Ở Việt Nam các đại gia bất động sản đi lập hãng hàng không, còn tại Mỹ các hãng bay mở rộng kinh doanh resort và khách sạn
Theo các nhà điều hành Allegiant Air, có tới 85% khách hàng của họ mua vé máy bay đầu tiên khi lên kế hoạch đi du lịch.
Mới đây, theo thông tin từ Phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội, CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh mới và đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air.
Cùng với việc đổi tên, ngành nghề kinh doanh chính của Vinpearl Air cũng được đổi từ Kinh doanh bất động sản sang Vận tải hành khách hàng không. Cũng theo thông tin từ Vingroup, Tập đoàn đã quyết định mở trường đào tạo phi công và thợ máy để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không dân dụng trong nước và khu vực.
Có thể nói, những thông tin trên cho thấy dường như đã đến lúc Tập đoàn Vingroup tham gia vào cuộc chơi hàng không – du lịch. Trước Vingroup, Tập đoàn FLC đã thành lập hãng hàng không Bamboo Airways và chính thức đưa vào vận hành đầu năm nay. Bên cạnh đó, đơn vị lữ hành Vietravel cũng cho biết sẽ gia nhập lĩnh vực hàng không.
Trên thực tế, chiến lược kết hợp giữa hàng không và du lịch cũng không còn quá xa lạ trên thế giới. Dù vậy, trái với xu hướng ở Việt Nam đó là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng như FLC hay Vingroup mở rộng thêm kinh doanh hàng không, thì các doanh nghiệp hàng không Mỹ lại tìm cách tối ưu hóa nguồn lực từ hành khách để kinh doanh thêm lĩnh vực resort nghỉ dưỡng.
Điển hình có thể kể đến Allegiant, một công ty đại chúng có vốn hóa thị trường đạt mức 1 tỷ USD vừa công bố kế hoạch tham gia vào lĩnh vực resort dựa trên hàng chục triệu hành khách sẵn có của hãng hàng không thuộc sở hữu của công ty này.
Allegiant Air là hãng hàng không giá rẻ của Mỹ, thuộc sở hữu của Allegiant Travel Co. cung cấp các chuyến bay theo lịch trình và thuê chuyến. Một trong những chiến lược kinh doanh của Allegiant là thu hút khách du lịch giữa các thành phố nhỏ và sân bay thứ cấp.
Mới đây, công ty đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một khu nghỉ dưỡng trị giá 470 triệu USD ở Tây Nam Florida. Sunseeker Resorts Charlotte Harbor sẽ gồm nhiều tòa khách sạn, mỗi khách sạn 9 tầng với 500 phòng tiêu chuẩn và 180 phòng lưu trú kéo dài có mức giá trung bình hơn 200 USD/đêm.
Tổng quan thiết kế Sunseeker Resort.
Dự kiến, đây sẽ là một khách sạn cao cấp tương tự như khách sạn Hilton với phòng hội nghị, phòng tổ chức sự kiện, hàng chục quán bar, nhà hàng, bến du thuyền và lối vào một sân golf tư nhân có xe đưa đón.
Giám đốc điều hành của Allegiant định vị Sunseeker như một mạng lưới xuyên quốc gia gồm các khách sạn thuộc sở hữu hay quản lý của Allegiant, sân golf và trung tâm giải trí gia đình, phần lớn dựa trên lượng khách hàng từ hoạt động kinh doanh hàng không cốt lõi của họ.
Cơ hội và thách thức
Kể từ khi Allegiant công bố kế hoạch phát triển Sunseeker Resorts gần hai năm trước, sự tăng trưởng về giá cổ phiếu của hãng đã khiến các đối thủ cạnh tranh như hãng hàng không Miramar sốt ruột. Không những vậy, lĩnh vực hàng không cốt lõi của Allegiant cũng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như không hào hứng với dự định này. Một người chia sẻ: "Tôi hiểu chiến lược nhưng không đồng ý với điều đó. Nếu bạn là một nhà đầu tư và muốn rót tiền vào một hãng hàng không giá rẻ có uy tín, đó sẽ là Spirit hoặc Allegiant. Nhưng có lẽ giờ đây bạn sẽ chọn không đầu tư vào Allegiant bởi nó đã trở thành một công ty hàng không – khách sạn".
Các nhà lãnh đạo Allegiant đã vấp phải không ít sự phản đối và chỉ trích từ các bên. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định chi 50 triệu USD để giải phóng mặt bằng và dự kiến sẽ chi thêm 420 triệu USD để hoàn thành Sunseeker. Ngoài ra, công ty đã chuẩn bị để mất khoảng 17 triệu USD trong năm nay từ các hoạt động không liên quan đến hàng không của mình. Những quản lý cấp cao có thể không đánh cược tương lai công ty vào Sunseeker nhưng họ đang đánh cược số phận của mình tại Allegiant với dự án mạo hiểm này.
Theo ông Micah Richins, người điều hành Sunseeker Resort, việc xây dựng và phát triển dự án sẽ là động lực của bất cứ kế hoạch nào trong tương lai và củng cố niềm tin của khách hàng với công ty.
Từ ngày trước, Allegiant vốn nổi tiếng với việc thành công dù cơ hội này là rất nhỏ. Mô hình kinh doanh cốt lõi của họ dựa trên việc bay đến các thành phố vừa và nhỏ, những nơi mà các hãng hàng không lớn thường bỏ qua.
Năm 2006, Allegiant chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đến nay, hãng đã vận chuyển gần 14 triệu hành khách mỗi năm, trong đó hơn 8 triệu người đi và đến từ Florida. Đội bay của hãng gồm 80 máy bay với gần 450 chặng bay khác nhau. Tính theo số lượng hành khách, Allegiant là hãng hàng không lớn thứ 9 tại Mỹ và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Allegiant là hãng hàng không lớn thứ 9 tại Mỹ tính theo số lượng hành khách.
Lợi thế kết hợp hàng không với du lịch nghỉ dưỡng
Các giám đốc điều hành cho biết họ đặt tên công ty là Allegiant Travel Company chứ không phải là Allegiant Airlines như một cách khẳng định họ sẽ không chỉ kinh doanh hàng không.
Kế hoạch về Sunseeker bắt đầu từ mùa thu năm 2016, khi công ty bổ nhiệm John Redmond làm chủ tịch. Ông là cựu chủ tịch và giám đốc điều hành MGM Grand Resorts và là thành viên hội đồng quản trị Allegiant được 8 năm. Vì chưa bao giờ đặt chân đến Florida, ông đã dành một tháng ở bang này, lái xe khắp nơi để khảo sát các địa điểm tiềm năng.
Cuối cùng, ông chọn Port Charlotte vì nhiều lý do khác nhau. Một trong số đó là vì hầu hết các khách sạn xung quanh để nhỏ và cũ kỹ - lặp lại chiến lược nhằm vào thị trường nhỏ, ít cạnh tranh và chi phí thấp hơn trong lĩnh vực hàng không của công ty. Quan trọng hơn là Port Charlotte gần sân bay Punta Gorda, nơi Allegiant đưa đón hơn 1,5 triệu hành khách mỗi năm.
Bên cạnh đó, Sunseeker cũng chỉ cách sân bay quốc tế St. Pete-Clearwater 90 phút lái xe, nơi Allegiant vận chuyển hơn 2 triệu hành khách mỗi năm. Trên thực tế, Allegiant cho biết họ có thể lấp đầy các phòng của Sunseeker bằng cách thu hút 1 trong 15 khách du lịch nội địa mà hãng hàng không đưa đến St. Pete-Clearwater.
Theo các nhà điều hành Allegiant, họ sở hữu một con "át chủ bài" là hãng hàng không giá rẻ của mình. Có tới 85% khách hàng của họ mua vé máy bay đầu tiên khi lên kế hoạch đi du lịch.
Và do không bán vé trên trang web của bên thứ ba nên chính Allegiant là điểm bán hàng đầu tiên cho những khách hàng đó. Đây sẽ là lợi thế lớn trong việc quảng cáo khu nghỉ dưỡng trong tương lai. Tất nhiên, hành khách mua vé máy bay của Allegiant sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi đặt phòng và sử dụng dịch vụ tại Sunseeker.
Redmond chia sẻ: "Khi Sunseeker đi vào hoạt động, sẽ khó có đơn vị nào có thể chiến thắng chúng tôi trong cuộc chiến cạnh tranh về vé may bay. Những người đặt phòng nghỉ tại resort có thể được tặng vé máy bay miễn phí. Chúng tôi chấp nhận từ bỏ lợi nhuận bán vé nhưng lại thu về một khoản đáng kể từ chi tiêu của khách hàng tại Sunseeker".
Trong khi một số nhà đầu tư hiện hữu vẫn còn hoài nghi về kế hoạch xây dựng Sunseeker, nhiều người khác đang tỏ ra quan tâm với dự án này, Tháng 3 vừa qua, công ty TPG đã đồng ý đầu tư 175 triệu USD vào Sunseeker Resort.