'Ổ chuột' giữa Sài Gòn
Giữa lòng Sài Gòn phồn hoa vẫn còn những khu “ổ chuột” với những ngôi nhà có cả chục thành viên trong gia đình nhiều thế hệ sinh sống, bám trụ từ nhiều năm nay.
Ông Hồng cho biết, dù được tái định cư ở chung cư nhưng ông không ở mà đi thuê nhà vì dễ kiếm tiền, tiện hơn chung cư.
Ba đời “ổ chuột”
Buổi chiều một ngày đầu tháng 4, lang thang dọc các bờ kênh trên địa bàn TPHCM, chúng tôi chứng kiến hàng nghìn căn nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh cạnh những dòng kênh. Các căn nhà vài chục mét vuông được đóng cọc gỗ xuống lòng kênh rồi dùng ván ép dựng thành tường, mái che bằng bạt hay tấm tôn. Bên trong là những gia đình ba, bốn thế hệ sống chung, nhiều thập kỷ qua.
Nhập nhoạng tối, ông Trần Văn Hồng (SN 1954) ngồi bên căn nhà xiêu vẹo nằm trên bờ Kênh Tẻ, phường Tân Thuận, quận 7, đang sửa chiếc xe máy đời cũ. Phía ngoài lề đường, ông đặt chiếc máy hơi để bơm xe kiếm sống qua ngày. Ông nói căn nhà của mình nằm trong diện giải tỏa nhưng vẫn bám lại vì chưa tìm được chỗ ở mới trong khi đi nơi khác không biết làm gì kiếm sống. Ông Hồng sống tại bờ kênh này hơn 40 năm. Căn nhà chưa đầy 30m2, một phần nằm trên bờ đường, phần còn lại ngoi ra lòng kênh, cũng đủ chỗ ở cho cả nhà sinh sống. Đây là nơi trú ngụ của 3 thế hệ gần 10 người trong gia đình không có công việc ổn định.
“Dù rất muốn chuyển nơi khác ở nhưng đó là ước mơ xa vời”, ông Hồng ngậm ngùi. Hàng ngày ông ở nhà bơm vá xe, vợ ông đi giúp việc cho quán ăn, lau dọn nhà, ai thuê gì làm nấy nhưng vợ chồng ông có khi cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn mua rau. Năm người con cũng không có công việc ổn định, người làm sơn nước, người làm thợ hồ, giúp việc… nên thu nhập bấp bênh, lại phải lo cho con ăn học nên không phụ giúp được gì cho ông bà. “Nhiều hôm cả nhà ngồi ăn cơm không đủ chỗ, muốn có căn nhà cấp bốn đủ rộng cho con cháu ở mà cũng không được vì không có tiền”, ông Hồng nói.
Cùng trú ngụ trên dòng Kênh Tẻ, chị Lê Thị Linh (SN 1970) cho biết, người dân khu “ổ chuột” này luôn nơm nớp lo sợ vì không biết nhà mình sẽ trôi khi nào. “Mấy lần ngồi coi tivi thấy nhà dân ở Nhà Bè, Thủ Đức bị nước cuốn sập xuống kênh giữa đêm mà thấy run. Nhà mình chỉ có 1/3 nằm trên đất còn 2/3 là ở trên mặt kênh rồi, nhiều đêm đang ngủ mà tàu bè chạy qua nó cũng rung lắc liên hồi”, chị Linh noi.
Tại khu này, có hàng trăm hộ như ông Hồng, chị Linh, gia đình nào cũng có ba bốn thế hệ trong căn nhà lụp xụp nửa trên bờ, nửa dưới kênh sinh sống. “Trời nắng còn đỡ chứ mưa là mang nồi, chậu ra hứng nước vì mái thủng hết”, chị Linh buồn bã nói. Buồn hơn là hầu hết trẻ con ở khu “ổ chuột” này đều không được đi học, chúng ở nhà đi lượm ve chai, rửa bát cho quán ăn để kiếm cơm qua ngày.
Dọc con rạch Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh cũng có hàng chục căn nhà “ổ chuột” lụp xụp cheo leo nửa trên đường nửa lòi ra bờ kênh. Con đường dẫn vào khu dân cư “ổ chuột” này chật hẹp, luôn xộc lên mùi hôi hám của rác. Buổi chiều tà, những đứa trẻ người đen nhẻm, quần áo xộc xệch rủ nhau ra đầu hẻm chơi đùa sau một ngày lăn lộn cùng đống ve chai, vé số.
Bỏ bao tải đựng đầy vỏ chai nhựa xuống góc nhà, Nguyễn Thị Hằng (11 tuổi, ngụ phường 1, quận Bình Thạnh) cho biết, bố làm thợ hồ, mẹ đi thu mua ve chai, còn mình ở nhà trông em, phụ giúp bố mẹ đi kiếm tiền nên không được đi học. “Hai đứa em nhỏ chưa được đi học, ở nhà với ông bà ngoại. Con muốn đi học lắm nhưng bố mẹ không có tiền nên phải nghỉ để giữ em, lượm ve chai kiếm tiền, hy vọng hai em của con sau này được đi học”, Hằng nói.
Những khu nhà “ổ chuột” ở TPHCM.
Căn nhà chưa đầy 10m2 trên rạch Bùi Hữu Nghĩa, của bà Nguyễn Thị Thắm (SN 1955). Căn nhà này tồn tại hơn 30 năm qua. Bà Thắm cho biết, đây là nơi cư ngụ của gia đình ba thế hệ. Bà có hai con gái và một con trai đều đi làm thuê kiếm sống, 4 đứa cháu của bà có hai đứa được đi học, còn hai đứa lớn đã nghỉ để theo bố mẹ kiếm tiền.
