Nước mắt lão ngư dân trở thành tù nhân Philippines: 'Chuyến đi kinh hoàng nhất đời'

23/01/2022 20:32 PM | Sống

Khép lại những tháng năm đầy giông gió ở Philippines, ông Lê Văn Tạo đã trở về làng chài Bình An. Nơi đó, ông được nói tiếng nói quê hương, sống một cuộc đời có thân phận...

"Ông Ba... ông ba về rồi"

"Chèn ơi, khỏe hả chú Ba..."

"Chú Ba về, ở đây ai cũng trông hết trơn"

"Về đây ở luôn nghen chú"

...

Tiếng nói, tiếng cười, tiếng chào hỏi rộn vang khắp làng chài nhỏ, có tên Bình An (thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Đó là một ngày tháng 3/2021, khi ông Lê Văn Tạo (tức ông Ba) trở về sau 18 tháng bị bắt giam tại Philippines. Bỏ lại những cô đơn, buồn tủi nơi xứ người, ông đã trở về làng chài Bình An, làm lại cuộc đời mới...

15 triệu đồng và chuyến đi không biết ngày trở về

Ông Lê Văn Tạo kể rằng, cuộc đời ông là chuỗi ngày cô độc. Ba má qua đời, anh em đều đã đi nơi khác sinh sống. Ông dựng tạm một cái chòi lá, ngày ngày đi làm thuê kiếm sống.

Phải đến năm 42 tuổi, ông mới có được vợ. Ngày ngày, vợ bán cơm tấm, ông làm thuê cho những người trong xóm. Tuy nhiên, do cờ bạc, nợ nần, vợ ông đã bỏ đi mà không còn lời từ biệt. "Hôm đó, tôi trở về nhà mà không thấy cổ đâu. Cái nồi, cái thúng… để bán cơm tấm còn để ở nhà mà cổ bỏ đi biền biệt. Người ta nói vợ tôi thiếu nợ nhiều lắm… Tôi đã nghĩ rất nhiều lần, có phải do tôi quá nghèo, nên cô ấy mới bỏ đi không.

Sau cùng, vì quá buồn, tôi quyết định theo nghề biển. Họ nói với tôi rằng, làm nghề này rất nhanh khá. Sau khi được nhận qua lời giới thiệu của người quen, ông chủ cho chúng tôi ứng trước 15 triệu đồng. Họ hỏi rằng chuyển tiền này cho ai, tôi nói tôi không có người thân nên cứ cất ở đó, về tôi sẽ lấy. Chúng tôi mua hàng chục bao gạo, dầu ăn, mắm muối… chất lên tàu. Cứ vậy, chúng tôi lênh đênh gần 2 tháng trời trên biển", ông Tạo nói.

Nước mắt lão ngư dân trở thành tù nhân Philippines: Chuyến đi kinh hoàng nhất đời - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tạo

Chỉ khi mẻ lưới đầu tiên được kéo lên, ông Tạo mới biết rằng đây không phải là con tàu đánh cá như lời giới thiệu ban đầu. Loại thủy sản mà họ nhắm tới là con banh lông (tức hải sâm dừa). Đây là loài hải sâm sống ở vùng biển sâu, khoảng 20-40cm dưới bùn cát và mang lại giá trị kinh tế cao. Chỉ trong 63 ngày, chuyến tàu của ông đã đánh bắt số banh lông có giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Tạo nhớ lại: "Tôi nghe 3,4 người tính với nhau hồ hởi: Mỗi người được khoảng 100 triệu đồng rồi! Khoang đầy banh lông, đủ số lượng, gạo trong thùng dần vơi, tôi nói với tài công rằng hãy quay về đi. Nhưng, họ không nghe. Số tiền từ banh lông đã làm họ mờ mắt. Con tàu tiến đến cào tại vùng lãnh hải của Philippines.

Nước mắt lão ngư dân trở thành tù nhân Philippines: Chuyến đi kinh hoàng nhất đời - Ảnh 2.

Vùng biển thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Giang

Cuối cùng, chúng tôi cũng bị phát hiện. Cảnh sát nhiều lần ra tín hiệu cảnh cáo nhưng tài công vẫn ngoan cố bỏ chạy. Sóng nước xô con tàu ngả nghiêng, ruột gan nhộn nhạo, cả 3 người phụ việc đều chui xuống hầm trốn. Chúng tôi đã gào lên rất nhiều lần xin hãy dừng lại nhưng anh ấy vẫn cứ lái tàu bỏ trốn. Phía cảnh sát nổ súng, viên đạn xuyên qua chân tài công, họ truy đuổi một cách quyết liệt. Cuối cùng, tàu chúng tôi đã bị bắt".

Nước mắt nơi xứ người

"Họ huơ tay, làm hành động lùa cơm, chúng tôi gật đầu. Họ đưa cơm.

Họ chỉ vào thùng nước, chúng tôi tỏ ý muốn uống. Họ rót nước.

Đó là cách chúng tôi giao tiếp với cảnh sát Philippines, khi ở nơi tạm giam", ông Tạo nói.

Sau nhiều lần ra tòa, nhóm của ông Tạo bị tuyên 18 tháng tù. Một bản án khiến ông rơi nước mắt. Ông nhớ làng chài Bình An, nhớ con cá, luống rau, nhớ căn chòi nhỏ, nhớ cái tiếng nói thân thương nơi quê nhà.

Khát vọng đổi đời bị dập tắt, trong ông chỉ còn lại nỗi xót xa và ân hận.

Ông được chuyển tới căn phòng giam khoảng 4 mét vuông, nơi có nhiều tù nhân đang ở gồm người Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc… Mùi người, hơi nóng hầm hập… tỏa ra khiến ông ngộp thở, mồ hôi nhễ nhại.

