Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi

25/09/2018 09:15 AM | Xã hội

Sở hữu chiếc mỏ sừng đắt hơn ngà voi gấp 3 lần nên loài chim Tê Điểu đang bị giết hại đến mức có nguy cơ tuyệt chủng.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 1.
Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 2.

Địa hình ở Vườn Quốc gia Budo-Su-ngai Padi miền nam Thái Lan rất dốc và hiểm trở. Bất cứ khi nào tiến thêm một bước về phía trước bạn hoàn toàn có thể bị mặt đất trơn trượt kéo lại phía sau.

Chưa kể, trong khu rừng ẩm ướt, rậm rạp này còn có đủ loại côn trùng. Chúng bay vo ve và sẵn sàng xâm nhập vào mũi, tai bất cứ lúc nào. Và nếu bạn đủ can đảm để dừng lại một chút ngó nghiêng xung quanh, bạn sẽ thấy cả một đội quân vắt lúc nhúc dưới chân, lộ rõ vẻ khát máu hướng về phía bạn, chờ chực một cơ may xâm nhập vào da thịt mà bám riết không thôi.

Những khó khăn hiển nhiên khi thâm nhập vào khu rừng nguyên sinh này chắc hẳn là "cái giá" mà tôi và những người bạn đồng hành phải bỏ ra để tận mắt chiêm ngưỡng loài chim quý hiếm có tên Tê Điểu hay Hồng hoàng mỏ cát.

Tiến sĩ Pilai Poonswad, một nhà khoa học bản địa kỳ cựu vốn nổi tiếng trong giới sinh học bảo tồn với danh xưng "Đại mẫu của chim mỏ sừng", làm trưởng đoàn. Từ năm 32 tuổi cho đến nay đã 40 năm, bà Pilai Poonswad một lòng nghiên cứu về sinh thái và bảo tồn loài chim mỏ sừng.

Đi cùng đoàn chúng tôi còn có nhiếp ảnh gia Tim Laman. Anh thuộc nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Pilai Poonswad. Vì là người bản địa sống ở chân núi nên anh khá thông thạo địa hình, có thể mang vác nhu yếu phẩm và giúp cả đoàn dựng lều qua đêm.

Chúng tôi biết việc thâm nhập vào khu rừng nguyên sinh để tìm một loài chim vốn nổi tiếng với lối sống bí mật, nhút nhát là quấy nhiễu sự yên bình nơi đây, tuy nhiên, việc loài chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn đã thôi thúc những bước chân của những người làm khoa học như chúng tôi.

Sau chặng đường dài, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cái cây cổ thụ có bụi dương xỉ mọc bao quanh thân cây cao đến hàng chục mét. Lấp ló trong đám lá xanh là chiếc mỏ quen thuộc của một con Tê Điểu cái đang ấp trứng.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 3.

Một con chim Tê Điểu cái dành khoảng 5 tháng để ấp trứng và chăm con cho đến khi con non mọc lông.

Chúng tôi chờ đợi sự xuất hiện của con Tê Điểu đực mang thức ăn về cho tổ ấm của nó. Bởi trong thời gian ấp trứng, con cái sẽ không di chuyển trong vài tháng trời, mà ở khoảng cách này chúng tôi không thể tiếp cận nó để có những bức hình đẹp.

Thời gian chầm chậm trôi khi chúng tôi lặng yên chờ đợi con đực trở về. Dưới chân, những con kiến rừng khổng lồ vô tư bò lên chân chúng tôi. Những con đỉa đói vẫn không ngừng bám riết. Mặt trời đã lên cao nhưng cả đoàn vẫn bị cái ẩm ướt của đại ngàn bao bọc.

Tôi không phải là chuyên gia quan sát chim nhưng khu rừng nguyên sinh này quả thực là một nơi ngắm chim lý tưởng.

Sự tĩnh lặng vốn có của rừng núi bị phá vỡ bởi thứ âm thanh thể hiện quyền lực, báo hiệu sự trở về của con Tê Điểu đực. Whoosh-whoosh-whoosh!....

Chúng tôi nín thở! Chỉ còn cách vài cây nữa thôi con chim đực sẽ xuất hiện.

Và rồi trước mắt chúng tôi hiện lên hình ảnh của một "con khủng long biết bay": Con chim lớn dài 4 mét (tính cả phần đuôi ở giữa), sải cánh rộng đến 2 mét đậu trên gụ cây, mỏ ngậm một con côn trùng lớn, cặp mắt tinh anh quan sát xung quanh.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 4.

Chim Tê Điểu đực ngậm côn trùng về cho gia đình của nó bằng chiếc mỏ đặc biệt nhất trong thế giới chim mỏ sừng.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 5.

Trong thời gian sinh nở và chăm sóc con, Tê Điểu cái sẽ ở yên trong hốc cây khoảng 5 tháng. Toàn bộ thức ăn đều được Tê Điểu đực cung cấp.

