Nước Mỹ loay hoay chống virus corona: Người dân lo viện phí trên trời, chính trị gia quan tâm chiến dịch tranh cử hơn là dịch bệnh

05/03/2020 19:01 PM | Xã hội

Một bệnh nhân Mỹ kêu trời vì hóa đơn xét nghiệm virus corona làm dấy lên nỗi lo của người dân nước này nếu không may mắc bệnh, trong khi đó, các chính trị gia dường như vẫn chú tâm vào chiến dịch tranh cử hơn tình hình dịch COVID-19 bắt đầu lan đến nước Mỹ.

Nước Mỹ cuối cùng cũng phải đối mặt với mối đe dọa virus corona khi đã có 80 người nhiễm virus và 11 người chết. Người dân cuống cuồng đi mua khẩu trang, nước sát khuẩn và tích trữ nhu yếu phẩm như chuẩn bị cho một cơn báo lớn, dù cho phần còn lại của thế giới đã vật lộn với dịch COVID-19 từ đầu năm nay.

Dân Mỹ cũng có nhiều lo lắng hơn khi phải đối mặt với dịch này. Với bên ngoài, lo lắng này có vẻ kỳ lạ bởi sự giàu có và công nghệ tiên tiến của Mỹ, hệ thống y tế của Mỹ cũng rất hiện đại dường như có thể dễ dàng vượt qua dịch bệnh hơn các nước khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, tầng lớp trung lưu và người lao động bình dân không thực sự được bảo vệ về tài chính khi phải đối mặt với dịch bệnh như thế này. Không có đạo luật cấp liên bang nào trả lương cho nhân viên khi nghỉ ốm, vì vậy, ở nhiều nơi, nếu bạn không thể làm việc, bạn sẽ không được trả lương.

Trên thực tế, 10 trên 50 bang, bao gồm thủ đô và một số thành phố lớn, đã trả lương cho người lao động nghỉ ốm, nhưng những bang khác thì không.

Lấy ví dụ, tại thành phố New York, một trong những khu vực tiến bộ hơn ở Mỹ, nhiều người lao động được nghỉ ốm tối đa 40 giờ một năm, tức 5 ngày làm việc. Có nghĩa là họ được phép nghỉ ốm một giờ cho mỗi 30 giờ làm việc. Các thành phố còn lại của bang New York không có luật này.

Một số công ty có thể có những chế độ hào phóng hơn nhưng tất nhiên không dành cho các lao động có thu nhập thấp như công nhân, phục vụ bàn, thu ngân siêu thị hay người giao pizza. Những người lao động này phải chạy đua với thời gian khi bị đau họng, nhức đầu và cầu nguyện để chỉ bị cảm lạnh thường.

Kể cả nếu họ chấp nhận ở nhà và chịu tổn thất về thu nhập, thì luật ở Mỹ cũng cho phép các công ty sa thải nhân viên vì nhiều lý do và có hiệu lực ngay lập tức. Vì vậy nỗi lo mất việc là một lý do khác khiến người lao động vẫn đi làm dù họ bị ốm.

Thắc mắc tiếp theo là, chẳng phải bác sĩ ở Mỹ được trả lương cao nhất thế giới hay sao. Họ phải giúp đỡ các bệnh nhân. Nhưng điều quan trọng nằm ở chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, đây là vấn đề đã kéo dài nhiều năm.

Theo Debt.org, trung bình một người đi khám bác sĩ mà không có bảo hiểm y tế sẽ tốn từ 68-234 USD, tùy bệnh. Kể cả với những người có bảo hiểm, có thể tự mua hoặc người sử dụng lao động mua, thì một lần đi khám sẽ phải đồng chi trả 5-45 USD tùy loại bảo hiểm.

Con số đó tăng lên nếu người bệnh cần nhập viện. Trong năm 2017, số tiền trung bình mà người có bảo hiểm phải đồng chi trả là 336 USD, theo CNBC. Ngoài ra là các chi phí chăm sóc và thuốc men lên tới hàng nghìn USD. Như trường hợp của hai cha con ông Frank Wucinski sau khi được sơ tán từ Vũ Hán về lại Mỹ và buộc phải cách ly y tế, đã nhận được hóa đơn tổng cộng 3.918 USD, tới mức phải lên mạng cầu cứu cộng đồng giúp đỡ.