Nước mắt lão ngư dân trở thành tù nhân Philippines: Chuyến đi kinh hoàng nhất đời - Ảnh 3.

Nơi sinh sống hiện tại của ông Tạo

Vài ngày sau, ông Tạo được chuyển sang nhà giam khác. "Trong tù, chỉ có một món ăn duy nhất là gà. Chúng tôi không có sự lựa chọn, có được một bữa ăn là điều quý giá. Nhưng đến tháng thứ 2, gà là nỗi ám ảnh nhất. Không ngoại ngữ, không tiền, không người thân…tôi bắt đầu công việc đầu tiên trong nhà tù: giặt đồ thuê. Mỗi tháng, tôi được trả số tiền tương đương với 3 triệu đồng Việt Nam. Số tiền đó, tôi dành để mua thuốc và thức ăn. Lần đầu tiên được ăn cá, chúng tôi xúc động đến rơi nước mắt", ông Tạo kể.

Một căn phòng chật đến nghẹt thở

Một cuộc sống đầy tủi nhục chốn lao tù

Một đôi tay bợt bạt vì phải giặt đồ thuê

Tất cả không đáng sợ bằng sự cô đơn vây lấy ông mỗi ngày, mỗi đêm. Suốt 18 tháng tù, ông Tạo chỉ nhận được một cuộc gọi từ cháu dâu. "Tôi không có gia đình, nhìn những bạn tù được người thân thăm hỏi, tôi cũng chạnh lòng. Vào một ngày nọ, tôi nhận được điện thoại từ cháu. Nó mừng hết biết, hỏi tôi có ăn uống được không, sức khỏe ra sao, sống thế nào… Mình khó, nhưng nó cũng nghèo. Nó gửi cho tôi một số tiền nhỏ để mua thuốc…", ông nghẹn ngào nhớ lại.

Về với Bình An

Kết thúc 18 tháng tù, ông phải ở Manila (thủ đô Philippines) thêm 5, 6 tháng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trước ngày về, ông được bạn tù tặng cho một chiếc máy pha cà phê. Ông đặt nó vào balo, bên cạnh mớ quần áo ngổn ngang.

Từ Manila về Hà Nội, rồi đến Kiên Giang, hành trình vạn dặm đó ông Tạo chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của những người đồng hành. Họ, những người Việt lao động tại Manila đã xúc động trước hoàn cảnh của người đàn ông gần 60 tuổi tay trắng trở về quê hương sau khoảng thời gian tù tội.

Ông Tạo kể: "Sau khi ra tù, người chủ tàu cũng không trả chúng tôi đồng nào. Tôi không có tiền, tôi cũng chẳng biết làm sao có thể trở về Việt Nam. Tất cả là nhờ sự trợ giúp của lãnh sự quán Việt Nam tại Philippines cùng những người hảo tâm. Đáp xuống Hà Nội, tôi đi nhờ xe về Nam Định rồi được một cô tốt bụng, cô ấy cho tiền tôi về đến Kiên Giang".

Nước mắt lão ngư dân trở thành tù nhân Philippines: Chuyến đi kinh hoàng nhất đời - Ảnh 4.

Ông Tạo trong ngôi nhà được xây dựng từ chuồng gà của một hộ gia đình

"Đây là phải là đường về Bình An không?"

Ông Tạo hỏi chính mình hàng trăm lần, trên chuyến xe từ trung tâm huyện Kiên Lương về đến làng chài nhỏ.

Bình An của ông, là nơi có những người đàn ông cao to, vạm vỡ tay chân lúc nào cũng đầy những vết xước vì cào nghêu.

Bình An của ông, là nơi của những người phụ nữ hiền lành, đôn hậu, chịu thương chịu khó. Ban ngày nuôi cá, ban đêm đi gỡ cua đáo đến tróc da tay.

Bình An của ông, là nơi có bầy trẻ nhỏ đen nhẻm, tóc vàng hoe vì nắng cháy.

Nước mắt lão ngư dân trở thành tù nhân Philippines: Chuyến đi kinh hoàng nhất đời - Ảnh 5.

Chiếc máy pha cà phê ông Tạo mang về từ Philippines

Lúc đặt chân tới chiếc cầu cây nhỏ, ông mới nhìn ra Bình An. Làng chài nuôi dưỡng những kí ức êm đềm nhất trong cuộc đời ông. Và họ, những người chòm xóm đã bước ra đón ông, ôm lấy ông, một người tù vừa trở về từ Philippines bằng những tình cảm chân thật nhất.

Căn nhà chòi mà ông ở trước khi đi biển đã bị nắng mưa quật ngã. Ông dựng lại nơi ở mới mà trước đây là chuồng gà của một gia đình. Trong căn nhà đó, thứ đắt tiền nhất có lẽ là chiếc máy pha cà phê mang về từ Philippines.

Nước mắt lão ngư dân trở thành tù nhân Philippines: Chuyến đi kinh hoàng nhất đời - Ảnh 6.

Cây đàn ghita của ông Tạo được người cháu giữ lại trong suốt thời gian ông đi tù

Khép lại những cô đơn, buồn tủi nơi xứ người, ông Tạo đã trở về với Bình An. Ông được nói tiếng nói quê hương, được ăn con cá biển, được hái luống rau sau vườn, được sống trong sự quan tâm, đùm bọc của làng xóm. Và dù có nằm ngủ trên chiếc vỏ lãi tròng trành, nghiêng ngả theo sóng nước, giấc ngủ của ông cũng sẽ thật êm đềm…

"Không bao giờ, tôi rời khỏi quê hương nữa", ông Tạo nói.

Theo Lan Chi

Cùng chuyên mục
XEM