Rồi đột nhiên xung quanh lặng như tờ. Núi rừng lại trở lại vẻ điềm nhiên, yên tĩnh của nó khi con Tê Điểu đực tiến về tổ ấm của mình, nhả thức ăn cho con cái đang làm tròn nghĩa vụ của chim mẹ.

Chúng tôi như nín thở quan sát để không bỏ sót bất cứ hình ảnh sống động nào trước mắt, tựa hồ như nếu thở mạnh thôi cũng khiến loài chim có tinh thần cảnh giác cao này biến mất khỏi tầm mắt.

Về phần mình, tôi cứ thế nhìn chằm chằm vào chiếc mỏ khổng lồ của com chim quý. Nổi bật giữa bộ lông trắng đen là chiếc mỏ quý hiếm hơn ngà voi gấp 3 lần.

Chim Tê Điểu trưởng thành có thể nặng đến 3kg, nhưng chỉ riêng chiếc mỏ quyền quý này của chúng cũng đã chiếm 11% trọng lượng cơ thể.

Khác với tất cả 60 loài chim mỏ sừng khác trên thế giới trải rộng khắp châu Á và châu Phi - có sừng rỗng bên trong, Tê Điểu sở hữu mỏ sừng đặc, cứng chắc, có cùng cấu tạo giống sừng tê giác.

Nếu như loài Tê Điểu nói chung dùng chiếc mỏ cứng cáp này để tìm kiếm thức ăn là các loài côn trùng sống bên trong các thân cây mục rỗng, thì Tê Điểu đực dùng nó như một vũ khí quyền lực nhằm "đấu tay đôi" với con chim đực khác để tranh giành bạn tình.

Con Tê Điểu đực thả mồi nhanh chóng cho con cái rồi lại biến mất giữa những tán lá xanh của đại ngàn. Nó lên đường đi tìm mồi mới cho gia đình mình.

Tê Điểu là một loài chim hiếm. Người ta chỉ tìm thấy chúng sinh sống sâu trong các khu rừng ở Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar và miền nam Thái Lan.

Ngoài sở thích ăn côn trùng, chim Tê Điểu còn thích ăn các loại quả, hạt trong rừng. Sau khi ăn, chúng làm vương vãi các loạt hạt giống khắp khu rừng, vô tình tạo nên sự đa dạng cho cây rừng, vì thế chúng còn được gọi với danh xưng "nhà nông chăm chỉ của núi rừng".

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 6.

Ngoài ăn côn trùng, Tê Điểu còn ăn quả, hạt. Việc làm vung vãi hạt vô tình tạo sự đa dạng cho cây rừng ở bán kính vài km. Nhờ thế, nó được gọi là "Nhà nông chăm chỉ của núi rừng".


Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 7.

Các nhà khoa học đánh giá cao vai trò quan trọng của chim Tê Điểu trong vấn đề sống còn của rừng Đông Nam Á. Bởi, hiện trạng phá rừng nguyên sinh phục vụ các hoạt động của người đang khiến rừng ngày càng biến mất. Đổi lại, điều này cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của loài chim quý hiếm này.

Điểm đặc biệt của loài Tê Điểu là chúng làm tổ rất cầu kỳ. Tổ của chúng phải được xây trên gụ rỗng của cây cổ thụ. Tuy nhiên, những cái cây này lại thuộc vào hàng lâu đời nhất và lớn nhất trong rừng - và do đó có giá trị cao với những người khai thác gỗ.

Hơn nữa, Tê Điểu còn sinh sản rất hiếm, mỗi năm chỉ đẻ trứng một lần và chỉ nuôi một con nhỏ. Theo tập tính, trong khoảng thời gian ấp trứng, con cái sẽ ở yên trong tổ khoảng 5 tháng cho đến khi con non mọc lông. Toàn bộ thức ăn cho cả gia đình trong khoảng thời gian này đều phụ thuộc vào con đực. Nếu Tê Điểu cha bị săn giết, cả gia đình của nó cũng chết theo!

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 8.
Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 9.

Tê Điểu làm tổ trên cái cây cao nhất, cổ thụ nhất của rừng.

Trong văn hóa của người Đông Nam Á hàng nghìn năm qua, loài chim Tê Điểu có ý nghĩa vô cùng lớn. Chúng là linh vật thiêng liêng của người Kalimantan và người Dayak trên đảo Borneo.

Họ tin rằng, Tê Điểu là sứ giả linh thiêng của các vị thần, có sứ mệnh chở linh hồn người đã khuất sang thế giới bên kia. Hơn nữa, Tê Điểu còn đại diện cho hình ảnh của sự chung thủy và bền vững trong hôn nhân, gia đình. Giết chúng là điều cấm kỵ!

