng chục thành phố. Cuối năm 2014, trong khi hoạt động của Uber tại Ấn Độ bị ảnh hưởng, Ola vẫn tăng trưởng đều đặn và hút được một lượng lớn các nhà đầu tư từ Temasek và Warburg Pincus.

800x-1-2022-10-21t113331.072.jpg

Ola thu hút hơn một triệu tài xế và mở rộng quy mô hoạt động tới hàng chục thành phố.

NỘI BỘ LỤC ĐỤC

Năm 2017, Aggarwal thành lập Ola Electric và bắt đầu sản xuất xe điện. Việc ông sử dụng thương hiệu Ola cho dự án riêng này đã khiến nhiều nhà đồng sáng lập bất bình, theo Bloomberg.

“Tôi nghĩ rằng thật không công bằng khi tạo gánh nặng cho người khác. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư có thể không tham gia dự án này. Ai muốn đầu tư thì đã đầu tư rồi”, Aggarwal nói.

Phần lớn thời gian được Aggarwal dùng để gây dựng Ola Electric. Thông thường, các công ty xe điện phải mất ít nhất vài năm để thành hình, song ông lại muốn rút ngắn thời gian để nhanh chóng cạnh tranh với các đối thủ địa phương như Ather Energy, công ty đã dành vài năm để phát triển pin và hàng tháng trời kiểm định chất lượng trên 100 chiếc xe tay ga đầu tiên trước khi bắt đầu cho sản xuất hàng loạt.

Tháng 3/2021, Aggarwal đã lên kế hoạch cho 10 dây chuyền sản xuất với công suất hàng năm lên tới 10 triệu chiếc xe tay ga. Ông hy vọng sẽ xuất khẩu xe sang châu Âu và châu Mỹ Latinh. Sáu tháng sau, nhà máy Ola Futurefactory ra đời. Chiếc xe đầu tiên đã được tung ra thị trường vào năm 2021.

Thay vì sử dụng mô hình đại lý, Ola Electric tiếp cận người mua thông qua phương tiện truyền thông xã hội - chiến thuật chưa một nhà sản xuất ô tô nào từng kinh qua.

Toàn bộ quá trình sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm hàn ma sát siêu âm để tạo ra hàng trăm kết nối trong mỗi bộ pin. Dây chuyền lắp ráp không gây tiếng ồn và được robot hỗ trợ.

800x-1-2022-10-21t113701.086.jpg

Địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất xe điện Ola vào tháng 3/2021.

Tuy nhiên, mạng xã hội luôn là con dao hai lưỡi, những lời phàn nàn bắt đầu xuất hiện. Người mua bắt đầu phàn nàn về sự khó chịu trong việc giao hàng chậm trễ, pin quá nóng và xe tay ga bốc cháy. Họ còn mỉa mai xe điện của Ola cần thềm bình cứu hỏa.

Tình hình bắt đầu trở nên căng thẳng, nhất là khi văn hóa thù địch hình thành trong Ola. Nhân viên ai nấy đều mệt mỏi khi chứng kiến Aggarwal nổi giận và xé toạc các bản báo cáo chỉ vì chúng thiếu đánh số trang. Các cuộc họp thường cũng chỉ kéo dài 10 phút sau khi Aggarwal mất kiên nhẫn trước những lỗi sai vụn vặt.

Một số giám đốc điều hành, bao gồm cả cựu giám đốc tài chính Ramesh Bafna của Zilingo, đã quyết định không gia nhập Ola Electric chỉ vài ngày sau khi nhận việc. Một số người ví việc thực hiện kỳ vọng ở Ola Electric giống như “chạy marathon nước rút” vậy.

“Không phải ai cũng phù hợp với văn hóa của chúng tôi,” Aggarwal nói khi được hỏi về phong cách quản lý của mình. “Không có tiêu chuẩn thế giới nào về một môi trường làm việc đồng đều cả”.

Tuy nhiên, những thách thức kinh doanh của Ola Electric đang trở nên rõ ràng hơn trong những tháng gần đây. Doanh số bán xe tay ga vẫn chưa tăng. Theo báo Business Standard, lượng xe đăng ký giảm 35% trong tháng 7 so với tháng 6.

Dẫu vậy, theo giới chuyên gia, cho dù Ola Electric có thành công hay không, những người hâm mộ Aggarwal vẫn ngầm hiểu rằng chính ông là người đã thúc đẩy thị trường xe điện và thu về hàng triệu USD đầu tư cho quốc gia tỷ dân.

“Ngày còn nhỏ, tôi được dạy rằng Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển. Trách nhiệm của thế hệ chúng tôi là thay đổi điều này và bây giờ chính là thời điểm thích hợp”, Aggarwal nói.

Theo: Bloomberg





Huệ Anh

Từ khóa:  xe điện
Cùng chuyên mục
XEM