Ở nhà mãi cũng chán nhưng đâu phải ai cũng có nhà để ở: Khi việc đơn giản với chúng ta lại là điều ‘xa xỉ’ của người khác!

14/04/2020 16:31 PM | Xã hội

Làm thế nào để rửa tay mà không có bồn rửa? Dự trữ thực phẩm mà không có tiền? Hay ở yên trong nhà khi đường phố là nơi trú ẩn của bạn?

Khi đường phố là nhà

Nhiều tuần qua, chính phủ Ý đã truyền tải thông điệp quan trọng tới người dân để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh: Hãy ở nhà! Nhưng đối với hàng ngàn người vô gia cư hay người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực ở Rome, tránh xa đường phố trong thời gian này là việc gần như không thể.

Bà Francesca Zuccari, điều phối viên phụ trách các dịch vụ cho người nghèo khổ của tổ chức từ thiện St. Egidio nói về 8.000 người đang bơ vơ trên những con đường vắng tanh ở Rome: "Thông điệp ở trong nhà đối với họ là bất khả thi vì họ không có nơi nào để đi cả. Họ là những dễ bị tổn thương nhất và tiếp xúc với nhiều người nhất".

Ở nhà mãi cũng chán nhưng đâu phải ai cũng có nhà để ở: Khi việc đơn giản với chúng ta lại là điều ‘xa xỉ’ của người khác! - Ảnh 1.

Ở Rome, có khoảng 8.000 người vô gia cư.

Đến nay, Ý ghi nhận hơn 159.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 20.000 ca tử vong (đứng thứ 2 thế giới). Để ngăn chặn sự bùng phát dịch, chính phủ Ý đã đưa ra một loạt biện pháp hà khắc để hạn chế người dân ra ngoài và tụ tập nơi công cộng.

Tuy nhiên, việc đơn giản nhất như tuân thủ quy định của chính phủ lại trở thành điều "xa xỉ" đối với những người nghèo nhất ở quốc gia này. Bạn làm thế nào để rửa tay khi không có bồn rửa? Dự trữ thực phẩm mà không có tiền? Hay ở yên trong nhà khi đường phố là nơi trú ẩn của bạn?

Mất ‘thu nhập’, chịu đói vì đại dịch

Dù một số nhà ăn và nơi trú ẩn cho người vô gia cư ở Rome vẫn mở nhưng "thu nhập" đến từ việc ăn xin của họ đã bị cắt đứt. Việc nhà hàng và quán bar đóng cửa cũng vô tình khiến họ không có nơi nào để dùng nhờ nhà vệ sinh.

Bà Zuccari chia sẻ: "Người dân được khuyến cáo rửa tay thường xuyên nhưng người vô gia cư không biết phải làm điều đó ở đâu".

Quan trọng hơn, sự gián đoạn do đại dịch gây ra cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ bị đói. 3 ngày/tuần, người vô gia cư có thể thưởng thức bữa ăn nóng tại nhà ăn từ thiện do tổ chức St. Egidio chuẩn bị ở khu vực trung tâm thủ đô.

Những ngày khác, các tình nguyện viên cung cấp suất cơm tối tại những nơi tập trung nhiều người vô gia cư như nhà ga chính ở Rome. Mỗi tuần, trung bình tổ chức này phát khoảng 2.500 hộp cơm.

Bà Zuccari cho biết các suất ăn đã tăng lên do nhu cầu tăng và đó cũng là cách để mọi người biết rằng họ không bị bỏ rơi trong đại dịch. Trên con phố Trastevere vốn tấp nập nay im ắng lạ thường, vào một buổi chiều gần đây chỉ có một vài người lang thang và điểm đến của họ là nhà ăn từ thiện của St. Egidio.

Vì yêu cầu giãn cách xã hội, mọi người phải ngồi cách xa nhau hơn bình thường và số người cùng dùng bữa một lúc phải giảm xuống. Do đó, nhà ăn đã mở cửa lâu hơn để tất cả đều được no bụng.

Tổ chức St. Egidio

St. Egidio là một hiệp hội Công giáo ra đời năm 1968 với mục đích giúp đỡ người nghèo của thành phố. Bà Zuccarri đã tham gia từ hơn 40 năm trước. Bà chia sẻ với New York Times: "Tôi còn rất trẻ khi tham gia St. Egidio. Lúc đó, có khoảng 70.000 người sống trong các khu ổ chuột ở Rome".

Thời gian gần đây, tuy nhu cầu tăng nhưng số người nhận được suất ăn lại giảm vì việc di chuyển trong thành phố bị hạn chế. Người vô gia cư thậm chí còn bị cảnh sát chặn lại và họ rất sợ hãi.

Theo quy định, ai vi phạm luật kiểm dịch của Rome có thể phải đối mặt với mức phạt 220 USD và tối đa 3 tháng tù giam. Không ít người vô gia cư đã di chuyển đến gần Vatican, nơi tổ chức từ thiện của Giáo hoàng phân phát đồ ăn và bố trí vòi hoa sen.  

Các tổ chức từ thiện như St. Egidio đang nỗ lực kêu gọi quyên góp tiền để mua thêm khẩu trang, thực phẩm và nước rửa tay cho người vô gia cư. Một số tình nguyện viên lớn tuổi của tổ chức tạm thời đang không thể tham gia vào công tác phân phát đồ ăn do khuyến cáo ở nhà đối với người cao tuổi của chính phủ.

Ở nhà mãi cũng chán nhưng đâu phải ai cũng có nhà để ở: Khi việc đơn giản với chúng ta lại là điều ‘xa xỉ’ của người khác! - Ảnh 3.

Duni

Cùng chuyên mục
XEM