Nutifood - Doanh nghiệp đề xuất tặng cầu đi bộ nghìn tỷ bắc ngang sông Sài Gòn có tiềm lực tài chính ra sao?

24/11/2023 15:57 PM | Kinh doanh

Nutifood trong quá khứ từng theo chân bầu Đức vào sân chơi bóng đá, với khoản tiền tài trợ 20 tỷ đồng (vào năm 2013) cho học viện bóng đá HAGL, cũng từng ký đầu tư dự án hợp tác nông nghiệp quy mô hơn chục nghìn tỷ đồng với Vissan và Hoàng Anh Gia Lai một năm sau đó.

Tối 23/11, thông tin từ Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood), đơn vị vừa có đề xuất với UBND TP.HCM được xây tặng một cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, kết nối quận 1 và TP Thủ Đức. Giá trị cây cầu dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo Nutifood, khi được biết chủ trương của UBND TP.HCM về việc xây dựng cây cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn, một địa điểm quan trọng không chỉ có giá trị về kinh tế, văn hóa mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, Nutifood đã quyết định chung sức, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho công trình này.

Nutifood - DN sữa muốn tặng cầu nghìn tỷ cho TP Hồ Chí Minh: Từng ký hợp tác thương vụ chục nghìn tỷ đồng với Hoàng Anh Gia Lai và Vissan - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn

"Với việc xây dựng cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn, nối liền quận 1 và thành phố mới Thủ Đức, Nutifood hy vọng người dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm một địa điểm giải trí, thư giãn đẹp mắt và các du khách phương xa sẽ có thêm một địa điểm du lịch hấp dẫn, để vùng đất này mãi xứng danh là hòn ngọc Viễn Đông", ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood chia sẻ với truyền thông.

Những thương vụ "bắt tay" với bầu Đức trong quá khứ

Năm 2013, Nutifood gây chú ý với việc mạnh tay rót tiền tỷ tài trợ cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Trần Thanh Hải cho biết, số tiền 20 tỷ đồng bắt đầu giải ngân từ năm 2013 đến năm 2017. 

Theo đó 10% sẽ tập trung gói hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc, thể trạng, sức bền cho cầu thủ lứa tuổi tiền dậy thì của học viện. 90% còn lại Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG toàn quyền sử dụng vào mục đích cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho các cầu thủ.

Đổi lại, Nutifood được gắn tên trên áo đấu của học viện, thương hiệu được xuất hiện trong các hoạt động của cơ sở đào tạo này và được sử dụng hình ảnh của HAGL Arsenal JMG phục vụ cho quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp trong năm 2013-2017. 

"Hơn 20 tỷ đồng chia đều cho 5 năm là một khoản chi phí marketing mềm so với một năm làm game show truyền hình. Theo chân HAGL vào sân chơi bóng đá cũng giúp doanh nghiệp mở rộng sự cộng hưởng trên mặt trận đối ngoại", Vnexpress dẫn lời ông Hải khi đó nói.

Sau một năm đồng hành cùng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, công ty Nutifood đã đi đến quyết định tài trợ dài hạn cho đội Hoàng Anh Gia Lai (hầu hết là cầu thủ xuất thân từ lớp năng khiếu Hoàng Anh Gia Lai và Học viện) từ năm 2015 đến 2018.

Năm 2014, mối quan hệ hợp tác giữa Nutifood và HAGL tiến lên một bước mới với dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến hợp tác cùng CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) và Vissan, được Vneconomy mô tả là "Dự án hợp tác lớn chưa từng có".

Theo đó, vào ngày 9/6/2014, tại Tp.Hồ Chí Minh, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã ký hợp tác đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt, xây dựng nhà máy chế biến với hai đối tác chiến lược là Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (Công ty Nutifood).

Tại thời điểm đó, lần đầu tiên 3 doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác đầu tư một dự án nông nghiệp quy mô hơn chục nghìn tỷ đồng. Theo đó, HAGL sẽ đảm nhiệm khâu chăn nuôi đàn đại gia súc, hai đối tác Nutifood và VISSAN sẽ cam kết thu mua thịt - sữa, cung ứng ra thị trường với giá cả cạnh tranh.

Theo dự án, Hoàng Anh Gia Lai sẽ nuôi 120.000 bò sữa và 116.000 bò thịt của Úc. VISSAN sẽ bao tiêu toàn bộ thịt và NutiFood bao tiêu toàn bộ sữa. Tuy nhiên, sau này dự án trên đã thất bại.