Ngồi trầm ngâm bên căn nhà xiêu vẹo của mình, bà Nguyễn Thị Thắm nói chỉ có ước mơ duy nhất là các con cháu có một căn nhà cố định, một nơi mà có thể yên tâm ngả lưng sau mỗi ngày mưu sinh mệt mỏi và các cháu được đi học. “Chúng tôi đã sống ở đây qua mấy thập kỷ rồi. Ban ngày con cái đi làm, cháu đi học thì còn đỡ, chứ tối về cả nhà đông đủ thì không còn chỗ trú. Căn nhà quá nhỏ, không có vách ngăn, chỉ có vài tấm rèm che nhiều lúc vợ chồng nó sinh hoạt cũng bất tiện nhưng phải chấp nhận”, bà Thắm buồn bã.
Nhanh chóng xóa sổ những khu “ổ chuột”
Khi nghe chúng tôi nhắc đến việc di dời nơi ở, tái định cư ở một nơi mới rộng rãi, kiên cố hơn, ông Trần Văn Hồng cho biết, ông đã được đưa đi thăm khu chung cư tái định cư. Tuy nhiên, ông nói sẽ không ở nhà chung cư mà sẽ nhường lại cho con cháu, còn vợ chồng ông sẽ đi thuê nhà ở khu vực khác. “Chung cư 6 tầng nhưng không có thang máy, mỗi căn rộng khoảng 40m2, tôi già rồi đi thang bộ lên xuống cũng khó khăn mà cũng không cần ở nhà đẹp nên sẽ để lại cho con cháu, hy vọng chúng có chỗ ổn định để lo cho con ăn học, mình thuê nhà khác đi làm kiếm tiền”, ông Hồng tâm sự.
Xóa nhà “ổ chuột” ven kênh rạch đang được lãnh đạo TPHCM thực hiện một cách mạnh mẽ, đặc biệt khi thành phố đưa vấn đề chỉnh trang đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2015 - 2020. Đây là hy vọng của hàng chục ngàn người dân, những gia đình nhiều thập kỷ sống thấp thỏm trong các căn nhà ổ chuột xiêu vẹo, rách nát, có cơ hội được ở căn nhà kiên cố. Ý nghĩa hơn khi những đứa trẻ chân trần có cơ hội được đến trường học tập.
Ông Huỳnh Bá Trung Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn khoảng 2.500 hộ dân đang sống trong những căn nhà lụp xụp trên kênh rạch. Quận đang gấp rút di dời, xóa sổ những khu ổ chuột dọc kênh rạch Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Xuyên Tâm. Theo ông Nam, UBND TPHCM đã chấp nhận chủ trương tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. “Riêng rạch Bùi Hữu Nghĩa sẽ được thay thế bằng cống hộp và đang thực hiện khảo sát để lên phương án trình UBND thành phố về bồi thường, giải tỏa mặt bằng, dự kiến việc bồi thường giải tỏa con rạch này sẽ hoàn thành vào quý II năm 2017”, ông Nam nói.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố còn hơn 17.000 căn nhà lụp xụp nằm trên và ven hành lang các tuyến kênh rạch cần phải di dời. Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ hoàn thành di dời hơn 10.000 căn nhà. Riêng trong năm 2016, khoảng 2.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch sẽ được di dời...
Ô nhiễm và dịch bệnh
Song song những khu nhà “ổ chuột” là hàng ngàn “cầu tõm”- nhà vệ sinh lộ thiên được người dân sử dụng để thải trực tiếp xuống kênh rạch mặc cho nguy cơ lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Dọc bờ kênh chạy qua quận 4, 7, 8, Bình Thạnh… (TPHCM) hiện tồn tại hàng ngàn căn nhà trên mặt kênh, hàng trăm ghe, thuyền buôn bán hàng từ khu vực miền Tây đến neo đậu. Đi kèm với những căn nhà, ghe thuyền buôn bán trên kênh là những nhà vệ sinh xả thẳng xuống sông, những “cầu tõm” này được dựng bằng cọc gỗ hoặc bê tông rồi che đậy sơ sài với tấm bạt rách nát hoặc tôn đã cũ kỹ.
Ngồi nhặt rau trên sàn gỗ căn nhà lụp xụp dưới chân cầu Kênh Tẻ, quận 4, TPHCM, bà Nguyễn Thị Sa (SN 1963) cho biết, gia đình bà sống trong căn nhà này hơn 30 năm qua, chuyện vệ sinh từ đó đến nay phải nhờ vào “cầu tõm” này. “Từ rác thải sinh hoạt hàng ngày đến đi vệ sinh đều xả thẳng xuống sông”- bà Sa thừa nhận. Chỉ tay ra chiếc “cầu tõm” dựng cách nhà bếp chưa đầy 2m, cheo leo trên mặt sông, bà Sa nói: “Cả nhà gần 10 người mấy chục năm nay vẫn sử dụng cái nhà vệ sinh đó. Khi nước lên cuốn hết chất thải đi thì đỡ, nước rút, để lại chất thải lòng kênh đen ngòm, bốc mùi nồng nặc. Biết là mất vệ sinh nhưng cũng phải chịu vì không có chỗ để xây nhà vệ sinh tự hoại. Khu vực này cả trăm nhà cùng chung cảnh ngộ như thế”.
Chị Lê Thị Hạnh (quê Bến Tre) cho biết, những người dân sống trên kênh phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên thường xuyên bị đau bụng, tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em. “Trong nhà lúc nào cũng phải dự trữ thuốc tiêu chảy. Ai cũng biết đi vệ sinh, xả rác xuống kênh gây ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác mới phải sử dụng cầu tõm”, chị Hạnh nói.