Thế nhưng,

Một trong những vấn nạn báo động khiến Tê Điểu có nguy cơ tuyệt chủng chính là nạn săn bắt loài chim quý này của bọn tội phạm.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 10.

Cách tổ chim Tê Điểu vài nghìn km về phía nam của khu rừng là một căn phòng của quan chức Indonesia chuyên giữ những sản phẩm săn trộm đã bị tịch thu từ bọn buôn bán động vật hoang dã. Bên trong căn phòng bày la liệt các thùng giấy chứa da hổ, ngà voi và hàng loạt mỏ Tê Điểu - phần quý hiếm nhất còn lại của những con chim quý bị giết hại.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 11.
Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 12.
Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 13.

Ngay từ năm 700, thương mại giữa Borneo và Trung Quốc dần trở nên nhộn nhịp. Vào năm 1371, mỏ sừng của chim Tê Điểu trờ thành loại "ngà" xuất hiện tại Trung Quốc lần đầu tiên như một tặng phẩm từ vương quốc Brunei.

Người Trung Quốc, vốn đã có tay nghề cao trong nghệ thuật chạm khắc voi ngà voi, đã chế tác những chiếc mỏ sừng Tê Điểu quý hiếm thành các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.

Cũng từ đó, khi nhu cầu "làm đẹp" của con người ngày càng cao thì nạn săn trộm Tê Điểu để lấy mỏ sừng đã xuất hiện ngày một nhiều khi các thương nhân người Hoa ráo riết thu mua chúng sau đó bán cho giới thượng lưu với giá đắt đỏ. Đến giữa những năm 1800 nhu cầu đã lan sang phương Tây và các nước châu Âu.

Nhẹ hơn ngà voi, dễ dàng chạm khắc hình ảnh tiểu xảo thành mặt dây chuyền và các tác phầm nghệ thuật phức tạp nên mỏ sừng Tê Điểu trở thành món hàng được săn lùng nhiều nhất ở châu Á.

Đối với các tầng lớp giàu có ở Trung Quốc, Nhật Bản, các vật dụng có mặt của "Tam quý" (là răng nanh hổ, vảy tê tê và mỏ sừng Tê Điểu) là dấu hiệu của tiền bạc, giàu có, quyền lực và sự sang trọng. Ở Anh thời thế kỷ 19, những trang sức, vật dụng có sự xuất hiện của mỏ sừng Tê Điểu trở thành xu hướng thời trang thời thượng của giới quý tộc nước này.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 14.

6.000 con Tê Điểu bị giết hại mỗi năm nhằm phục vụ cho lòng tham của con người!

Tính cho đến nay, giá của mỏ sừng Tê Điểu không hề rẻ, mỗi một kg sừng có giá khoảng 6.150 USD, cao gấp 3 lần giá của ngà voi.

Chỉ tính từ năm 2012 đến 2014, có khoảng 1.111 đầu chim Tê Điểu tịch thu từ bọn buôn lậu riêng tại tình Tây Kalimantan (Indonesia). Nhà nghiên cứu về chim mỏ sừng Yokyok Hadiprakarsa thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã phi lợi nhuận (WCS) Indonesia ước tính, khoảng 6.000 con Tê Điểu bị giết hại mỗi năm nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người.

Các nhà khoa học không thể thống kê còn bao nhiêu con chim Tê Điểu sinh sống trong tự nhiên hiện nay, nhưng rõ ràng, họ đang lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ sự tồn tại của loài chim cực kỳ quý hiếm này.

Khi nhu cầu của con người càng cao thì nạn săn trộm ngày càng tăng mạnh. Điều này dẫn đến sự biến mất về số lượng của loài chim vốn đã sinh sản hiếm, từ gần bị đe dọa đến cực kỳ nguy cấp, có khả năng tuyệt chủng trong tự nhiên, theo công bố của Sách Đỏ IUCN.

Đoàn chúng tôi gặp gỡ một thợ săn người dân tộc Dayak. Được anh này mời về nhà tại một ngôi làng ở tỉnh Tây Kalimantan.

Chúng tôi ngồi trên sàn của một phòng khách hiện đại. Trên tường có treo những bức hình kể lại quãng thời gian làm việc của anh từ một bảo vệ đến đầu bếp ở xứ người. Sau cùng, anh trở về quê hương, lập gia đình và chuyển sang làm thợ săn - nghề mà anh nghĩ vừa tự do và kiếm được kha khá cho gia đình.

"Tôi kiếm được khá từ việc buôn bán cá và lợn rừng dọc vùng biên giới Malaysia. Mỏ sừng Tê Điểu mà các anh nhìn thấy trong phòng khách là quà tặng của cánh thợ săn bạn tôi, cả hai hộp sọ tê giác bên cạnh nữa. Tôi không giết hại và ăn thịt chúng như các thợ săn khác. Điều đó thật tàn nhẫn."