Nutifood có tiềm lực ra sao?

Ngoài những thương vụ hợp tác với bầu Đức trong quá khứ, Nutifood cũng có một số khoản đầu tư chiến lược khác như đầu tư vào CTCP Cà phê Phước An (UPCoM: CPA) năm 2017, qua đó tiếp quản nông trường cà phê CADA. 

Tới ngày 28/12/2022, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood công bố bán xong toàn bộ hơn 18,2 triệu cổ phiếu CPA, tương ứng 77,31% vốn của Cà phê Phước An. Phương thức thực hiện theo hình thức thỏa thuận.

Hiện nay, Nutifood còn tham gia đầu tư một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khác là CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) bằng cách trực tiếp mua cổ phiếu và sở hữu gián tiếp thông qua công ty con là Nutifood Bình Dương. Khác với cà phê Phước An, Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả với thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy chiếm thị phần hơn 90% ở Việt Nam.

Những thương vụ thất bại của Nutifood - hãng sữa muốn tặng cầu nghìn tỷ cho TP Hồ Chí Minh: Từ ý tưởng hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai và Vissan tới sở hữu hơn 77% vốn của DN cà phê thua lỗ triền miên - Ảnh 4.

Nhà máy sữa của Nutifood tại Thuỵ Điển - Nutifood

Nutifood tiền thân là một trung tâm dinh dưỡng cho trẻ em được lập ra bởi nhóm bác sĩ, sau đó phát triển thành CTCP Dinh dưỡng Đồng Tâm (Dotanu Corp) vào ngày 29/03/2000, do 4 cổ đông sáng lập gồm Hội dinh dưỡng TPHCM, Công đoàn Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, ông Huỳnh Nam và bà Trần Thị Lệ.

Được thành lập với nòng cốt là các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, NutiFood được thị trường đón nhận là một công ty dinh dưỡng luôn có những bước đi tiên phong với các sản phẩm đặc trị, lĩnh vực luôn bị các công ty sữa ngoại thống trị với giá thành cao. Biệt danh "Sữa bác sĩ" cũng chính là niềm tự hào của NutiFood và CEO Trần Thị Lệ, người vốn xuất thân là một bác sỹ dành nhiều tâm huyết về sữa dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam.

Từng tăng trưởng ngoạn mục, nhưng NutiFood đã trải qua không ít thăng trầm khi tái định vị hình ảnh thất bại, sa vào đầu tư đa ngành, liên doanh với Kinh Đô không như mong muốn, nhất là khi bà Lệ trao quyền CEO cho người khác dẫn đến hậu quả năm 2008, NutiFood lỗ tới 148 tỉ đồng.

Do tham vọng muốn đi nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn, nên đã mời những chuyên gia của công ty đa quốc gia về điều hành, tuy nhiên, chiến lược tái định vị hình ảnh lại xa rời giá trị cốt lõi là “chuyên gia dinh dưỡng”, dẫn tới thất bại nặng nề.

Trước tình thế này bà Trần Thị Lệ cùng chồng - Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Hải đã bắt đầu cuộc đại phẫu công ty từ điểm rơi thấp nhất. Sự trở lại của bà Trần Thị Lệ và chồng từ giữa năm 2008 đã đưa con thuyền NutiFood trở lại quỹ đạo hưng thịnh trước đây.

Từ đó tới nay, bà Trần Thị Lệ là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty. Chồng bà Lệ, ông Trần Thanh Hải là Chủ tịch HĐQT của Nutifood.

Theo thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất vào ngày 11/07/2023, Nutifood tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.

Tại Việt Nam, Nutifood là doanh nghiệp kinh doanh sữa với nhiều thương hiệu quen thuộc cho nhiều lứa tuổi khác nhau như Nuti GrowPLUS+, Nuvi Grow, NutiZen, Nuti Milk… Theo báo cáo thị trường của Nielsen từ tháng 5/2019 đến 6/2020, NutiFood GrowPLUS+ chiếm 22% thị phần doanh thu, chênh lệch gấp 1,77 lần doanh nghiệp đứng liền sau.

Nutifood hiện sở hữu 1 nhà máy đặt tại Thụy Điển, 1 nhà máy ở Singapore và 6 nhà máy tại Việt Nam.

Nutifood - DN sữa muốn tặng cầu nghìn tỷ cho TP Hồ Chí Minh: Từng ký hợp tác thương vụ chục nghìn tỷ đồng với Hoàng Anh Gia Lai và Vissan - Ảnh 6.

Nguồn: Nutifood




Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM