Ô tô chiếm đường, đẩy xe máy lên hè: Cao điểm phạt ô tô 3-5 triệu, tước GPLX

07/01/2021 17:26 PM | Xã hội

Giao thông Hà Nội giờ cao điểm luôn ùn ứ nghiêm trọng, ô tô chiếm hết lòng đường, đẩy xe máy trèo lên vỉa hè, còn người đi bộ thì chỉ còn nước 'bay'. CSGT Hà Nội lên kế hoạch cao điểm xử lý ô tô, xe máy đi sai làn

Vào giờ cao điểm, nhiều người điều khiển xe máy phải "trèo" vỉa hè vì lòng đường kín đặc phương tiện.
Vào giờ cao điểm, nhiều người điều khiển xe máy phải "trèo" vỉa hè vì lòng đường kín đặc phương tiện.


Trao đổi với PV, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) xác nhận: "Tình hình ùn ứ giao thông vẫn diễn ra trên các tuyến nội đô, trục chính, vành đai trọng điểm của TP Hà Nội, nhất là trong các khung giờ cao điểm".

Theo Trung tá Vinh, nguyên nhân là do hạ tầng giao thông không đáp ứng được sự gia tăng quá nhanh của phương tiện tham gia giao thông; các công trình thi công gây cản trở giao thông; cũng có khi ùn tắc nghiêm trọng vì những cơn mưa kéo dài do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ngập úng diện rộng...

Ô tô chiếm đường, đẩy xe máy lên hè: Cao điểm phạt ô tô 3-5 triệu, tước GPLX - Ảnh 1.
Xe ô tô chiếm hết các làn đường, "đẩy" xe máy lên vỉa hè. (Ảnh: Anh Hùng)

"Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy là ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tình trạng  đi xe máy không đội mũ bảo hiểm; người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định,… vẫn diễn ra, gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT)", Trung tá Trần Quang Vinh nói thêm.

Ô tô chiếm đường, đẩy xe máy lên hè: Cao điểm phạt ô tô 3-5 triệu, tước GPLX - Ảnh 2.
Ô tô chiếm kín tất cả mọi làn đường, xe máy buộc phải đi trên vỉa hè trở thành "làn đường bất đắc dĩ" trong giờ cao điểm. (Ảnh: Anh Hùng)

Phát hiện và xử lý vi phạm là việc cần phải thực hiện nghiêm để có thể thực hiện mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trung tá Trần Quang Vinh khẳng định: "Hiện nay, đơn vị đã lên kế hoạch cao điểm, chuyên đề xử lý vi phạm TTATGT, trấn áp tội phạm; lên phương án huy động lực lượng chỉ huy, điều khiển giao thông, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông, thông báo phân luồng giao thông....

Bên cạnh đó, thực hiện các phương án khai thác, sử dụng hiệu quả trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông, thông qua hệ thống camera giám sát kịp thời phát hiện tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông, trên khai các biện pháp phân luồng từ xa, phòng ngừa ùn tắc; chủ động phối hợp với các đơn vị, công an các tỉnh giáp ranh xây dựng các phương án phân luồng, bảo đảm giao thông, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng trên địa bàn Thủ đô".

Về việc xử phạt các phương tiện vi phạm đi sai làn đường, Trung tá Vinh khẳng định, quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ rõ: Người điều khiển xe ô tô đi không đúng phần đường, làn đường bị phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng, tước GPLX 1-3 tháng.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi trên hè phố sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

Mới đây, trong buổi phát biểu tại lễ ra quân năm an toàn giao thông 2021 tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh mục tiêu của TP trong năm 2021 là giảm 5-10% TNGT ở cả 3 tiêu chí, giảm ùn tắc, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Ông đề nghị các sở, ngành và các quận, huyện huy động tối đa lực lượng để phân luồng, không để xảy ra ùn tắc ở các tuyến cửa ngõ, đường vành đai ra, vào nội đô và các trạm thu phí BOT trước, sau các kì nghỉ lễ, Tết sắp tới.

Ngoài ra, ông Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy.

Trong chỉ đạo vừa đưa ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm ô tô, xe máy đi lên vỉa hè, đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông, ngăn chặn, không để đua xe trái phép.

Hải Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM