Ở nước này ai cũng có thể biết tiền lương của đồng nghiệp: Chỉ cần gõ tên, tất cả đều được minh bạch trên mạng!
Ở Na Uy, tiền lương không phải là một bí mật. Bất cứ ai cũng có thể biết được người khác kiếm được bao nhiêu tiền – và ít ai cảm thấy khó chịu về điều đó.
Trong quá khứ, lương của người Na Uy được công khai trong một cuốn sách. Một danh sách thu nhập, tài sản và số tiền thuế mà họ đã trả có thể được tìm thấy trên kệ sách của một thư viện công cộng. Ngày nay, những thông tin như vậy được lưu trữ trực tuyến và chỉ cần một thao tác là có thể tìm hiểu được.
Sự thay đổi này diễn ra vào năm 2001, và nó đã có một tác động tức thời. Tom Staavi, một cựu biên tập viên kinh tế của nhật báo quốc gia VG, cho biết: “Nó trở thành sự giải trí thuần túy cho nhiều người. Có giai đoạn, bạn tự động được thông báo về số tiền bạn bè trên Facebook của bạn kiếm được, đơn giản chỉ bằng cách đăng nhập vào Facebook. Nó đã trở nên lố bịch.”
Theo Staavi, tính minh bạch quan trọng ở Na Uy một phần vì người dân quốc gia này phải trả thuế thu nhập cao – trung bình 40,2% so với 33,3% ở Vương quốc Anh, theo Eurostate, trong khi mức trung bình của EU là 30,1%.
Ông chia sẻ: “Khi bạn phải trả nhiều như vậy bạn cần biết người khác cũng đang làm điều đó, và bạn phải biết rằng số tiền đó đến được nơi nào đó hợp lý. Chúng tôi (cần) tin tưởng và tín nhiệm vào cả hệ thống thuế và hệ thống an sinh xã hội.”
Điều này được cho là tốt hơn rất nhiều so với những vấn đề có thể được gây ra bởi sự ghen tị. Thực tế, ở hầu hết các nơi làm việc, mọi người biết khá rõ đồng nghiệp của họ đang nhận được bao nhiều tiền mà không cần tìm kiếm thông tin về tiền lương của họ.
Lương trong nhiều lĩnh vực được xác định thông qua các thỏa thuận tập thể và sự chênh lệch về tiền lương là tương đối nhỏ.
Tiền lương chênh lệch giữa 2 giới cũng nhỏ so với tiêu chuẩn quốc tế. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Na Uy đứng thứ 3 trong số 144 quốc gia về bình đẳng tiền lương cho cùng một công việc.
Vì vậy, những con số xuất hiện trên Facebook có lẽ không khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng có thời điểm, Tom Staavi và những người khác đã vận động chính phủ đưa ra các biện pháp khuyến khích người dân suy nghĩ kỹ trước khi rình mò chi tiết tiền lương của một người bạn, hàng xóm hoặc đồng nghiệp.
Bây giờ, người dân Na Uy phải đăng nhập bằng số chứng minh nhân dân để có thể truy cập vào dữ liệu thuộc trang web của cơ quan thuế, và trong 3 năm gần đây, họ không thể tìm kiếm một cách ẩn danh.
Hans Christian Holte, người đứng đầu cơ quan thuế của Na Uy giải thích: “Kể từ năm 2014, bạn đã có thể tìm ra người nào đã tìm kiếm thông tin của mình. Chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, chỉ còn bằng 1/10 lượng tìm kiếm trước đây. Tôi nghĩ nó đã loại bỏ được tâm lý dòm ngó.”
Có khoảng 3 triệu người nộp thuế ở Na Uy trong tổng dân số 5,2 triệu người. Cơ quan thuế đã ghi nhận 16,5 triệu tìm kiếm trong năm trước khi những biện pháp hạn chế được áp đặt. Hiện tại, chỉ có khoảng 2 triệu tìm kiếm/năm.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, 92% người nói rằng họ không tìm kiếm tiền lương của bạn bè, gia đình hoặc người quen.
Các danh sách thuế chỉ cho biết thu nhập ròng, tài sản ròng và thuế đã nộp của một người. Ví dụ, một số người có danh mục bất động sản lớn có thể giàu hơn rất nhiều so với con số xuất hiện trong danh sách vì giá trị tài sản chịu thuế thường thấp hơn rất nhiều so với giá trị thị trường hiện tại.
Người dân Na Uy có thể biết được bất cứ ai kiếm được bao nhiều tiền và thuế họ phải trả từ năm 1814 thông qua những cuốn sách chứa dữ liệu thu nhập và thuế được xuất bản thường niên.
Trong quá khứ, tính minh bạch trong lĩnh vực này cũng đem lại nhiều tác động xấu như sự ghen tị giữa những người hàng xóm hay việc trẻ em bị bắt nạt ở trường họp do cha mẹ chúng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, ông Holte cho rằng chính phủ hiện đang đạt được sự cân bằng.
Các tìm kiếm nặc danh không còn được cho phép làm nản lòng bọn tội phạm muốn tìm kiếm người giàu có để cướp bóc. Nhưng những hạn chế được đưa ra vào năm 2014 đã không ngăn những người tố giác báo cáo về những trường hợp họ thấy đáng ngờ.
Ông Holte cho biết: “Chúng tôi mong muốn mọi người tìm kiếm để giúp chúng tôi điều tra trốn thuế và số lượng những lời mách nước chúng tôi nhận được không hề thuyên giảm. Có thể hiện tượng dòm ngó, thọc mạch đã ít nhiều biến mất, nhưng bạn vẫn có những lý do chính đáng để tìm kiếm và tận dụng những hiệu ứng tốt của việc công khai tài chính.”