Khi tôi hỏi về việc có bán chiếc mỏ sừng Tê Điểu không, anh này nhún vai và nói rằng, những thương nhân đến làng này đều "chê" vì nó quá nhỏ.

Trước năm 2012, anh này tiếp lời, không ai trong làng săn giết Tê Điểu cả nhưng gần đây, dân làng bắt đầu tìm kiếm các con chim Tê Điểu trưởng thành sau khi biết giá trị của chiếc mỏ sừng. Khi bắt được một con chim ưng ý, họ tiến hành chặt đầu con chim rồi mang về nhà cho vào nồi nước nóng để dễ dàng tách phần mỏ sừng với các phần còn lại của đầu com chim.

"Tôi không biết chuyện gì diễn ra tiếp theo sau khi những cái mỏ sừng Tê Điểu được thương gia bên ngoài đến mua nhưng những tay buôn bán động vật hoang dã rỉ tai nhau rằng, thương gia thu mua mỏ sừng Tê Điểu từ làng này sang làng khác với các kích cỡ phù hợp và bán lại cho các bên trung gian. Mỗi lần qua tay người bán là mỗi lần giá lại đội lên rất cao. Cuối cùng, những khách hàng ở Trung Quốc vẫn sẵn sàng trả giá đắt đỏ cho những gam mỏ sừng Tê Điểu, tất nhiên với giá cao hơn giá của ngà voi gấp vài lần."

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 15.

Tại Vườn Quốc gia Budo-Su-Ngai Padi, Tiến sĩ Pilai Poonswad đã phát triển một dự án tâm huyết nhằm bảo vệ loài chim mỏ sừng. 40 năm nghiên cứu về loài chim mỏ sừng, bà hết lòng mong muốn bảo vệ sự tồn tại của loài chim hiếm có này.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 16.

Tiến sĩ Pilai Poonswad đã thành lập Quỹ Bảo tồn chim mỏ sừng. Số tiền trong quỹ được bà gửi cho những người dân sống gần khu rừng (trong đó có Asae Jaru) để họ bảo vệ loài chim quý hiếm này cũng như góp sức ngăn chặn nạn săn giết của bọn trộm.

Năm 1995, Tiến sĩ gặp Asae Jaru, một tay săn trộm mỏ sừng Tê Điểu chuyên bán cho thương gia bên ngoài. Asae Jaru kể lại rằng, chỉ với 2 cái mỏ sừng chim Tê Điểu, anh này có thể thu được số tiền bằng cả năm làm nông.

Sau khi nói chuyện với Tiến sĩ Pilai Poonswad và tận mắt chứng kiến sự bỏ đi của loài chim hiếm tại khu vực mình săn giết, Asae Jaru từ bỏ việc săn giết và trở thành "cánh tay phải" đắc lực cho nữ Tiến sĩ.

Tính đến đầu năm 2018, gần 40 người thuộc 6 ngôi làng gần rừng, trong đó có khá nhiều người từng săn giết trộm chim mỏ sừng, tham gia chương trình bảo vệ loài chim quý của Tiến sĩ Pilai Poonswad.

Tại Indonesia, điểm nóng của nạn săn giết chim Tê Điểu, một tổ chức phi lợi nhuận có tên Rangkong Indonesia cũng triển khai chương trình bảo vệ Tê Điểu tương tự của Tiến sĩ Pilai Poonswad tại chính các ngôi làng ở tỉnh Tây Kalimantan.

Tổ chức có nhiệm vụ theo dõi và ghi lại dữ liệu về loài chim mỏ sừng với mục đích cao nhất là thiết lập một chương trình du lịch sinh thái ngắm chim tại đó.

Chính phủ Indonesia cũng đã ký kết một kế hoạch hành động quốc gia 10 năm để bảo tồn loài chim Tê Điểu. Trong đó bao gồm việc nghiên cứu, giám sát song song việc tăng cường thực thi pháp luật để bảo vệ loài Tê Điểu.

Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 17.
Nước mắt chim Tê Điểu: “Báu vật sống” bị săn lùng vì có chiếc mỏ đắt gấp 3 lần ngà voi - Ảnh 18.

Trên thế giới, hiếm có khu vực nào như ở Đông Nam Á sở hữu loài chim quý hiếm, dài 4 mét (tính cả phần đuôi ở giữa) với cái mỏ cứng, đặc và tuyệt đẹp như thế giữa đại ngàn. Tôi vẫn không phải là một nhà quan sát chim muông, nhưng có điều này tôi phải nói với bạn rằng, khi đã đến đây và tận mắt ngắm nhìn Tê Điểu, bạn sẽ hiểu việc băng rừng là không hề vô ích!

Theo Trang Ly-Đỗ Linh

Cùng chuyên mục
XEM