Tất cả những quy định này có lợi cho các công ty, tất nhiên là không tốt đối với người lao động không ổn định, và các ông chủ thu được thêm nhiều tiền qua việc không trả lương khi nhân viên nghỉ ốm, đau hoặc kiệt sức.

"Nếu như bạn không quan tâm đến sức khỏe và phẩm giá con người thì bạn cứ yên tâm tận hưởng nó", cây viết James Wilkinson của SCMP viết.

Người ta hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi điều này và có những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa virus lan rộng giống như Trung Quốc đã phong tỏa một thành phố lớn và đóng cửa nhiều doanh nghiệp trên cả nước. Liệu ông Trump có áp dụng các biện pháp tương tự hay không, đó là câu hỏi đối với các chuyên gia về hiến pháp, nhưng dường như ông sẽ không có động thái này sớm.

Cuộc chạy đua vào ghế tổng thống năm 2021 đang nóng dần lên và ông Trump còn khá ít thời gian của nhiệm kỳ này. Những nỗ lực gây dựng hòa bình tại Afghanistan của ông đã không thành, hy vọng về một thỏa thuận với Triều Tiên cũng không đạt được và cuộc thương chiến với Trung Quốc mà ông bắt đầu từ 2 năm trước với lời hứa "dễ dàng và dễ thắng" vẫn chưa có hồi kết.

Những điều ông Trump đã làm được là thành công liên tiếp cho thị trường chứng khoán Mỹ, số lượng việc làm và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, "bắt chước" Trung Quốc không phải là sự lựa chọn của ông Trump.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 nhưng đang trên đà phục hồi, FED cũng hạ lãi suất, tình hình kinh doanh hoạt động bình thường trong một mức độ nào đó.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một phần dân số bị phong tỏa và các doanh nghiệp bị đóng cửa hàng loạt. Một khảo sát cho thấy nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc hoàn toàn sụp đổ trong tháng 2 và trước khi thông tin đó xuất hiện, Bắc Kinh cũng đã phải xem xét điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP. Do đó, ông Trump nhiều khả năng sẽ không áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

 Nước Mỹ loay hoay chống virus corona: Người dân lo viện phí trên trời, chính trị gia quan tâm chiến dịch tranh cử hơn là dịch bệnh  - Ảnh 1.

Phó tổng thống Mike Pence và các quan chức cầu nguyện trong bối cảnh dịch COVID-19 lan đến Mỹ khiến nhiều người thiếu tin tưởng các biện pháp của chính quyền. Ảnh: White House

Như đã chứng kiến 4 năm qua, ông Trump không tiếp nhận những số liệu khác với thế giới quan của ông cũng như không lên kế hoạch dài hạn, đó là lý do ông giải tán nhóm phòng ngừa dịch bệnh hồi năm 2018.

Những phản ứng gần đây của ông cũng không ổn khi bác bỏ tuyên bố của CDC về việc dịch bệnh sẽ lan đến Mỹ, sau đó ông cũng sai lầm khi nói sẽ sớm có vắc xin. Thậm chí, ông từng nói sự chỉ trích cách ông ứng phó với virus corona là trò lừa bịp của đảng Dân chủ và truyền thông đang cố phá hoại nỗ lực tái tranh cử của ông.

Cộng với việc chỉ định Phó tổng thống Mike Pence là người đứng đầu cuộc chiến chống dịch không được mọi người đánh giá cao, bất chấp việc ông Trump gọi ông Pence là chuyên gia trong việc này. Hình ảnh Phó tổng thống Pence và các thành viên trong nhóm ngồi cầu nguyện chống lại virus khiến nhiều người mong muốn chính phủ có những hành động mạnh mẽ hơn cảm thấy thiếu tin tưởng.

Dù ông Trump không nói rằng "rồi một ngày virus sẽ biến mất như một phép màu", nhưng phép màu lại là những gì người dân Mỹ cần lúc này khi hệ thống chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo còn bất cập và những nỗ lực thượng tầng không tập trung cho họ.

Tham khảo SCMP

 Nước Mỹ loay hoay chống virus corona: Người dân lo viện phí trên trời, chính trị gia quan tâm chiến dịch tranh cử hơn là dịch bệnh  - Ảnh 2.

Theo Vũ Hà

Cùng chuyên mục
XEM