Ở một hội nghị “doanh nghiệp đông quá sức tưởng tượng”
Đầu giờ ban tổ chức phải kê thêm rất nhiều ghế mới đủ chỗ ngồi, cuối giờ không ít cánh tay vẫn giơ lên muốn được hỏi tiếp và hội trường vẫn kín chỗ...
Đó là quang cảnh của hội nghị phổ biến nghị định 15/2018/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức ngày 23/2.
Theo giới thiệu của ban tổ chức hội nghị thì có khoảng 150 doanh nghiệp được mời tham dự. Nhưng ngay từ khi khai mạc số người đếm vội cũng đã gấp khoảng ba lần.
Phát biểu kết thúc lúc gần 12h, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nói rằng ông rất bất ngờ khi hội nghị diễn ra vào mùng 8 Tết Nguyên đán, tức là mới đầu "tháng ăn chơi" mà doanh nghiệp đến đông quá sức tưởng tượng. Đấy là một số doanh nghiệp phía nam cũng muốn tham dự nhưng không mua được vé máy bay, ông Trung cho biết thêm.
Vì đâu mà doanh nghiệp dành sự quan tâm đặc biệt đến thế với "sự kiện" này? câu trả lời từ một số chuyên gia của VCCI và của một số doanh nhân rất đơn giản: bị hành lâu quá rồi, bức xúc quá nhiều rồi, nay tháo gỡ được thì mừng chứ sao nữa!
Việc nghị định 15 mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp thế nào thì không thể nói đầy đủ trong khuôn khổ có hạn của một bài báo. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khái quát rằng sự ra đời của nghị định này đặt dấu chấm hết cho thời kỳ gian nan của các doanh nghiệp khi thực hiện nghị định 38 /2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm - một nghị định hết sức hành chính và hình thức.
Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung từng nhận xét dự thảo Nghị định 15 sửa Nghị định 38 nói trên "tốt đến mức mà doanh nghiệp đang chờ ký hàng ngày hàng giờ".
Ngày 2/2/2018 mong chờ của doanh nghiệp thành hiện thực. Việc Nghị định 15 có hiệu lực ngay từ ngày ký được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh là rất ít khi xảy ra.
Thế nhưng, xem ra không chỉ vì mừng quá mà hàng trăm đại diện doanh nghiệp không được mời cũng cứ đến dự.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI thì sở dĩ phải có hội nghị phổ biến Nghị định 15 vì nghị định này có hiệu lực từ 2/2/2018, ngay sau lúc ban hành nhưng nhiều cơ quan nhà nước không chịu thực hiện, đang chần chừ với lý do là chưa nhận được thông tin.
Phần đối thoại tại hội nghị cũng có ý kiến phản ánh rằng quy định tại nghị định làm cho doanh nghiệp rất nức lòng nhưng cơ quan chức năng ở địa phương vẫn từ chối áp dụng vì chưa nhận được tài liệu cần thiết.
Hồi âm phản ánh này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong nói: tỉnh nào từ chối áp dụng thì cứ phản ánh lên các bộ có chức năng, nhất là Bộ Y tế.
Ông Phong cũng lưu ý, Nghị định này là Chính phủ ban hành, Bộ Y tế chỉ là cơ quan đầu mối để tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động để tham mưu cho Chính phủ.
Dù vậy, dường như ý thức rất rõ về vai trò của Bộ Y tế trong "gác cửa" an toàn thực phẩm, ông Phong không chỉ đến một mình mà còn đến cùng khá nhiều cán bộ cấp dưới. Và trong suốt hơn một giờ đồng hồ, hàng chục thắc mắc của các doanh nghiệp đã được các vị này giải đáp khá rõ ràng, rành mạch.
Có doanh nhân hỏi rằng, tỏi đen có phải loại thực phẩm được tự công bố không. Câu trả lời từ ông Phong là nếu chỉ là tỏi đen thì là sản phẩm tự công bố, nhưng nếu công bố thêm là tỏi đen có công dụng hạ mỡ máu, giảm cholesterol, tốt cho tim mạch... thì phải đăng ký công bố sản phẩm vì khi đó là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Những câu hỏi cụ thể như thế, nhiều vấn đề mang tính chuyên sâu về phân loại, phụ gia, xuất nhập khẩu... đều có câu trả lời thoả đáng. Có những hồi âm từ ông Phong và cấp dưới đã nhận được sự vỗ tay tán thưởng ngay lập tức của các doanh nghiệp.
Song, dường như vẫn cảm nhận được sự lo lắng của một số doanh nhân khi quy định mới dường như chưa thực sự đi vào cuộc sống, ông Phong khẳng định không chỉ ở hội nghị này mà Cục An toàn thực phẩm lúc nào cũng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.
Không có ông cục trưởng nào đưa cả số điện thoại lên trang điện tử của Cục, ông Phong nhấn mạnh sự sẵn sàng của chính bản thân.
Vị Cục trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp còn có vấn đề gì chưa rõ thì cứ gửi qua email. "Không có chuyện đã gửi thông tin đến Cục mà không có trả lời đâu, sớm muộn sẽ có trả lời", ông Phong khẳng định.
Thông tin tiếp theo từ vị Cục trưởng này là tháng tới sẽ tổ chức hội thảo rất lớn có sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ để đối thoại với doanh nghiệp, không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm mà cả doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh...
Tinh thần là minh bạch, tôi mong các doanh nghiệp có nội dung nào chưa rõ cứ gửi ý kiến trực tiếp đến chỗ chúng tôi, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng, ông Phong nói.